Hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2018, 3 hiện tượng hiếm gặp là siêu trăng, trăng xanh và nguyệt thực toàn phần sẽ cùng xuất hiện vào tối 31/1. Hiện tượng này được ví như một “bữa tiệc thịnh soạn” dành cho những người yêu thiên văn.
Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực có thể theo dõi trọn vẹn hiện tượng nguyệt thực toàn phần tối 31/1 với tổng thời gian (tính cả pha nửa tối) gần 5 giờ 20 phút.
Tối 31/1/2018, người dân Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú: Nguyệt thực toàn phần. Từ 17h51 (giờ Việt Nam), nguyệt thực nửa tối bắt đầu, đến 18h48 nguyệt thực một phần bắt đầu. 19h51 nguyệt thực toàn phần bắt đầu, kéo dài đến 21h07 phút, đạt cực đại lúc 20h29 phút. Nguyệt thực kết thúc hoàn toàn lúc 23h08 phút.
Do ngày 31 này trùng với ngày rằm tháng chạp âm lịch. Khi đó Mặt Trăng ở điểm cận địa với trái đất nên xảy ra hiện tượng siêu trăng (Mặt Trăng lớn hơn bình thường 7%). Đây là cơ hội hiếm hoi để người yêu thiên văn quan sát cùng lúc hai hiện tượng.
Mời quý độc giả xem video: những điều bất ngờ về Trái đất
Chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho hay, nguyệt thực là hiện tượng Mặt Trăng tối hơn và có màu đỏ thẫm khi đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Tuy nhiên, dù có màu đỏ như vậy nhưng nguyệt thực không phải là “Trăng máu” mà nhiều người lầm tưởng.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, bị che khuất hoàn toàn và chuyển sang màu đỏ thẫm.
Người xem có thể quan sát nguyệt thực trực tiếp bằng mắt thường, không cần đến thiết bị bảo hộ.
Lưu Thoa