Từ mảnh đất văn võ đến giảng đường khoa học
Sinh ra và lớn lên ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định – vùng đất nổi tiếng về truyền thống học hành và khí chất anh hùng – GS. TSKH Đặng Trung Thuận mang trong mình khát vọng dựng xây đất nước bằng con đường tri thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp 3 Phù Cát, năm 1954 ông tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập và thi đỗ vào khoa Địa chất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là nơi ông đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình khoa học bền bỉ sau này.
 |
Chân dung GS.TSKH Đặng Trung Thuận ở tuổi ngoài 80, vẫn miệt mài cống hiến cho khoa học.
|
Nhờ năng lực học tập xuất sắc, năm 1959 ông được Nhà nước cử đi học tại Đại học Tổng hợp Moskva – Liên Xô, nơi đào tạo những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân Địa hóa (1963), ông tiếp tục học tập và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1971 và luận án Tiến sĩ Khoa học ngành Địa chất năm 1987. Đó là chặng đường học thuật kéo dài gần ba thập kỷ, thể hiện sự kiên trì, khổ luyện và đam mê nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Người gieo hạt cho những mùa tri thức
Trở về Việt Nam, GS. Đặng Trung Thuận không lựa chọn ẩn mình trong phòng thí nghiệm mà dấn thân vào con đường giảng dạy và đào tạo. Từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đến Đại học Mỏ - Địa chất, rồi Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, ông đã dành gần 60 năm để truyền dạy kiến thức cho nhiều thế hệ sinh viên, hướng dẫn hàng chục luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ.
 |
GS Đặng Trung Thuận tại khoa Địa chất, trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Ông không chỉ là người thầy giỏi chuyên môn mà còn là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghề giáo. Không ít học trò của ông đã trưởng thành, giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục, nghiên cứu, quản lý tài nguyên và môi trường khắp cả nước.
Tư duy khoa học gắn liền với thực tiễn
Một trong những dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp của GS. Thuận là quan điểm xuyên suốt: khoa học phải gắn với thực tiễn, phục vụ đời sống. Không chỉ giảng dạy lý thuyết, ông còn tham gia hàng loạt đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, trong đó có những dự án có ý nghĩa ứng dụng sâu rộng như:
· Mô hình kinh tế – môi trường tại các vùng sinh thái;
· Nghiên cứu biến động môi trường tại Hạ Long – Quảng Ninh, Hải Phòng;
· Đánh giá tác động môi trường nhà máy giấy Bãi Bằng, tỉnh Vĩnh Phú;
· Mô hình sinh thái vùng đất hoang hóa khô cằn Bình Định;
· Quy hoạch môi trường vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
 |
Giáo trình Địa hóa học do GS Đặng Trung Thuận làm chủ biên |
Ngoài ra, ông còn chủ biên và đồng tác giả nhiều sách chuyên khảo, giáo trình, từ điển và tài liệu giảng dạy như: Thạch luận các đá magma, Địa hóa và sức khỏe, Từ điển Địa chất Nga – Việt, Môi trường và con người, Giáo trình Địa hóa học,... Những cuốn sách này vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong đào tạo và nghiên cứu.
Vinh danh một đời cống hiến
Không chỉ hoạt động trong giảng đường, GS. Thuận còn giữ nhiều cương vị quan trọng trong các tổ chức khoa học chuyên ngành:
· Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Địa chất Việt Nam (7 nhiệm kỳ liên tiếp từ 1983 đến 2020);
· Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam trong ba nhiệm kỳ (2005–2020);
· Phó Chủ tịch và Chủ tịch Phân hội Địa hóa Việt Nam trong nhiều năm.
Ông được xem là người góp phần kết nối, quy tụ lực lượng nghiên cứu Địa chất – Địa hóa trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác, trao đổi học thuật cũng như kiến tạo những diễn đàn để giới khoa học Việt Nam cất lên tiếng nói.
Với những cống hiến bền bỉ và sâu sắc, GS.TSKH Đặng Trung Thuận đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức khoa học ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (với cụm công trình Bản đồ Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000); cùng nhiều huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục, Địa chất, Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
 |
GS Đặng Trung Thuận là một trong những nhà khoa học được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ cho cụm công trình Bản đồ Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 năm 2005. |
Ở tuổi ngoài 80, GS. Đặng Trung Thuận vẫn âm thầm cống hiến – hướng dẫn nghiên cứu sinh, viết sách, đọc tài liệu, tham gia các hội thảo chuyên ngành. Ông không ồn ào, không tìm kiếm hào quang. Nhưng bước chân học thuật của ông đã âm thầm mở đường, vun đắp cho một nền khoa học địa chất vững vàng, bền bỉ.
Mời quý độc giả xem video gia đình, học trò chia sẻ về cốt cách, phẩm chất và sự nhiệt huyết của GS.TSKH Đặng Trung Thuận đối với ngành địa chất Việt Nam.
Trần Liên