Chuyển đổi số: Lối mở cho doanh nghiệp Việt trong bão thuế quan Mỹ

Google News

Trước cú sốc thuế quan lên tới 46% Mỹ áp với hàng Việt, chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp, giúp doanh nghiệp minh bạch chuỗi giá trị, nâng sức cạnh tranh và giảm lệ thuộc vào thị trường truyền thống.

Mức thuế quan cao từ Mỹ đặt ra thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam. Trong nhiều giải pháp ứng phó, chuyển đổi số được xem là một trong những hướng đi hiệu quả, giúp doanh nghiệp tăng tính minh bạch và khả năng thích ứng thị trường.
Chuyen doi so: Loi mo cho doanh nghiep Viet trong bao thue quan My
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong buổi công bố mức thuế nhập khẩu mới với Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh Sputnik Việt Nam
Cơn bão thuế và lời cảnh tỉnh
Chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong chiến lược bảo hộ thương mại “Đưa nước Mỹ giàu có trở lại”, đã bất ngờ áp mức thuế quan lên tới 46% đối với khoảng 90% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Cú sốc này là một lời cảnh tỉnh đối với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp đang phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ. Trong thách thức ấy, chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là lối thoát sống còn.
Từ dệt may, da giày, gỗ, điện tử đến thủy sản, gần như toàn bộ các ngành mũi nhọn đều bị ảnh hưởng bởi rào cản thuế mới. Không chỉ chi phí tăng vọt, nhiều hợp đồng đã ký đang đứng trước nguy cơ phá vỡ hoặc phải điều chỉnh lại giá. Những doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi gia công giá trị thấp càng dễ bị “gạt khỏi cuộc chơi”.
Theo một số chuyên gia, Việt Nam đang bị xem như “cửa ngõ” để hàng Trung Quốc lách thuế vào Mỹ, khiến Washington siết chặt chính sách thương mại. Song thực chất, điều này phản ánh một thực trạng khác: năng lực minh bạch hóa chuỗi giá trị, kiểm soát xuất xứ và quản trị thông tin số của nhiều doanh nghiệp Việt còn yếu.
Một số chuyên gia nhận định, trong cơn bão thuế quan, những doanh nghiệp có năng lực số hóa, truy xuất nguồn gốc minh bạch, quản trị chuỗi cung ứng bằng dữ liệu và đạt tiêu chuẩn ESG khả năng cao là những người trụ lại được.
PGS.TS Mai Quang Vinh – chuyên gia về nông nghiệp thông minh nhấn mạnh: “Thương mại toàn cầu ngày nay không chỉ nói về giá, mà nói về sự tin cậy. Muốn được tin, doanh nghiệp cần dữ liệu. Và muốn có dữ liệu đáng tin – bắt buộc phải chuyển đổi số.”
Chuyen doi so: Loi mo cho doanh nghiep Viet trong bao thue quan My-Hinh-2
PGS.TS Mai Quang Vinh, một chuyên gia nông nghiệp thông minh ở Việt Nam
Đơn cử như trong nông nghiệp, các nền tảng số hoá, các giải pháp blockchain truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, nhật ký sản xuất số… chính là công cụ giúp hàng Việt chứng minh được xuất xứ, minh bạch hành trình sản phẩm – từ trang trại đến bàn ăn, từ nhà máy đến tay người tiêu dùng.
Không chỉ giúp đối phó rào cản thuế quan, chuyển đổi số còn nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm lệ thuộc vào một quốc gia duy nhất như Mỹ. Với sự hỗ trợ từ dữ liệu, nhiều doanh nghiệp có thể nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Trong nguy có cơ” – Cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế
Trước bối cảnh đầy biến động, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Trong nguy có cơ. Đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tự chủ hơn, bền vững hơn.
Chuyen doi so: Loi mo cho doanh nghiep Viet trong bao thue quan My-Hinh-3
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang nỗ lực đàm phán để hạ nhiệt thuế quan do Mỹ công bố. Ảnh Dương Văn Giang - TTXVN
Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ cho thấy rõ: cần xem cú sốc thuế quan không chỉ là rủi ro, mà là đòn bẩy để doanh nghiệp Việt thay đổi tận gốc tư duy và cách làm.
Cùng với các nỗ lực đàm phán thương mại, hoãn thuế quan, đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc chuỗi cung ứng hay nâng cao năng lực sản xuất nội địa, chuyển đổi số vẫn là một trong những biện pháp để biến nguy thành cơ. Bởi nếu các giải pháp khác giúp "chống đỡ" bên ngoài, thì chuyển đổi số tác động trực tiếp vào "cơ địa" bên trong doanh nghiệp – làm mới cách quản trị, nâng cao hiệu suất và tăng sức đề kháng trước các cú sốc toàn cầu.
Theo như quan sát, mức thuế 46% chưa phải là con số cuối cùng. Việt Nam đang tích cực đàm phán song phương và đa phương để đưa mức thuế này xuống thấp nhất có thể. Tuy nhiên, việc giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ, tăng cường năng lực nội tại và chuyển đổi số chuỗi sản xuất – xuất khẩu là một trong những cách ứng phó căn cơ, bền vững.

Mời quý độc giả xem video phỏng vấn PGS.TS Mai Quang Vinh về vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp.


Trần Liên