Vị tướng Tây Sơn nào lòng dạ trí trá, hàng Nguyễn Ánh?

Google News

Khi còn là tướng của Tây Sơn ở dưới quyền của cha vợ là Lê Trung, vì thấy nhà Tây Sơn khó bề trụ vững, Lê Chất đã tỏ rõ ý đồ mưu phản bằng việc viết thư cho Nguyễn Văn Tính để tỏ ý muốn theo phò Nguyễn Ánh...

Theo sử sách và các tài liệu lịch sử của nhà Nguyễn còn lưu truyền đến ngày nay, Lê Chất người làng Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông sinh năm Giáp Ngọ 1774, mất năm Bính Tuất 1826, thọ 52 tuổi. Thời trẻ, Lê Chất từng tham gia phong trào Tây Sơn và lập được nhiều công, rồi được phong tới chức Đô đốc. Bấy giờ có Lê Trung là tướng của Tây Sơn, vì mến tài của Lê Chất, nên đem con gái là Lê Thị Sa mà gả cho. Lê Chất cùng cha vợ là Lê Trung gắn bó với nhau một thời gian khá dài trong đội quân của Tây Sơn.

Vi tuong Tay Son nao long da tri tra, hang Nguyen Anh?

Lê Chất. Ảnh minh họa.

Sau khi Quang Trung mất 1792, nội bộ Tây Sơn có sự mất đoàn kết, Lê Chất lấy đó làm lo lắng. Nhân thấy tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Nguyễn Văn Tính đóng quân ở gần đấy, Lê Chất bàn với Lê Trung ra hàng, nhưng Lê Trung cứ chần chừ không quyết. Thấy không thể thuyết phục được cha vợ, Lê Chất liền viết thư xin hàng và gửi cho Nguyễn Văn Tính. Trong thư, Lê Chất ước hẹn làm nội ứng cho Nguyễn Văn Tính. Nguyễn Văn Tính đem thư ấy dâng lên Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Phúc Ánh nói với Nguyễn Văn Tính và các tướng dưới quyền rằng: Lê Chất là đứa giảo hoạt, cho nên lời này chưa hẳn đã là lời nói thực. Vì thế không ai được vội tin.

Về sau, Lê Trung biết việc Lê Chất đã gửi thư cho Nguyễn Văn Tính, bèn chỉ tay vào mặt Lê Chất mà quát mắng. Từ đó, Lê Chất rất lo sợ. Năm 1798, khi Lê Chất đang đóng quân ở Trà Khúc thì nội bộ quân Tây Sơn càng mất đoàn kết hơn, đã thế quân của Nguyễn Phúc Ánh khi đó lại liên tiếp thắng được mấy trận liền, cho nên Nguyễn Quang Toản ngờ rằng Lê Trung cùng con rể là Lê Chất thông đồng với giặc. Từ nghi ngờ ấy, Quang Toản đã hạ lệnh giết Lê Trung và Lê Chất, nhưng Lê Chất đã trốn, song bị truy lùng rất gắt gao.

Vì đường cùng, Lê Chất bắt một người có khuôn mặt giống mình rồi bỏ thuốc độc cho chết để đóng vai Lê Chất tự tử. Chuyện này, ngay cả mẹ của Lê Chất là Đào Thị cũng nhầm, ôm xác người bị bỏ thuốc độc chết mà khóc thê thảm. Tây Sơn cũng tin là Lê Chất đã chết rồi nên không truy lùng nữa. Sau đó chẳng bao lâu, Lê Chất đem mẹ và vợ con vào ẩn náu trong núi Trà Bồng. Tại đây, Lê Chất quen một người không rõ họ tên, mà người này lại quen với một tướng của Tây Sơn là Lê Văn Thanh. Biết tướng quân này vốn trọng tài của Lê Chất, người ấy bèn nói: Ông biết tài làm tướng của Lê Chất, sao không đến nhờ Lê Chất đến đỡ cho một tay.

Nghe vậy, Lê Văn Thanh nói: Chất đã chết rồi, còn đâu nữa mà dùng.

Người ấy thưa: Tin dùng Lê Chất thì Lê Chất sống, còn như không tin dùng Lê Chất thì Lê Chất chết.

Sau đó, Lê Văn Thanh hỏi lại đầu đuôi và người ấy liền cứ tình thực mà kể lại, sau đó người ấy về nhà dẫn Lê Chất vào. Lê Văn Thanh thấy Lê Chất, vui quá mà nói đùa rằng: Chất là người thật hay là ma đây? Mày chết rồi, ai lấy da thịt đắp vào mà mày lại có thể đến đây?

Nói rồi, lấy rượu cùng uống và lưu lại trong quân của mình. Năm 1799, Lê Chất đem 200 người đến Quy Nhơn, gặp tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Võ Tánh để xin hàng. Nguyễn Phúc Ánh cho Lê Chất làm thuộc tướng của Võ Tánh, đồng thời cho người đón mẹ và vợ con của Lê Chất vào Gia Định để nuôi nấng. Từ đây, Lê Chất gắn bó với Nguyễn Phúc Ánh đến hết đời.

Lời bàn:

Dù lịch sử có phán xét thế nào thì cũng không ai có thể phủ nhận Lê Chất không phải là bậc trung quân. Bởi khi còn là tướng của Tây Sơn ở dưới quyền của cha vợ là Lê Trung, nhưng vì thấy nhà Tây Sơn khó bề trụ vững thì Lê Chất đã tỏ rõ ý đồ mưu phản bằng việc viết thư cho Nguyễn Văn Tính để tỏ ý muốn theo phò Nguyễn Ánh. Sau khi làm liên lụy dẫn đến cha vợ bị giết, Lê Chất không còn gì vướng bận và đã sẵn sàng giết chết người có khuôn mặt và hình dáng giống mình để thuận đường đào tẩu sang với nhà Nguyễn.

Vấn đề là ở chỗ vua Gia Long biết Lê Chất vốn là người phản trắc nhưng vì sao vẫn chấp thuận và tin dùng? Đó chẳng qua cũng chỉ là vì địa vị, quyền lợi và danh vọng. Bởi chính Nguyễn Ánh cũng vì điều này mà sẵn sàng “rước” mấy vạn quân Xiêm và thực dân Pháp vào xâm lược nước ta. Một ông vua còn vậy huống chi là bộ tướng dưới quyền. Và đây mới là điều mà hậu thế cần phải suy ngẫm.


Theo Kim Ngọc/Báo Bình Phước