Duyên phận của cô gái tuổi 15
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ sinh ra trong một gia đình "danh gia vọng tộc". Bà là cháu nội của Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Khi mới 15 tuổi bà đã bén duyên rồi lập gia đình với GS. Tôn Thất Tùng.
|
Vợ chồng cố GS. Tôn Thất Tùng. |
Mối lương duyên bắt đầu từ cụ Hồ Đắc Di. Hồi đó, GS. Tùng ở nhà nội trú của Trường Đại học Y, gần nhà cụ Di. Bà và cụ Di có quan hệ họ hàng. Hai người gặp nhau, mến nhau rồi thương nhau lúc nào không biết.
Năm 1944, đám cưới giản dị của ông bà diễn ra, khi đó bà 15 tuổi, GS. Tôn Thất Tùng bước sang tuổi 32.
Lúc bà lấy ông, danh tiếng đã nổi như cồn. Chênh lệch tuổi tác nhiều như vậy, nhưng ai cũng bảo ông với bà là một cặp trời sinh. Đi đâu ông với bà cũng có đôi. Bà bảo: Hồi mới cưới, ông hay đi công tác. Bà đi làm nhưng không dám về nhà, cứ về nhìn thấy quần áo chồng là bà lại nhớ, rồi ôm lấy mà khóc.
Biết vợ hay thương nhớ, nên mỗi chuyến đi xa, kể cả trong nước hay ngoài nước GS. Tôn Thất Tùng đều viết thư về. Trong mỗi lá thư ông kể về hành trình của mỗi chuyến đi, miêu tả cho bà thấy những địa danh ông đã đi qua, những khách sạn ông đặt chân đến và con người, thiên nhiên ở đất nước, vùng miền đó ra sao...
Đặc biệt, bức thư nào cũng được viết bằng lời lẽ đầy yêu thương và chứa chan hạnh phúc. Cuối thư, bao giờ ông cũng ghi "Hôn em, nhớ em lắm" hoặc "Hôn Hồ của anh"...
Trong một bức thư viết gửi bà vào ngày 29/3/1982, ông viết: "Ở Moskva vui vẻ lắm. Thịt bò mềm như ở Mỹ (hơn cả Pháp nữa) và cá hộp thì tha hồ. Lúc về anh đem về nhiều hộp cá sardine và bánh cho em và cả nhà. Anh ở chỗ cũ, chỗ mà Hồ và anh đã ở rồi, yên tĩnh. Anh thấy khỏe nhiều và đã đi bộ chơi trên con đường cũ mà Hồ đã biết...".
Người phụ nữ phía sau chồng
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ kể, duyên phận se duyên bà và GS. Tôn Thất Tùng đồng thời cũng se duyên bà với với nghề điều dưỡng. Sau này, bà tự nguyện làm y tá, phụ mổ cho ông. Trong phòng mổ, bà là một hỗ trợ viên đắc lực cho ông.
|
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ. |
Bà kể, thời đó khó khăn nhưng bà vẫn duy trì những nguyên tắc vệ sinh vô trùng phòng mổ nhiều lần trong ngày, hằng tháng... Ngoài yếu tố công việc, đây cũng là yêu cầu bất di bất dịch của GS. Tôn Thất Tùng.
Theo những đồng nghiệp làm việc cùng ông bà thời đó kể lại, khi mổ, thầy Tùng (tên gọi thân mật mà đồng nghiệp, sinh viên thường gọi GS. Tôn Thất Tùng) rất cẩn thận, khó tính và chỉ yên tâm khi mọi việc đã được y tá Nguyệt Hồ “tổng duyệt”.
Chính bà Vi Thị Nguyệt Hồ cũng thừa nhận: Trong phòng mổ, thầy Tùng khó tính lắm, ai sai sót sẽ bị mắng. Nhưng bù lại, ai làm tốt thế nào cũng được thưởng hộp sữa đặc, lúc đó là món bồi dưỡng quý giá. Còn ở nhà, sáng sáng ông đều tự tay pha cà phê đem đến tận nơi cho vợ.
Khi GS. Tôn Thất Tùng mất, hàng tuần bà vẫn đến thăm ông tại nghĩa trang Mai Dịch, ngồi cả giờ bên mộ để tâm sự cùng ông những chuyện vui buồn.
Lúc còn khỏe bà lóc cóc đạp xe một mình. Sau này sức khỏe yếu, bà thuê taxi đón đưa. Bà không muốn nhờ con cháu, không để phiền ai vì theo bà, ai cũng có công việc, trách nhiệm với gia đình riêng của mình.
GS. Tôn Thất Tùng (1912 – 1982) là nhà khoa học, bác sỹ nổi tiếng. Ông được biết đến là tác giả của "phương pháp cắt gan khô" hay còn được gọi là "phương pháp Tôn Thất Tùng" gây sửng sốt toàn thế giới. Ông từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức bây giờ)...
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, nguyên Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã dành nỗ lực để phát triển chuyên môn điều dưỡng ngoại khoa nói riêng và ngành điều dưỡng Việt Nam nói chung. Bà là người sáng lập Hội Điều dưỡng Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch hội trong nhiều năm.
Thu Hà (TH)