|
Tờ lịch ngày Giải phóng Miền Nam. Ảnh: Giáo dục Việt Nam. |
Từ khi được dựng lên trong chiến tranh Việt Nam, chính quyền Sài Gòn dựa hoàn toàn vào viện trợ kinh tế. Viện trợ là nguồn tài chính chủ yếu của mọi hoạt động từ quân sự tới xã hội.
Nhưng từ sau Hiệp định Paris và nhất là từ năm 1974, nền kinh tế Sài Gòn rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do viện trợ bị cắt giảm nhanh chóng. Theo những thông tin mật của hồ sơ Dinh Độc lập được trích dẫn trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy của Nguyễn Tiến Hưng, viện trợ quân sự cho tài khóa 1974-1975 được Nixon ấn định một tỷ dolar. Tuy nhiên, khi đưa ra Quốc hội Mỹ, nó bị cắt giảm chỉ còn 700 triệu.
Tình hình viện trợ kinh tế cũng không sáng sủa hơn. Ông Hưng viết: “Vào đầu năm 1974, có tin dồn dập là Quốc hội Hoa kỳ sẽ đi tới việc cấm cả dùng viện trợ để tài trợ ngân sách Quốc phòng. Vài tháng sau thì tin đồn thành sự thực. Trước kia, 75% sự thiếu hụt ngân sách là do tài trợ bằng tiền của Quỹ đối giá (Counterpart Fund). Quỹ đối giá là một ngân khoản thu được khi tiền Viện Trợ Nhập Cảng (CIP) được đổi ra bạc Việt Nam. Thí dụ, một thương gia muốn nhập cảng bông gòn phải đem tiền Việt Nam đến ngân hàng xin mua Mỹ kim mở tín dụng thư. Số tiền này được đưa vào Quỹ đối giá. Đến nay, không những viện trợ đã bị giảm, mà Quỹ đối giá lại không còn được dùng để chi tiêu cho quốc phòng nữa”.
Sau tin sét đánh này, Quốc hội Mỹ dưới áp lực của phe phản chiến đi thêm một bước nữa, bắt đầu từ 31/12/1974 sẽ cấm cả việc dùng Quỹ đối giá để trả lương cho lực lượng cảnh sát. Lúc đó, cảnh sát chính quyền Sài Gòn có 120.000 người. Chỉ một tháng lương của lực lượng này cũng là một món tiền không nhỏ.
Những nhân tố kinh tế này đã tác động rất lớn vào tinh thần của quân đội và chính quyền Sài Gòn ở cấp cao nhất. Nhiều năm sau nhìn lại, ông Nguyễn Tiến Hưng vẫn không tìm ra giải pháp nào cho tình hình lúc đó.
Ông nói: “Nhìn vào viễn ảnh kinh tế, tài chính và quân sự Miền Nam cuối năm 1974 như nhìn vào chân trời tím. Những đám mây đen đặc đang ùn ùn kéo tới báo hiệu cho một cơn bão tố từ xa xa. Và như vậy, ta có thể đặt thêm một câu hỏi khác: Từ năm 1976 Việt Nam cộng hòa sẽ lấy tiền đâu trả lương cho quân đội và cảnh sát? Sau 30 năm, tôi cũng chưa tìm ra được câu trả lời. Khi không còn tiền trả lương, chắc chỉ còn một giải pháp là giải ngũ? Trên thực tế, năm 1974 đã là năm quyết định số mệnh cho Miền Nam Nam rồi vậy”.
Cùng lúc đó, dự trữ đạn dược, xăng dầu và vật tư quân sự nói chung của quân đội Sài Gòn cũng khan hiếm nghiêm trọng. Theo dự tính của Bộ Tổng tham mưu chế độ Sài Gòn: Dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày. Tướng Cao Văn Viên kết luận rằng, nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng Sáu 1975, nếu không nhận được thêm viện trợ. Với tình hình đó, tác giả cuốn Khi đồng minh tháo chạy kết luận: “Như vậy, ta có thể đặt câu hỏi quan trọng về phương diện lịch sử, là: nếu như không có biến cố 30/4/1975 thì tới tháng Sáu, cho già lắm là tháng Tám hay tháng Chín, chính quyền Sài Gòn sẽ lấy gì mà chiến đấu?”
Bí mật trong quyết định từ bỏ cao nguyên
Từ trước đến nay, các nhà chiến lược khi xem xét cuộc tổng tiến công nổi dậy năm 1975 đều khẳng định rằng chính quyết định vội vã rút khỏi Tây Nguyên của Tổng thống Thiệu là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Sài Gòn. Vậy đâu là lý do khiến ông Thiệu đưa ra quyết định “vội vàng” này?
|
Hình ảnh bộ đội Sư đoàn 316 tiến công tiêu diệt Buôn Ma Thuột trong trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên (4 – 24/3/1975). Ảnh: Giáo dục Việt Nam. |
Thực tế, quyết định của ông Thiệu có cơ sở và được nghiên cứu từ trước chứ không phải hồ đồ như nhiều người vẫn phê phán.
Nguyễn Tiến Hưng kể rằng, vào khoảng cuối năm 1974, ông đã được Tổng thống Thiệu cho xem một báo cáo về khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn do Bộ Tổng Tham mưu trình lên. Phần kết luận của báo cáo này viết: Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng Chiến Thuật; nếu là 1,1 tỷ thì Quân khu 1 phải bỏ; nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt; nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc, và khó điều đình được với Bắc Việt; nếu quân viện dưới 600 triệu thì Chính quyền Sài Gòn chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long.
Trên thực tế, đến tháng 8/1974, Quốc hội Mỹ duyệt viện trợ quân sự cho Sài Gòn chỉ có 700 triệu. Cứ theo báo cáo thì quân đội Sài Gòn chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc và phải bỏ quân khu I, II. Niềm hy vọng cuối cùng của ông Thiệu về khoản 300 triệu mà ông xin Mỹ viện trợ gấp sau khi mất Phước Long cũng tan thành mây khói. Quốc hội Mỹ đầu năm 1975 quyết định không cho Sài Gòn thêm nữa dù một đồng.
Chính bởi những yếu tố đó nên khi Buôn Ma Thuột mất, Thiệu liền ra lệnh rút khỏi cao nguyên. Thiệu nói: “Chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ muốn bảo vệ. Như vậy chúng ta nên tái phối trí lực lượng và bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng”.
Tuy nhiên, ý định rút quân chiến lược của ông Thiệu không thực hiện được vì các đơn vị rút đi đều bị chặn đánh tơi tả. Ý định tử thủ Đà Nẵng để chặn bước tiến của quân Giải phóng cũng không thành và cuối cùng Sài Gòn được giải phóng ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30 năm.
Những dữ kiện của tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã giúp ta biết thêm tình hình chính quyền Sài Gòn vào những ngày tháng cuối cùng để hiểu thêm một phần nguyên nhân dẫn đến ngày 30/4/1975. Tuy nhiên, tác giả có ý nhấn mạnh viện trợ kinh tế như một lý do quyết định sự thất bại của họ để giảm nhẹ chiến thắng của quân đội Giải phóng. Nhưng chính đó lại nói rõ hơn cái chiều hướng thất bại tất yếu của họ. Bởi lẽ, một chính quyền, một quân đội không có nội lực mà chỉ trông đợi vào người khác thì sớm muộn sẽ bị đánh bại.