Trong triều đại nhà Thanh, có một người phụ nữ tài trí với bản lĩnh chính trị hơn người tạo ra sức ảnh hưởng và đóng góp to lớn trong giai đoạn đầu của nhà Thanh. Người này chính là Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu (1613 – 1688), phi tần của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, thân mẫu của Thanh Thế Tổ Thuận Trị Hoàng đế và chính là tổ mẫu của Thanh Thánh Tổ Khang Hi Hoàng đế.
Trong thời phong kiến, địa vị của phụ nữ thường thấp hơn nam giới. Thế nhưng, với đóng góp to lớn của mình cho triều đại nhà Thanh, Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu dường như đã phá vỡ quy tắc này và được sử sách đánh giá cao.
Lúc sinh thời, vị thái hậu có xuất thân cao quý trong gia tộc Mông Cổ mang dòng dõi trực hệ của em trai Thành Cát Tư Hãn, đã trải qua 3 đời hoàng đế. Bà có công nuôi dạy cho hai vị hoàng đế là Thuận Trị và Khang Hi.
Sau khi Hoàng Thái Cực qua đời (năm 1643), Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu đã có nhiều công lao trong việc giúp con trai là hoàng đế Thuận Trị ổn định trên ngai vàng. Thật không ngờ, hoàng đế Thuận Trị lại qua đời vì bệnh đậu mùa khi mới 24 tuổi.
Trong tình hình đó, Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu là người ủng hộ và hết lòng chăm sóc cho cháu nội là tam hoàng tử Huyền Diệp, người được chọn kế vị hoàng đế Thuận trị. Khi đăng cơ, hoàng đế Khang Hi chỉ mới 8 tuổi (năm 1661).
Cha mẹ mất sớm nên tổ mẫu Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu chính là người hết lòng bồi dưỡng, chăm sóc và dành nhiều tâm huyết cho hoàng đế Khang Hi.
Âm thầm giúp đỡ cho con trai và cháu nội, Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu được sử sách đánh giá là người có vai trò quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để hoàng đế Khang Hi mở ra thời đại thịnh trị nổi tiếng của nhà Thanh là "Khang – Càn thịnh thế".
Trong gần 30 năm chăm sóc, dìu dắt, bồi dưỡng, vị Thái hoàng Thái hậu này luôn dạy bảo hoàng đế Khang Hi phải trị vì thiên hạ bằng sự chính nghĩa và nhân từ. Trên thực tế, hoàng đế Khang Hi đã làm được điều này. Trong 61 năm trị vì đất nước, Khang Hi là vị hoàng đế tài trí, văn võ song toàn, hết lòng lo cho dân... Ông được đánh giá là một trong những vị hoàng đế tài ba và vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa, được xưng tụng là Khang Hi Đại đế.
Dù tài ba xuất chúng, nắm trong tay quyền lực tối thượng, nhưng hoàng đế Khang Hi lại không thể an táng cho Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu, vị tổ mẫu mà cả đời ông luôn kính trọng và biết ơn. Nguyên nhân là gì?
Vị thái hậu quyền lực của nhà Thanh không được an táng suốt 37 năm
Hoàng đế Khang Hi đã không thể an táng cho Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu trong suốt 37 năm. Đây cũng trở thành điều tiếc nuối lớn nhất của vị hoàng đế này.
Vào tháng 12 năm Khang Hi thứ 26 (tức năm 1687), Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu lâm trọng bệnh. Hoàng đế Khang Hi đã ngày đêm tận tay bồi thuốc, thậm chí tự mình đến Thiên đàn, thỉnh cầu trời xanh giảm đi tuổi thọ của mình để tăng tuổi thọ cho tổ mẫu.
Đến ngày 27/1/1688, vị Thái hoàng Thái hậu nổi tiếng của nhà Thanh qua đời, hưởng thọ 75 tuổi. Tang lễ của bà được tổ chức trọng thể. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là trong gần 40 năm sau đó, hoàng đế Khang Hi vẫn không an táng cho bà trong lăng tẩm. Thay vào đó, vị hoàng đế này quyết định xây một tòa "Tạm An Phụng điện" và đặt linh cữu của tổ mẫu ở đó. Đáng chú ý là linh cữu của tổ mẫu được đặt tại tòa cung điện này cho tới tận khi hoàng đế Khang Hi băng hà.
37 năm sau ngày mất, sau khi hoàng đế Ung Chính lên ngôi, Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu mới được an táng. Người chắt này đã hạ lệnh xây dựng lăng tẩm tên là Chiêu Tây lăng để an táng cho bà.
Cụ thể, vào năm Ung Chính thứ 3 (năm 1725), sau gần 40 năm, cuối cùng linh cữu của vị Thái hoàng Thái hậu này mới được an táng tại địa cung của Chiêu Tây lăng.
Vậy, vì sao Khang Hi không an táng cho tổ mẫu?
Hóa ra không phải hoàng đế Khang Hi không muốn chôn cất cho Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu. Ông đau đầu, khó xử, không làm được việc này vì di nguyện cuối cùng của tổ mẫu.
Theo ghi chép trong lịch sử, trước khi qua đời, Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu đã để lại di nguyện như sau: "Thái Tông cung phụng an cửu đã lâu, tránh vì ta mà kinh động đến. Huống hồ tâm huyết của ta dành trọn cho hai cha con hoàng đế, nên chỉ cần an táng ở gần Hiếu lăng là ta mãn nguyện rồi".
Như vậy, vị Thái hoàng Thái hậu này do không muốn làm kinh động đến chồng mình vì Thái Tông (Hoàng Thái Cực) qua đời từ lâu, nên bà muốn được an táng ở gần Hiếu lăng, nơi an nghỉ của hoàng đế Thuận Trị.
Trên thực tế, theo quy định của nhà Thanh, không cho phép phụ nữ trong hoàng tộc được xây dựng lăng tẩm riêng. Thay vào đó, sau khi qua đời, họ đều phải hợp táng chung với lăng mộ của chồng.
Thế nhưng, quy định này lại trái với di nguyện của Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu. Hơn nữa, Hiếu lăng của hoàng đế Thuận Trị khi đó cũng không còn chỗ trống để xây dựng lăng tẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến hoàng đế Khang Hi rất đau đầu và nuối tiếc vì không biết nên an táng cho tổ mẫu ở đâu.
Mặc dù sau đó đặt linh cữu của tổ mẫu ở Tạm An Phụng điện, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để đặt linh cữu, chưa phải là nơi an táng cuối cùng cho người bà mà Khang Hi đế luôn yêu quý và kính trọng.
Đến khi Ung Chính lên ngôi, vị hoàng đế này mới hiểu được tâm tư của hoàng đế Khang Hi cũng như di nguyện của Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu, và tìm ra được phương án ổn thỏa nhất là xây Chiêu Tây lăng.
Thực ra việc xây một lăng mộ độc lập cho tổ mẫu không phải là điều mà hoàng đế Khang Hi chưa từng nghĩ đến. Nguyên nhân sâu xa khiến vị hoàng đế nổi tiếng đành phải để linh cữu của tổ mẫu ở một tòa cung điện là vì ông không dám làm trái di nguyện của bà.
Lúc sinh thời, hoàng đế Khang Hi và Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu có mối quan hệ rất thân thiết, tình cảm sâu đậm. Vì vậy, ông luôn coi trọng từng lời nói của tổ mẫu, không dám làm trái ý bà. Còn hoàng đế Ung Chính là chắt, do tình cảm không quá sâu đậm nên ông có thể nhanh chóng đưa ra được giải pháp an táng ổn thỏa cho bà mà không phải đau đầu quá nhiều như cha mình.
Theo PV/Thể thao và Văn hóa