Ngày 28/11, hiện tượng quang học tự nhiên hiếm gặp được ghi nhận ở khu vực Hulunbuir, Nội Mông, Trung Quốc. Người dân đã rất ngạc nhiên khi có cảm giác trong cùng một thời điểm đã có tới 3 Mặt Trời cùng mọc.
Theo khoa học, hiện tượng thú vị này có tên là “mặt trời ảo” (sun dog), tạo nên ảo giác hai, ba hay nhiều “Mặt Trời” xuất hiện cùng lúc. Tuy nhiên, chỉ có 1 Mặt Trời thật còn lại là Mặt Trời ảo, trong đó Mặt Trời thật luôn sáng hơn. Hiện tượng thiên văn này tuy hiếm nhưng không phải điều thần bí. Đây đơn giản là hiện tượng quang học bình thường, diễn ra lúc Mặt trời đến gần đường chân trời.
|
Ba mặt trời cùng lúc xuất hiện trên bầu trời Nội Mông, Trung Quốc. |
Các cư dân ở đây cho biết, hiện tượng này đã xảy ra hai lần trong ngày hôm đó và kéo dài khoảng hai giờ. Zhao Kexin, công tác tại Trạm Khí tượng Hulunbuir, Nội Mông, chia sẻ rằng “Mặt Trời ảo” thường xuất hiện ở Hulunbuir vào mùa đông.
Trước đó, LiveScience từng nhận định rằng, “Mặt Trời ảo” có thể xuất hiện bất cứ thời điểm và khu vực nào. Chúng có thể nhìn thấy rõ nhất khi Mặt Trời thấp hơn vào chân trời vào tháng 1, tháng 4, tháng 8 và tháng 10. Hiện tượng xảy ra khi luồng ánh sáng Mặt Trời đi qua các tinh thể băng, bị lệch đi một góc khoảng 22 độ. Điều kiện thích hợp để xảy ra cảnh tượng này là nhiệt độ thấp hơn -30 độ C, kèm theo sự xuất hiện của tinh thể băng trong không khí.
Theo Ngọc Bích/Saostar