Tháp nghiêng Pisa được xây dựng từ năm 1173 với mục đích làm tháp chuông bên cạnh nhà thờ Pisa, trong quảng trường Piazza del Miracoli (Quảng trường màu nhiệm), Italy.
Đến năm 1178, 3 trong số 8 tầng của tháp Pisa được hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành tầng thứ ba, tòa tháp mới bắt đầu nghiêng về phía Bắc. Nguyên nhân khiến công trình này bị nghiêng được phát hiện là do nền đất ở nơi đây gồm khá nhiều cát, bùn và đất sét, không đủ chắc để xây tiếp. Thêm vào đó, móng tháp được làm từ hỗn hợp đất sét đặc và sâu khoảng 3m. Nền móng không đủ cứng và sâu để đỡ trọng lượng của cả tòa tháp nên đã dẫn tới việc tháp Pisa bị nghiêng.
Mặc dù phát hiện tòa tháp bị nghiêng nhưng các kỹ sư xây dựng không thể khắc phục hoàn toàn mà chỉ có thể hạn chế độ nghiêng bằng cách xây dựng các cột và mái vòm phía Bắc cao hơn để xây tiếp tầng thứ 4. Sau đó, lần lượt 4 tầng tháp tiếp theo được xây dựng nhưng công trình này bị nghiêng theo chiều ngược lại. Cuối cùng, tháp Pisa được hoàn thành năm 1372.
|
Tháp Pisa nổi tiếng với độ nghiêng lớn. Ảnh: CNN. |
Thời gian đầu,
độ nghiêng của Tháp Pisa chỉ là 0,2 độ. Qua nhiều thế kỷ, độ nghiêng của tháp lên tới 5,5 độ vào năm 1990. Trước nguy cơ Tháp Pisa có thể đổ sập bất cứ lúc nào, giới chức trách và các chuyên gia đã vào cuộc tìm giải pháp ngăn cản công trình này tiếp tục nghiêng.
Cuối cùng, các nhà khoa học và nhà bảo tồn đã thành công với kế hoạch ngăn cản quá trình nghiêng của tháp Pisa thông qua việc giảm lượng đất ở nền phía bắc của tháp sẽ đưa được công trình này trở lại chiều dọc. Nhờ vậy mà đến năm 2008, tòa tháp giảm nghiêng được 48 cm so với trước đây. Đây là lần đầu tiên tòa tháp ngừng dịch chuyển trong vòng 800 năm.
Theo ước tính của các chuyên gia, tháp nghiêng Pisa sẽ ổn định trong vòng ít nhất là 200 năm tới thông qua những biện pháp hữu hiệu hơn nhằm ngăn cản quá trình nghiêng của công trình này.
Tâm Anh (theo CNN)