Năm 2024, GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn, giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM được vinh danh trí thức Khoa học & Công nghệ tiêu biểu. Đây là một trong những ghi nhận cho những đóng góp xuất sắc của ông trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh của đất nước. Cuộc đời GS Trần Doãn Sơn là một hành trình không ngừng đam mê sáng tạo và khát khao cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà và bà con nông dân.
![GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn: Sáng chế đột phá vì nông dân GS.TS.NGND Tran Doan Son: Sang che dot pha vi nong dan](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/mailoan/2025_02_07/gstsngnd-tran-doan-son-sang-che-dot-pha-vi-nong-dan.jpg) |
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM chúc mừng GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn được vinh danh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Ảnh: HCMUT. |
Quyết tâm đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống sản xuất
GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn sinh năm 1954 tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một miền quê nghèo, GS.TS Trần Doãn Sơn sớm thấu hiểu những khó khăn của người nông dân. Nhìn cảnh người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bán hàng tấn nguyên liệu thô mà không mua nổi một sản phẩm tiêu dùng công nghiệp, trong lòng GS Sơn đầy trăn trở.
![GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn: Sáng chế đột phá vì nông dân - Hình 2 GS.TS.NGND Tran Doan Son: Sang che dot pha vi nong dan-Hinh-2](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/mailoan/2025_02_07/gstsngnd-tran-doan-son-sang-che-dot-pha-vi-nong-dan-hinh-2.jpg) |
GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn được vinh danh là trí thức Khoa học & Công nghệ tiêu biểu năm 2024. Ảnh: NVCC. |
Từ đó, GS Sơn đã nung nấu quyết tâm đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống sản xuất, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp như gạo, hạt điều, cà phê. Hành trình và những nghiên cứu khoa học của GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thể hiện tâm huyết của ông trong việc cải thiện đời sống người nông dân và quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Đến nay, GS.TS Trần Doãn Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp 11 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích trong lĩnh vực chế biến hạt điều, cà phê và thực phẩm. Ông và cộng sự đã thành lập nhóm nghiên cứu và chuyển giao các sáng chế này cho nhiều cơ sở trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực chế biến hạt điều, các sáng chế của ông đã được triển khai tại hơn 1.000 cơ sở, bao gồm cả các nước đang phát triển như châu Phi, Campuchia và Ấn Độ.
Trong lĩnh vực chế biến cà phê, ông đã phát triển khoảng 500 thiết bị rang xay cho các cơ sở trong và ngoài nước. Đối với chế biến lương thực, thực phẩm, các sáng chế của ông đã được áp dụng tại hơn 200 dây chuyền và thiết bị chế biến như phở, bún, bánh tráng gạo truyền thống, bánh tráng rế,... cho các nhà hàng ở Mỹ, châu Âu, châu Á và Việt Nam.
"Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp, có thế mạnh các sản phẩm như gạo, hạt điều, cà phê, tiêu… Thế nhưng công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm này còn thô sơ, xuất khẩu có giá trị thương mại không cao. Đời sống người nông dân vất vả, khó khăn, không khá lên được”, GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn đã chia sẻ về lý do ông tập trung vào các sáng chế phục vụ nông dân.
Sáng chế đột phá trong công nghệ chế biến nông sản
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS Trần Doãn Sơn cho hay, chính từ những trăn trở về người nông dân đã thúc đẩy ông nghiên cứu và phát triển các thiết bị chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống cho họ. GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn đã có nhiều sáng chế đột phá trong lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời cải thiện đời sống của người nông dân.
![GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn: Sáng chế đột phá vì nông dân - Hình 3 GS.TS.NGND Tran Doan Son: Sang che dot pha vi nong dan-Hinh-3](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/mailoan/2025_02_07/gstsngnd-tran-doan-son-sang-che-dot-pha-vi-nong-dan-hinh-3.jpg) |
GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn (trái) đã có nhiều sáng chế đột phá trong lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm. Ảnh: NVCC. |
Một trong những sáng chế đáng chú ý của ông là thiết bị làm bánh tráng rế tự động. Khi đến thăm Cổ Cò (Tiền Giang), ông thấy người dân sản xuất bánh tráng rế bằng tay, công việc vất vả nhưng thu nhập thấp. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông đã chế tạo thành công máy làm bánh tráng rế và chuyển giao về Cổ Cò, giúp người dân cải thiện điều kiện làm việc và tăng thu nhập.
Năm 2003, GS.TS Trần Doãn Sơn giới thiệu sáng chế "Thiết bị và quy trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa". Sáng chế này giúp giảm công đoạn bóc tách lớp vỏ cứng chứa nhiều axit, tăng năng suất chế biến hạt điều. Ông đã chuyển giao gần 200 dây chuyền đồng bộ trong và ngoài nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ông và các cộng sự đã hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy chế biến điều tự động cho các nước châu Phi và Ấn Độ.
GS.TS Trần Doãn Sơn cũng đã nghiên cứu và phát triển thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước. Thiết bị này đáp ứng công nghệ sản xuất bún từ bột gạo pha loãng thành sợi bún được làm chín từ từ, từ nhiệt độ thấp đến cao nhờ trục vít và xilanh có kết cấu đặc biệt. Thiết bị dễ vận hành, phù hợp cho nhà hàng, khách sạn, và đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm Mỹ, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào và Nhật Bản.
Năm 2005, ông ghi dấu ấn với sáng chế ra máy làm bánh phở tươi tự động. Sáng chế này được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế và đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE). Sáng chế đã giúp thay thế phương thức sản xuất thủ công, nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Thiết bị tích hợp toàn bộ quy trình chế biến bánh phở tươi, từ xay nhuyễn, lọc tạp chất, khuấy đều, cán mỏng, hấp, cắt sợi đến thành phẩm, giúp rút ngắn quy trình làm bánh phở tươi từ 12 tiếng xuống còn chưa tới 2 giờ. Sáng chế này đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Lào và Singapore, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Một sáng chế đáng chú ý nữa của GS.TS Trần Doãn Sơn là thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn. Sáng chế này bao gồm trục tạo hình bánh, cụm hấp bánh và cụm lấy bánh, giúp tăng năng suất, tránh lãng phí nguyên liệu sau tạo hình, tạo ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã như mong muốn. Giải pháp này đáp ứng yêu cầu của công nghệ sản xuất từ bột gạo pha loãng thành bánh tráng dạng tròn có đường kính và độ dày hợp lý, và đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trên cả nước.
Những sáng chế của GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thể hiện tâm huyết của ông trong việc cải thiện đời sống người nông dân và quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Điều đó cũng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho ông. “Khi chiếc máy làm bánh tráng rế tạo ra thành phẩm đầu tiên, trong tôi là niềm vui tột cùng, bởi tôi thấy mình đã đóng góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ đồng bào khó khăn”, GS Sơn chia sẻ.
“Cứ say mê đi, cứ sáng tạo đi”…
Đã bao nhiêu năm, như thành lệ, mỗi sáng, GS Sơn đều chào ngày mới bằng một ly cà phê nóng. Sau đó, ông miệt mài với công việc. Thi thoảng, ông lại ghé vào xưởng chế tạo của mình phía sau nhà, quan sát từng chiếc máy mà ông gọi vui là “nghiện”, trao đổi với mọi người về các vấn đề kỹ thuật, sản xuất. Xưởng chế tạo này được ông thành lập vào năm 2015 với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, chế tạo. Từ đây, nhiều chiếc máy chế biến thực phẩm mang “thương hiệu” Trần Doãn Sơn ra đời.
![GS.TS.NGND Trần Doãn Sơn: Sáng chế đột phá vì nông dân - Hình 4 GS.TS.NGND Tran Doan Son: Sang che dot pha vi nong dan-Hinh-4](https://images.kienthuc.net.vn/zoom/800/uploaded/mailoan/2025_02_07/gstsngnd-tran-doan-son-sang-che-dot-pha-vi-nong-dan-hinh-4.jpg) |
PGS.TS Trần Doãn Sơn và học trò tại xưởng nghiên cứu của mình. Ảnh: NVCC. |
Giáo sư Trần Doãn Sơn quan niệm, khoa học chính là cuộc sống. Người làm khoa học phải luôn mang đến những giải pháp, sáng kiến có thể ứng dụng và giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Với ông, tuổi tác cũng chưa bao giờ là trở ngại đối với sự nghiệp sáng chế. Dù đã ở tuổi 71, nhưng năng lượng và sức sáng tạo của ông khiến nhiều học trò, thế hệ trẻ phải nể phục.
“Tuổi của tôi, dù sức khỏe không còn được như thời còn trẻ, nhưng niềm đam mê sáng tạo gần như không hề suy giảm. Cứ say mê đi, cứ sáng tạo đi, rồi mọi điều sẽ tự nhiên đến” – GS Sơn tâm sự.
Ngoài niềm đam mê sáng tạo, ông còn dành thời gian truyền lửa cho các học trò. Hằng ngày, ông nhận được nhiều thư từ sinh viên mong muốn được hướng nghiệp. Điều này mang lại cho ông niềm hạnh phúc và động lực tiếp tục cống hiến.
Với những đóng góp to lớn, GS.TS Trần Doãn Sơn đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý. GS.TS Trần Doãn Sơn đã nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, 2 bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Năm 2020, ông được trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 2021, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ với cụm công trình "Nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị chế biến lương thực-thực phẩm và nông sản Việt Nam".
Mai Loan