Đào tạo tiến sĩ bỏ yêu cầu công bố quốc tế: Bước đi thụt lùi?

Google News

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới bỏ yêu cầu có bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế đang gây tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng, việc hạ chuẩn này khiến nền giáo dục luẩn quẩn trong “ao làng”. 

Tự hạ mình về... ao làng
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới của Bộ GD&ĐT bỏ đòi hỏi có bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế đang gây ra nhiều tranh cãi.
Dao tao tien si bo yeu cau cong bo quoc te: Buoc di thut lui?
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ đang gây nhiều tranh cãi vì bỏ đòi hỏi phải có bài đăng báo quốc tế. 
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, trong đào tạo nguồn nhân lực chúng ta có thể sử dụng nhiều chuẩn khác nhau: quốc tế, khu vực, quốc gia, địa phương… Chúng ta không cào bằng các chuẩn này. Ở các trình độ thấp, tùy mục đích khác nhau, chúng ta có thể chấp nhận đào tạo theo những chuẩn riêng, phù hợp với yêu cầu cụ thể.
Tuy nhiên, với trình độ tiến sĩ, đây là bậc đào tạo cao nhất, tạo nên lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong điều kiện hội nhập quốc tế, chúng ta không nên đề xuất các chuẩn địa phương hay quốc gia mang ý nghĩa đặc thù mà nên sử dụng các chuẩn quốc tế, hoặc ít nhất là chuẩn khu vực.
Quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. Quy định này hoàn toàn hợp lý khi chúng ta đào tạo ở bậc cao nhất. Đồng thời, theo một góc độ nào đó thể hiện bộ mặt của nền giáo dục Việt Nam.
Rất tiếc, quy chế đào tạo tiến sĩ mới lại huỷ bỏ yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế cũ. Đây thực sự là một bước thụt lùi đáng lo ngại. “Các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus có yêu cầu rất cao và khắt khe, quan trọng là được cả thế giới công nhận. Khi chúng ta rút lui khỏi chuẩn quốc tế đồng nghĩa chúng ta thụt lùi đi một bước, tự mình trở về đào tạo theo kiểu “ao làng”, TS. Lê Viết Khuyến lo ngại.
Dao tao tien si bo yeu cau cong bo quoc te: Buoc di thut lui?-Hinh-2
Theo TS. Lê Viết Khuyến, khi chúng ta rút lui khỏi chuẩn quốc tế đồng nghĩa tự mình đào tạo theo kiểu “ao làng”.
TS. Lê Viết Khuyến cho biết thêm, một số người cho rằng, việc áp tiêu chuẩn bài báo quốc tế gây trở ngại cho các ngành xã hội nhân văn hoặc các ngành nghiên cứu chuyên biệt về Việt Nam và tạo tiền lệ xấu khi có nhiều nghiên cứu sinh bỏ tiền mua bài báo quốc tế.
Việc này không hẳn đúng, bởi khoa học luôn cởi mở và đặc biệt thích thú với những thứ “mới, lạ, đặc thù”. Khi chúng ta làm những vấn đề đặc thù của Việt Nam nhưng bằng phương pháp luận thực sự hiện đại thì vẫn luôn được các tạp chí quốc tế, giới học giả quốc tế chào đón. Còn chuyện bỏ tiền mua bài báo quốc tế, ai dám khẳng định nếu đăng ở tạp chí trong nước, tình trạng này không diễn ra.
“Trong bối cảnh phải hội nhập quốc tế đặc biệt là phải đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao, đáng lẽ chúng ta cần nâng chuẩn lên thì lại hạ xuống. Điều này cho thấy chúng ta vừa đi thụt lùi vừa làm việc không giống ai. Tiến sĩ là đào tạo bậc cao nhất, lực lượng chủ chốt của giảng dạy đại học và nghiên cứu lại đào tạo theo kiểu “ao làng” thì làm sao có thể sớm vươn ra “biển lớn” để hội nhập vào thế giới khoa học phát triển”, TS Lê Viết Khuyến trao đổi.
Quan trọng là trách nhiệm của đơn vị quản lý
GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng, ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho biết: Quy chế cũ trong đào tạo tiến sĩ yêu cầu phải có bài đăng báo quốc tế là tốt, nhưng cũng có nhiều bất cập.
Thứ nhất, đã có tình trạng bài báo quốc tế, nhưng chất lượng cũng không được đảm bảo hoặc xảy ra tình trạng nghiên cứu sinh bỏ tiền mua bài. Thứ hai, một số ngành khoa học xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp (những ngành nghiên cứu chuyên biệt về Việt Nam) rất khó công bố quốc tế).
Dao tao tien si bo yeu cau cong bo quoc te: Buoc di thut lui?-Hinh-3
Theo GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng, quan trọng nhất là vai trò của các hội đồng đánh giá và các cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ liên quan. 
Điều này vô hình chung hạn chế cơ hội cho những nghiên cứu sinh nghiên cứu trong những lĩnh vực này. Nhiều nghiên cứu sinh không thể “tốt nghiệp” bởi các tạp chí quốc tế không muốn đăng về cải tiến trồng trọt, chăn muôi, về đổi mới nông thôn… trên đất Việt Nam. Nhiều người khi muốn làm tiến sĩ đều phải “né” những hướng nghiên cứu này vì khó đăng quốc tế, mặc dầu đó là các nghiên cứu rất có lợi đối với đất nước. Thực trạng này đã xảy ra và là một bất cập lớn.
Theo GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng, điều quan trọng không phải là bài báo quốc tế hay trong nước mà là chất lượng của bài báo, chất lượng của công trình nghiên cứu. Chúng ta phải nhìn nhận sòng phẳng rằng, ngày nay về mặt khoa học chúng ta không “quá nhỏ bé”. Chúng ta có một lượng không nhỏ các giáo sư, phó giáo sư có đủ năng lực và trình độ để đánh giá trình độ của các nghiên cứu sinh.
Quan trọng nhất là vai trò của các hội đồng đánh giá và các cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ liên quan. Nhiều người lo ngại, việc công nhận bài báo trong nước sẽ tạo cơ hội cho ra đời những tiến sĩ rởm, từ đó kéo nền giáo dục nước nhà đi xuống.
Thực tế, “rởm” hay không phù thuộc và các hội đồng đánh giá và cơ quan quản lý. Đây là những người, những đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc này. Họ phải nâng cao năng lực và chịu trách nhiệm trước nền giáo dục nước nhà.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới của Bộ GD&ĐT đã bổ sung việc chấp nhận các bài báo đăng trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, việc bổ sung công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước ở thời điểm hiện tại là cần thiết. Bởi, chất lượng của một số tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước trong gần 5 năm vừa qua đã thay đổi rất tích cực.
Hiện Việt Nam đang có 1 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCIE; 6 tạp chí thuộc ESCI của Web of Sciences; 8 tạp chí Scopus và 18 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của ACI.
Do đó, sự ghi nhận, công nhận đối với các tạp chí trong nước sẽ là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế bằng nội lực, từ đó, đẩy mạnh việc quan tâm xây dựng các tạp chí trong nước vươn lên đẳng cấp quốc tế.

Mời độc giả xem video:Người dân Hà Nội vẫn tập thể dục sáng bất chấp lệnh cấm. Nguồn: VTV24.



Sơn Hà