"Cục đá" có giá trị "khổng lồ" này hóa ra là một bảo vật hiếm có cách đây khoảng 3.000 năm ở Trung Quốc. Đây là tượng một con ếch đá được làm bằng đá cẩm thạch, có nguồn gốc từ thời nhà Thương (khoảng 1766 TCN – 1122 TCN).
Bức tượng cổ này có chiều dài 25 cm, thuộc bộ sưu tập tư nhân ở New York (Mỹ). Bức tượng vừa được bán trong phiên Sotheby's New York vào ngày 19/9, với mức giá là 1,2 triệu USD (khoảng hơn 29 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia, bức tượng con ếch 3.000 năm tuổi được chạm khắc tinh xảo. Cụ thể, bức tượng sử dụng kỹ thuật chạm khắc một cách khéo léo để thể hiện một con ếch cách điệu. Đặc biệt, hai chân sau của con ếch được tạo hình cẩn thận theo hình thức phù điêu, tức chạm nổi, có rãnh ở phần giữa.
Người thợ thời cổ đại còn sáng tạo trong việc làm mắt ếch bằng cách đục hai lỗ nhỏ và đặt trong hốc hình vuông.
"Cục đá" có giá hơn 29 tỷ đồng hóa ra là một bức tượng hình con ếch có niên đại khoảng 3.000 năm tuổi.
Được biết, trên thực tế, tính đến nay, chỉ có 3 bức tượng con ếch chạm khắc bằng đá cẩm thạch được tìm thấy thuộc triều đại nhà Thương. Trong đó, hai trong số ba bức tượng này có cùng xuất xứ, kích thước và hình dáng.
Một bức tượng thuộc bộ sưu sưu tập của Richard Bull, đã được bán đấu giá ở Sotheby's New York vào năm 1983. Một bức từng thuộc sở hữu của "bố già đồ cổ Trung Quốc" Giuseppe Eskenazi, đã được bán tại Sotheby's Hong Kong vào năm 2022, với giá khoảng 3,67 triệu USD.
Bức tượng thứ ba chính là cổ vật vừa được bán với giá 1,2 triệu USD.
Cũng liên quan đến thông tin tương tự, năm 2021, tại Trung Quốc, đã khai quật được hơn 500 vật phẩm văn hóa có niên đại khoảng 3.000 năm tại di chỉ Tam Tinh Đôi.
Theo đó, Cơ quan Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia thành phố Thành Đô cho biết, hơn 500 vật phẩm văn hóa có niên đại khoảng 3.000 năm đã được khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi, bao gồm: các mảnh mặt nạ bằng vàng, bằng đồng, vàng lá, đồ trang sức, các tác phẩm điêu khắc nhỏ bằng ngà voi và thậm chí cả hạt giống cây trồng.
Trung Quốc phát hiện hàng trăm cổ vật có niên đại 3.000 năm.
Đáng chú ý, các nhà khảo cổ học còn khai quật được một số món đồ bằng đồng với thiết kế tinh xảo chưa từng được tìm thấy trước đây. Một trong những phát hiện quan trọng khác phải kể đến là những vật phẩm từ lụa, hay những sản phẩm dệt lần đầu tiên được khai quật tại di chỉ khảo cổ học nổi tiếng này.
Di chỉ Tam Tinh Đôi còn được mệnh danh là một trong những địa điểm khảo cổ vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Địa điểm này được một người nông dân tình cờ phát hiện ra khi đang đào một con mương vào những năm 1920.
Theo Phương Linh/Đời sống pháp luật