Cuộc chiến chống lại các virus tử thần đã được các nhà khoa học Việt thực hiện từ nhiều năm trước. Trong số những người thầm lặng đi tiên phong đối đầu virus phải kể đến GS. TSKH. Nguyễn Văn Mẫn.
Gian khổ với vắc xin bại liệt
Năm 1952, khi mới 18 tuổi, GS. TSKH. Nguyễn Văn Mẫn, nguyên Phó Chủ nhiệm tiêm chủng mở rộng (TCMR) toàn quốc, đặc trách khu vực phía Bắc, đã quyết định gắn mình với ngành vắc xin và tiêm chủng đầy gian khổ khi chọn kỹ thuật viên tại Viện Vi trùng học Việt Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày nay).
|
GS. TSKH. Nguyễn Văn Mẫn |
Viện Vi trùng học Việt Bắc thời đó nổi tiếng với việc sản xuất hàng loạt vắc xin "thô sơ" như đầu mùa, dại, tả, thương hàn.
Trong ký ức của GS. TSKH. Nguyễn Văn Mẫn, bại liệt là một trong những căn bệnh “hãi hùng nhất” thời đó. Khoảng năm 1959 -1960 bại liệt đã bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc. Tỷ lệ mắc lên tới 126,44/100.000 dân, người chết la liệt, di chứng để lại vô cùng lớn.
Trước tình hình cấp bách, GS. Hoàng Thuỷ Nguyên, ông tổ của ngành vắc xin Việt Nam được cử sang Liên Xô tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt dạng uống có tên gọi Sabin. Sau 3 tháng, ông trở về nước và thành lập nhóm các nhà khoa học để triển khai sản xuất vắc xin tại Việt Nam.
Vì vaccine này chỉ có thể sản xuất bằng cách nhân virus trên thận của loài khỉ vàng (Macaca mutala). Nên việc thành lập một khu nuôi khỉ là nhiệm vụ cấp bách.
Ông kể, khi GS. Hoàng Thuỷ Nguyên tiếp nhận vắc xin bại liệt ở Liên Xô, ở nhà ông được giao nhiệm vụ đi tìm đảo nuôi khỉ. Ông cùng hai lãnh đạo của viện đi suốt từ Hải Phòng, Cát Bà xuống tận Vân Đồn. Đảo Tuần Châu là một trong những đích ngắm đầu tiên nhưng đảo rộng quá và gần làng chài có thể nhiễm bệnh hoặc khỉ vào đất liền nên đành loại.
May thay, cuối cùng lại tìm thấy đảo Rều - một hòn đảo mấp mô, chỉ thấy rong rêu không có người ở giữa vịnh Bái Tử Long. “Đó là cú “chốt hạ” may mắn”, ông nhớ lại.
GS. TSKH. Nguyễn Văn Mẫn kể thêm: “Lúc đầu khỉ từ việc sống ngoài thiên nhiên đưa vào chăn nuôi nhốt rồi cho ăn chuối cam quýt, cơm nấu nhưng nó vẫn tiêu chảy vì chưa kịp thích nghi. Vậy là nghe tin tôi và một y sĩ tất tả chạy ra đảo kiểm tra lấy mẫu bệnh phẩm xem nó bị bệnh gì”.
Trong điều kiện khó khăn, thô sơ, năm 1962, một thành công ngoài sức tưởng tượng, các nhà khoa học đã sản xuất được 2 triệu liều vắc xin chống bại liệt. Sau đó vắc xin này đã được triển khai phòng ngừa cho trẻ em trên toàn quốc. Nhờ tự chủ trong khâu sản xuất vắc xin, bệnh bại liệt đã được khống chế.
Vắc xin sởi “khó tính”
Sau khi hoàn tất chương trình loại trừ bệnh bại liêt, GS. TSKH. Nguyễn Văn Mẫn và đội ngũ nhà khoa học Việt tiếp tục cuộc hành trình không có điểm dừng trong cuộc chiến chống lại virus.
Đó là sản xuất vắc xin phòng sởi.
Ông kể, khi bệnh sởi lăm le xâm nhập rồi để lại nhiều biến chứng, cướp đi sinh mạng của trẻ em tại Việt Nam, để chủ động vắc xin phòng sởi, ông được giao nhiệm vụ sang Nhật Bản học hỏi công nghệ và về nước làm chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước với công trình: Bước đầu nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin sởi quy mô phòng thí nghiệm vào năm 2004.
|
GS.TSKH. Nguyễn Văn Mẫn, có công lớn trong việc thúc đẩy chương trình tiêm chủng mở rộng và sản xuất vắc xin “made in Việt Nam” |
Sau đó, ông và cộng sự đã xin được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản với nguồn vốn “khổng lồ” thời điểm đó là 25 triệu USD để bắt tay gây dựng một cơ sở sản xuất vắc xin sởi, một loại vắc xin khó tính ngay tại Hà Nội.
Vượt qua tất cả những khó khăn, vắc xin sởi “made in Việt Nam” đã chính thức được cấp phép sử dụng. Năm 2009, 1,3 triệu liều vắc xin đầu tiên đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đó cũng chính là tiền đề để năm 2016, Việt Nam tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc xin - khi tự sản xuất được vắc xin phối hợp phòng sởi-rubella chất lượng cao.
Cứ như thế, danh mục vắc xin "made in Việt Nam" ngày một nhiều hơn, chất lượng và an toàn hơn vì các nhà khoa học chưa bao giờ dừng lại. “Bệnh dịch đến đâu, chúng tôi trăn trở tìm vắc xin để chặn đầu đến đó”, ông tâm sự.
Đưa tiêm chủng mở rộng nở hoa
Không chỉ gian khổ với việc tự chủ sản xuất vắc xin Việt, GS. TSKH. Nguyễn Văn Mẫn và các đồng nghiệp còn gặp nhiều gian nan trên con đường thực hiện chiến lược TCMR.
Ông kể năm 1985, chương trình TCMR được triển khai ở Việt Nam. Đó là thời gian vô cùng gian khổ.
“Thời gian đầu khó khăn và gian nan lắm. Vì chưa ai hiểu TCMR là gì. Bởi vậy đến địa phương phải giải thích từng chi tiết nhỏ cho người ta biết là vì sao phải uống vắc xin và uống như thế nào mới hiệu quả”, ông nhớ lại “Các vùng khó khăn, họ thiếu từ cái kim, cho đến tí cồn, tí bông cũng thiếu… gần như là không có gì; rồi cả những lần phải xuống từng thuyền để tiêm chủng cho người dân vạn chài; những chuyến vận chuyển vắc xin bằng xe ngựa…".
Ông kể thêm "Ấy vậy mà, các địa phương họ tích cực lắm, vẫn đảm bảo đúng quy trình tiêm chủng, nên mình càng phải cố gắng hơn. Nhờ sự đồng lòng đồng sức, nó đã tạo thành một chiến dịch “xã hội hóa TCMR”.
Nhớ lại những ngày tháng gian khó đó, GS.TSKH Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Sứ mệnh của người bác sĩ nặng nề. Không được phép vô cảm trước đòi hỏi bức xúc của con người. Vì thế ông và thế hệ trẻ ngày nay dù gian khổ vẫn sẽ bước tiếp trên hành trình đó, hành trình tuyên chiến với các virus tử thần.
Sơn Hà (TH)