Sau khi hoàng đế Khang Hi qua đời vào ngày 20/12/1722, con trai thứ tư của ông là Ung Thân vương tứ hoàng tử Dận Chân kế vị ngai vàng. Ông trở thành vị hoàng đế thứ 5 trong lịch sử triều đại nhà Thanh. Ung Chính nổi tiếng trong lịch sử là một vị hoàng đế siêng năng, cần kiệm và có những chính sách chống tham nhũng một cách quyết liệt.
Khác với Khang Hi, ngay từ khi lên ngôi hoàng đế, Ung Chính trị vì đất nước bằng "bàn tay sắt", thành lập Quân cơ xứ, một cơ quan trọng yếu có ảnh hưởng lớn đến quốc gia đại sự của triều đình, để củng cố quyền lực. Những người được chọn vào cơ quan này được gọi là Quân cơ đại thần và rất được hoàng đế tín nhiệm.
Dưới sự trị vì của Ung Chính, nhà Thanh tiếp nối sự thịnh vượng từ thời Khang Hi và kéo dài sự thịnh trị tới thời hoàng đế Càn Long. Do đó, có thể nói rằng không có Ung Chính thì không có cái gọi là Khang Càn thịnh thế, giai đoạn phát triển cực thịnh của triều đại nhà Thanh.
Rõ ràng Ung Chính là vị hoàng đế tài giỏi, siêng năng trong lịch sử, tuy nhiên có một việc làm của ông lại gây tranh cãi. Đó là Ung Chính đã thẳng tay xử tử người thân tín phục vụ Khang Hi suốt 60 năm ngay trong đêm vị hoàng đế này băng hà.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vì sao hoàng đế Ung Chính lại làm việc này?
Người bị Ung Chính nhất quyết xử tử là thái giám Triệu Xương. Vị thái giám này đã ở bên Khang Hi ngay từ khi còn nhỏ và đi theo phục vụ vị hoàng đế nổi tiếng suốt 60 năm. Ngay trong đêm hoàng đế Khang Hi băng hà, cũng là lúc vị thái giám này mất mạng.
Triệu Xương và hoàng đế Khang Hi lớn lên cùng nhau từ khi còn nhỏ, trải qua nhiều thăng trầm và nắm giữ nhiều bí mật. Lúc sinh thời, Triệu Xương thông minh lanh lợi, rất hiểu tâm tư và trung thành với hoàng đế Khang Hi. Sau khi hoàng đế Khang Hi nắm giữ quyền lực tối thượng, Triệu Xương cũng rất được trọng dụng và trở thành vị thái giám quyền lực trong triều.
Triệu Xương được bổ nhiệm làm Tổng quản của phủ Nội Vụ, cơ quan phụ trách lo toàn bộ việc sinh hoạt cho hoàng đế và hoàng thất. Điều này đủ để thấy hoàng đế Khang Hi rất coi trọng và tin tưởng Triệu Xương.
Vào những năm cuối đời, hoàng đế Khang Hi phải tận mắt chứng kiến các vị hoàng tử của mình tranh đoạt ngai vàng. Sử gọi là "Cửu tử đoạt đích". Đây là sự kiện 9 vị hoàng tử của Khang Hi nổi lên tranh giành quyền thừa kế.
Do luôn ở bên cạnh Khang Hi nên đương nhiên thái giám Triệu Xương cũng biết được nhiều bí mật trong quá trình vị hoàng đế nổi tiếng chọn người thừa kế. Cuộc chiến tìm người thừa kế kết thúc với phần thắng thuộc về tứ hoàng tử Dận Chân. Ông được chọn làm người kế vị và trở thành hoàng đế.
Vậy, đâu là nguyên nhân khiến Ung Chính xử tử Triệu Xương ngay trong đêm hoàng đế Khang Hi qua đời?
Sau khi ban chết cho Triệu Xương, hoàng đế Ung Chính đã công bố những trọng tội của vị thái giám này. Thứ nhất, Triệu Xương lợi dụng chức vụ của mình để làm những việc sai trái có lợi cho người thân. Thứ hai, Triệu Xương nhận hối lộ và lấy 5.000 lạng bạc thuế từ ngân khố. Đây là tội lớn không thể tha thứ.
Tuy nhiên, những trọng tội trên dường như chỉ nhằm "che đậy" cho mục đích xử tử Triệu Xương của Ung Chính. Trên thực tế, vị hoàng đế này vừa nhận quyền thừa kế ngai vàng đã vội vàng xử tử Triệu Xương là vì 3 nguyên nhân sau đây.
Nguyên nhân Ung Chính nhất quyết xử tử người thân tín của Khang Hi
Thứ nhất, Triệu Xương có thể biết rõ về di chiếu của Khang Hi vì ông luôn kề cận khi vị hoàng đế này hấp hối. Khang Hi là vị hoàng đế tài ba, trị vì nhà Thanh trong 61 năm. Trong thời gian trị vì đất nước, vị hoàng đế này nhiều lần lập rồi phế bỏ thái tử. Ngôi vị cao quý này bị bỏ trống trong suốt một thời gian dài cũng phần nào gây nên tình trạng kết bè, kết phái, cuối cùng gây ra bi kịch "Cửu tử đoạt đích".
Tình trạng tranh giành ngai vàng kéo dài cho đến khi hoàng đế Khang Hi qua đời. Khi biết mình bệnh nặng, hoàng đế Khang Hi vội vàng lập di chiếu chọn người thừa kế. Nhiều vị quan trong triều ủng hộ Dận Trinh, hoàng tử thứ 14, người con trai được Khang Hi yêu quý.
Tuy nhiên, cuối cùng người thừa kế ngai vàng là tứ hoàng tử Dận Chân, tức hoàng đế Ung Chính. Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ. Do đó, việc Ung Chính ban chết cho Triệu Xương cũng là một cách để nhanh chóng dập tắt những lời bán tán xung quanh việc ông được kế vị.
Thứ hai, Ung Chính ban chết cho Triệu Xương để tránh tiết lộ nội tình của hoàng thất, tránh để thiên hạ chê cười. Mặc dù Khang Hi là vị hoàng đế mang lại sự thịnh vượng cho nhà Thanh, nhưng cũng khó tránh khỏi những khuyết điểm.
Mặt khác, Triệu Xương là thái giám kề cận bên Khang Hi suốt 60 năm nên đương nhiên biết mọi chuyện trong cung. Để ngăn chặn những bí mật của tiên đế và các vụ bê bối trong hoàng gia bị tiết lộ, khiến thiên hạ chê cười, hoàng đế Ung Chính không còn cách nào khác ngoài việc giết chết Triệu Xương.
Thứ ba, "sát kê hách hầu" (hay giết gà dọa khỉ). Đây là kế sách cao tay của hoàng đế Ung Chính. Trên thực tế, dù Ung Chính được công bố là người kế thừa ngai vàng sau khi hoàng đế Khang Hi băng hà, nhưng vẫn chưa được các đại thần trong triều thừa nhận. Bởi hầu hết các vị quan lúc đó đều cho rằng ngôi vị hoàng đế nên để thập tứ hoàng tử kế thừa.
Do đó, để củng cố quyền lực, răn đe quan lại, hoàng đế Ung Chính đã dùng những biện pháp cứng rắn. Việc xử tử Triệu Xương và công bố trọng tội để răn đe triều thần lúc đó được đánh giá là "chiến thuật tâm lý" quan trọng của vị hoàng đế này. Loại bỏ những kẻ ngáng đường, đồng thời răn đe những người chưa thuần phục hoàng đế mới kế vị là điều quan trọng.
Điều này cũng là một minh chứng cho thấy tài năng và suy nghĩ sâu xa của hoàng đế Ung Chính.
Theo PV/ Thể thao và Văn hóa