Cá chình (Anguilla) có thân dài giống rắn, thường hoạt động về đêm và ưa sinh sản tại những vùng biển xa, nghèo dinh dưỡng. Những con non (mới nở) có kích thước bằng hạt gạo, sau đó sẽ bắt đầu một hành trình dài – lên đến 6.000 km – tới các khu vực nước ngọt hoặc nước lợ để sinh trưởng trong nhiều năm. Cá chình trưởng thành có thể nặng đến 20 kg, trước khi quay lại biển đẻ trứng rồi chết và chìm xuống đáy sâu1.
Cá chình châu Âu được IUCN liệt vào danh mục nguy cấp, cần được bảo vệ. Ảnh: Bermuda Biology
Hiện nay, do chưa nơi nào trên thế giới cho cá chình sinh sản nhân tạo thành công nên toàn bộ sản phẩm đang bán trên thị trường đều có nguồn gốc hoang dã, với số lượng ngày càng khan hiếm. Chẳng hạn, các loài cá chình ôn đới – Mỹ, Nhật Bản và châu Âu – đã chứng kiến sự sụt giảm hơn 90% trong suốt bốn thập kỷ qua. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã liệt cá chình châu Âu (Anguilla anguilla) vào danh mục nguy cấp cần được bảo vệ – một thực tế gây sốc bởi loài này đã từng rất dồi dào tại nhiều vùng biển trên khắp châu Âu.
Trong cuốn Eels, nhà tự nhiên học James Prosek đã phỏng vấn rất nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về chi Anguilla. Với những hiểu biết không còn bị giới hạn ở các loài cá chình Đại Tây Dương, công trình là sự bổ sung tuyệt vời cho cuốn The Books of Eeels (Tạm dịch: Sách về cá chình) của Tom Fort do Nhà xuất bản Harper Collins phát hành năm 2002. Bên cạnh những đặc tính sinh học của cá chình, Prosek còn khảo cứu về những giá trị văn hóa, kinh tế mà chúng mang đến cho xã hội loài người, từ nỗi băn khoan của Aristotle2 cho đến các chuyến thám hiểm và cuộc giải phẫu do Sigmund Freud3 thực hiện.
Minh hoạ vòng đời của loài cá chình Mỹ. Ảnh: Melissa Beveridge/Natural History Illustration
Prosek đã tới New Zealand, nơi loài lươn khổng lồ Anguilla dieffenbachii được người thổ dân Maori bản địa tôn kính như một biểu tượng tâm linh; các dự án xây dựng đường xá được nắn chỉnh hướng để tránh những khu vực cư trú đông đúc của chúng. Prosek cũng đến Nhật Bản, một quốc gia tiêu thụ nhiều cá chình nhất thế giới, nơi việc chế biến món kabayaki (lươn nướng) đã trở thành ngành công nghiệp trị giá nhiều triệu USD. Ông cũng đến thăm đảo Pohnpei thuộc Micronesian4, nơi loài Anguilla marmorata5 được thổ dân ở đây thờ cúng như tổ tiên.
Việc khôi phục và bảo tồn quần thể cá chình trên khắp thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Prosek đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của chúng: môi trường sống bị lấn chiếm, dòng chảy [đại dương] thay đổi, sự xuất hiện của các đập nước (ngăn cản quá trình di cư), tình trạng đánh bắt quá mức, sự du nhập của nhiều loại ký sinh trùng và tác nhân gây ô nhiễm,... Cùng với đó là sự thiếu hiểu biết của chúng ta về các giai đoạn chính trong vòng đời cá chình, khiến việc quản lý quần thể trở nên khó khăn hơn nhiều.
Món cơm lươn nướng (kabayaki) nổi tiếng của Nhật. Ảnh: LiveJapan
Trước thực trạng nguy ngập của cá chình, nhất là các loài ôn đới, nhiều nỗ lực nghiên cứu đã được thực hiện. Một nhóm ở Nhật Bản đã chụp được hình ảnh về cảnh sinh sản của loài Anguilla japonica6, diễn ra tại khu vực giao thoa giữa vùng nước ấm và lạnh trên biển Thái Bình Dương. Bên cạnh đó là những nghiên cứu tiết lộ về chế độ ăn của ấu thể cá chình (được gọi là leptocephali), cũng như giả thuyết về các tuyến đường di cư của ấu thể cá chình châu Âu trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Đối với cá chình Mỹ và châu Âu, việc theo dõi những giai đoạn cuối trong vòng đời của chúng hãy còn gặp rất nhiều thách thức do khoảng cách rộng lớn trên biển và thiếu thiết bị. Hiện tại, việc bố trí các thiết bị đo lường (gắn cảm biến) và truyền dữ liệu từ xa vẫn là phương pháp khả thi duy nhất để theo dõi những con cá chình trưởng thành di chuyển trên đại dương. Trong khi đó, thông tin về các loài cá chình nhiệt đới thậm chí còn khan hiếm hơn nhiều. Gần đây, tại Philippines, người ta đã phát hiện ra một loài mới và đặt cho nó cái tên là Anguilla luzonensis,…
Sau cùng, vì tầm quan trọng về kinh tế, đa dạng sinh học, văn hóa, tinh thần,… của cá chình, con người rất cần thực hiện thêm nhiều nỗ lực và phương án hiệu quả để bảo tồn chúng.
Chú thích
1. Vòng đời của cá chình hoàn toàn ngược với cá hồi – sinh ra tại vùng nước ngọt, di cư ra biển để phát triển, sau đó quay lại vùng nước ngọt đẻ trứng rồi chết.
2. Theo ghi chép, Aristotle (384 – 322 BC) bị loài lươn (giống châu Âu) thu hút khi chứng kiến chúng xuất hiện đầy ao sau những trận mưa lớn. Ông cho rằng chúng sinh trưởng trong bùn và đất ẩm, thậm chí do loài giun đất phát triển thành.
3. Năm 19 tuổi, nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856 – 1939) đã du hành tới bờ biển Adriatic ở Trieste, miền Bắc nước Ý, vì muốn khám phá về cơ chế sinh sản của loài cá chình. Sau khi tiến hành giải phẫu hàng trăm cá thể, ông không phát hiện thấy con nào có tinh hoàn. Cho đến tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ cá chình sinh sản như thế nào.
4. Liên bang Micronesia là một đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương, về phía Đông Bắc của Papua New Guinea.
5. Còn gọi là cá chình bông, khá phổ biến ở Việt Nam.
6. Cá chình Nhật Bản, sống chủ yếu tại Nhật Bản, Triều, Việt Nam, Biển Hoa Đông và Bắc Philippines.
Theo Hải Đăng – Phi Bằng/Khoa học & Phát triển