Yêu nhau hơn 1 năm nhưng tôi chỉ đến nhà bạn trai 1 lần. Và đương nhiên, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ về làm dâu ở nhà anh. Bởi nhà Lâm đông anh em, có tổng cộng 4 người con trai, Lâm là con út. Các anh đều đã có vợ nhưng không ai chịu ra ở riêng cả, cứ chen chúc trong căn nhà dù 5 tầng, mỗi gia đình 1 tầng nhưng thật sự chạm mặt nhiều khiến tôi cảm thấy bí bách ầm ĩ vì quá đông người và trẻ nhỏ.
Nhiều lần tôi nói với Lâm rằng nếu cưới, chúng tôi sẽ ở riêng hoặc Lâm sẽ ở rể nhà tôi. Bố mẹ chỉ có mỗi mình tôi, nhà cửa cũng rộng rãi, khang trang; tôi không muốn sống chung đông người ở nhà chồng. Lâm ậm ừ cho qua chuyện chứ không tán thành cũng không phản bác.
Tối qua, Lâm cầu hôn tôi bằng một chiếc nhẫn có khắc tên 2 đứa. Anh còn kì công chuẩn bị một bó hồng tươi và bánh kem. Trước mặt bạn bè, tôi đã gật đầu đồng ý, nhận lời cầu hôn của anh trong hạnh phúc.
Nhưng rồi nhẫn đeo còn chưa nóng tay thì khi tan tiệc, bạn trai lại nói thêm 1 yêu cầu làm tôi muốn trả nhẫn. Anh ấy muốn sau khi cưới, tôi sẽ về nhà chồng ở một thời gian, ít nhất cũng 3 năm đầu tiên. Lâm nói đó là truyền thống ở nhà anh rồi, con cái có vợ thì phải ở trong nhà 3 năm đầu tiên để mọi người tìm hiểu tính cách, sở trường của nhau. Sau đó muốn chuyển ra riêng thì cứ việc chuyển đi. Bạn trai còn khẳng định gia đình mình rất tốt, thoải mái, các chị dâu cũng tâm lý, thương yêu lẫn nhau chứ không ai tỵ nạnh, hạnh họe nhau.
Tôi không biết cuộc sống ở gia đình anh thế nào nhưng tôi rất sợ cảnh sống đông đúc, chật chội. Vả lại, bố mẹ tôi cũng không muốn con gái phải đi làm dâu trong khi nhà cửa đàng hoàng, tôi lại là con độc nhất của ông bà.
Tôi nói Lâm cho mình thời gian suy nghĩ. Nhưng càng nghĩ, tôi càng không chấp nhận nổi yêu cầu của anh ấy. Tôi có nên thẳng thắn từ chối, nói rõ lập trường của mình rồi tùy theo tình hình để quyết định chuyện kết hôn không?
Theo Mỹ Hạnh / Phụ nữ Việt Nam