PGS Trần Ninh: Khai mở bí ẩn về rêu, hồi sinh trà hoa vàng

Google News

PGS Trần Ninh là nhà khoa học tận tụy, dành trọn đời nghiên cứu rêu và trà hoa vàng. Với những phát hiện quan trọng, ông không chỉ khai mở tri thức mới mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò.

PGS Tran Ninh: Khai mo bi an ve reu, hoi sinh tra hoa vang
Chân dung PGS.TS.NGƯT Trần Ninh. 
Hành trình đến với khoa học thực vật
PGS.TS. NGƯT Trần Ninh sinh năm 1943 tại làng Tứ Mỹ, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước, với nhiều thành viên đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và khoa học. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, chăm chỉ. Năm 1962, ông thi đỗ vào Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội). Điều đặc biệt là ban đầu ông yêu thích Toán học, nhưng rồi lại gắn bó cả đời với Sinh học – một sự chuyển hướng đầy duyên nợ.
GS.TS.NGND Vũ Văn Vụ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chia sẻ:
Chúng tôi có bốn điểm chung: cùng là đồng môn, cùng chuyển từ Toán sang Sinh, cùng được giữ lại giảng dạy và cùng nghiên cứu khoa học thực vật. Lúc đầu, chúng tôi không muốn học Sinh nhưng càng học càng hứng thú. Càng tìm hiểu sâu càng say mê, và cuối cùng, tất cả những người chuyển từ Toán, Lý, Hóa sang Sinh đều rất giỏi.
PGS Tran Ninh: Khai mo bi an ve reu, hoi sinh tra hoa vang-Hinh-2
Trong cuộc sống hàng ngày, PGS Trần Ninh và GS Vũ Văn Vụ vẫn thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện. 
Sự đam mê khoa học của PGS.TS Trần Ninh ngày càng lớn dần trong những năm tháng đại học. Đặc biệt, một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của ông đến vào năm 1965, khi thầy Dương Hữu Thời, Chủ nhiệm Khoa Sinh học lúc bấy giờ, chọn ông làm trợ lý cho TS Pocs Tamas – nhà nghiên cứu rêu nổi tiếng đến từ Đại học Sư phạm Eger, Hungary. Trong những chuyến khảo sát cùng TS Pocs Tamas tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, chàng sinh viên Trần Ninh bắt đầu hình thành niềm đam mê với rêu.
Năm 1966, ông bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp với đề tài “Khu hệ rêu ở vùng Đông Bắc Tam Đảo”. Đây là cơ sở để ông và đồng nghiệp công bố nhiều loài rêu mới cho khoa học. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường giảng dạy tại Bộ môn Thực vật, Khoa Sinh học.
Những công trình nghiên cứu về rêu
Năm 1976, ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Hungary và tiếp tục làm việc dưới sự hướng dẫn của GS Pocs Tamas. Năm 1981, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Bryogeographical Studies in the Tam Dao Mountains” (Nghiên cứu địa lý khu hệ rêu ở dãy núi Tam Đảo). Sau đó, các phần trong luận án của ông lần lượt được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín tại Nhật Bản, Mỹ.
Trở về nước, PGS.TS Trần Ninh tiếp tục khảo sát nhiều vùng của Việt Nam và phát hiện, đặt tên cho sáu loài rêu mới. Ông cũng tham gia nhiều hội thảo quốc tế về thực vật tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Những nghiên cứu của ông góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển ngành rêu học ở Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Trưởng Khoa Sinh học, nhận xét:
Thầy cùng với các cán bộ trong bộ môn khoa học thực vật đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu về rêu, phân loại học, đa dạng sinh học thực vật, cũng như các nguồn thực vật trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thầy đã góp phần quan trọng vào thành tựu của Khoa Sinh học và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.”
PGS Tran Ninh: Khai mo bi an ve reu, hoi sinh tra hoa vang-Hinh-3
PGS.TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Trưởng khoa Sinh học, trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội
Công lao đối với trà hoa vàng Việt Nam
Không chỉ nghiên cứu về rêu, PGS.TS Trần Ninh còn có đóng góp lớn trong việc phát hiện và bảo tồn trà hoa vàng – một loài cây có giá trị dược liệu cao.
PGS Tran Ninh: Khai mo bi an ve reu, hoi sinh tra hoa vang-Hinh-4
Một loại trà hoa vàng do PGS.TS Trần Ninh phát hiện tại Việt Nam.
Năm 1993, trong chuyến khảo sát tại Vườn Quốc gia Cúc Phương cùng các nhà khoa học Nhật Bản, ông gặp lại loài Camellia flava mà mình từng thấy vào năm 1965. Nhờ sự giới thiệu của ông, các chuyên gia Nhật Bản đã quan tâm sâu hơn đến loài trà này. Một trong số đó là GS Hakoda Naotoshi, người mà sau này PGS Trần Ninh đã lấy tên để đặt cho một loài trà do ông phát hiện.
PGS Tran Ninh: Khai mo bi an ve reu, hoi sinh tra hoa vang-Hinh-5
PGS.TS Trần Ninh và GS Hakoda Naotoshi trong một lần thực địa tìm hiểu trà hoa vàng của Việt Nam
Từ những nghiên cứu không ngừng nghỉ, ông và các cộng sự đã công bố 25 loài trà hoa vàng mới cho khoa học. Ông cũng tổ chức thành công hai hội thảo quốc tế về trà hoa vàng, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia từ 12 quốc gia.
Nhờ những đóng góp của ông, người dân vùng Tam Đảo đã bắt đầu nhân giống, trồng và khai thác trà hoa vàng, tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Ông cũng chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về trà, đồng thời công bố hơn 30 bài báo trên các tạp chí quốc tế.
Người thầy tận tụy với sự nghiệp trồng người
Không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc, PGS.TS Trần Ninh còn là một người thầy tận tụy, dìu dắt nhiều thế hệ học trò. Ông đã hướng dẫn thành công bốn nghiên cứu sinh, bốn học viên cao học và gần 20 sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục hướng dẫn hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
TS Nguyễn Thùy Liên, giảng viên Bộ môn Thực vật, chia sẻ:
Mình rất may mắn khi vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp của thầy. Thầy là người rất hiền lành, tận tâm với công việc và học trò. Với thầy, tất cả những gì tốt cho học trò, thầy đều làm mà không suy nghĩ tính toán gì cả. Trong nghiên cứu, thầy rất cần mẫn và say sưa, dù đó là những lĩnh vực khoa học cơ bản, khó ứng dụng ngay vào thực tiễn.
PGS Tran Ninh: Khai mo bi an ve reu, hoi sinh tra hoa vang-Hinh-6
TS Nguyễn Thùy Liên, giảng viên Bộ môn Thực vật - người được PGS.TS Trần Ninh hướng dẫn nhiệt tình. 
Đến nay, dù tuổi đã cao, PGS.TS Trần Ninh vẫn chưa ngừng cống hiến. Ông vẫn sẵn sàng lên đường đến các địa phương để tư vấn về bảo tồn và phát triển trà hoa vàng.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với khoa học, PGS.TS.NGƯT Trần Ninh đã đóng góp quan trọng trong nghiên cứu rêu và trà hoa vàng, đồng thời để lại dấu ấn sâu sắc trong công tác đào tạo. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, sự tận tụy với khoa học và tinh thần không ngừng học hỏi. Những thành tựu và tâm huyết của ông sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ nghiên cứu sinh học Việt Nam.

Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ về "ba chân kiềng" của một nhà khoa học. Video do PV Mai Loan - Báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện. 


Trần Liên