Theo Daily Mail, lục địa thứ 8 của Trái đất Zelandia mới được phát hiện trong năm nay, 80 triệu năm sau khi nó tách khỏi Úc và Nam Cực.
Không một ai biết gì về Zelandia cho đến gần đây bởi lục địa này đã chìm sâu hàng km dưới đáy biển Thái Bình Dương.
|
Phác họa lục địa Zelandia nằm ngay sát cạnh nước Úc. |
Nhưng giờ đây các nhà khoa họa thuộc nhóm thám hiểm quốc tế đã tiếp cận đến nơi này, khoan sâu 1.250 mét ở 6 địa điểm khác nhau. Họ thu thập các lõi trầm tích để tìm hiểu sự thay đổi điều kiện địa lý, khí hậu ở lục địa Zelandia trong hàng chục triệu năm qua.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Zelandia với kích thước tương đương Ấn Độ, nằm sát các lục địa khác hơn so với những gì các nhà khoa học dự tính.
Điều này có nghĩa là các loài động vật và thực vật đã từng có thể thoải mái di chuyển qua lại trên lục địa rộng 5 triệu km2 này.
Các phát hiện khác bao gồm việc thu thập 8.000 mẫu vật từ hàng trăm hóa thạch động vật khác nhau.
Những phát hiện này là lời khẳng định Zelandia trong quá khứ từng là một lục địa thực sự, chứ không chìm sâu dưới đáy biển như ngày nay.
Giáo sư Gerald Dickens đến từ Đại học Rice ở Houston, bang Texas, Mỹ nói: “Các phát hiện cho thấy sự hình thành của vành đai núi lửa cách đây 40-50 triệu năm trước, làm thay đổi chiều sâu đại dương, hoạt động địa chất và nhấn chìm Zelandia”.
Vành đai lửa bao gồm hàng loạt núi lửa khác nhau ở bên rìa Thái Bình Dương là tác nhân gây ra hầu hết các trận động đất trên thế giới.
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Rupert Sutherland đến từ Đại học Wellington ở New Zealand nói: “Tìm hiểu Zelandia sẽ giúp chúng tôi làm rõ cách các loài động vật, thực vật đã tiến hóa ở khu vực phía nam Thái Bình Dương”.
Dựa trên những gì xảy ra với Zelandia, các nhà khoa học muốn xây dựng một mô hình máy tính để dự đoán sự biến đổi khí hậu đối trên quy mô toàn cầu.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt