Trong tác phẩm Tĩnh Đô Vương (sách Tĩnh Đô Vương và Đoan Nam Vương, NXB Hồng Đức, 2015), từ việc nghiên cứu các tác phẩm văn sử thời Lê Mạt, chính sử triều Nguyễn và các bài viết của các giáo sĩ truyền đạo phương Tây, tác giả Phan Trần Chúc (1907-1946) đã khắc họa tương đối đầy đủ về chân dung cũng như cuộc sống cá nhân của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, vị chúa Trịnh thứ 9 thời Lê trung hưng.
Tác giả cho biết vương nghiệp 200 năm từ thời Trịnh Kiểm tạo dựng đến thời Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm ban đầu rất sáng sủa, thậm chí còn có những công tích hơn cả các chúa trước. Nhưng đáng tiếc, nửa cuối đời, do Trịnh Sâm quá say mê một người tỳ thiếp là Đặng Thị Huệ, lại thêm chứng kinh phong, khiến cho chính sự bị bỏ bẵng, kỷ cương mỗi ngày một suy đồi.
Sau đó Trịnh Sâm lại bỏ con lớn để lập con thứ vừa nhỏ tuổi vừa ốm yếu lên ngôi, châm ngòi cho các cuộc phiến loạn ở Bắc Hà, làm cho vương nghiệp họ Trịnh suy yếu, dẫn đến cõi tiêu diệt mà không sức nào có thể vãn hồi được.
Đến đời Đoan Nam Vương Trịnh Khải cố níu kéo cái oai tàn, khiến Bắc Hà điêu linh, quân Tây Sơn ra Bắc, kết quả chôn vùi cả nhà Lê lẫn nhà Trịnh.
Tác giả viết:“Họ Trịnh cũng như hầu hết các triều đại ở Đông Phương, sở dĩ bị đạp đổ là cái nhan sắc một người đàn bà. Và người đàn bà này có thể nói là độc ác như Đát Kỷ và giản hiểm như Bao Tự, hai con nghiệt phụ đã xô đổ nhà Thương và dắt nhà Chu vào cuộc suy vong. Tuy lúc nhỏ nàng chỉ là một cô thiếu nữ hiền lành, con một nhà bình dân ở làng Phù Đổng (Kinh Bắc). Tên nàng là Đặng Thị Huệ”.
|
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm do NSND Thế Anh và Đặng Thị Huệ do NSND Lê Vân thủ vai, trong phim Đêm hội Long trìcủa đạo diễn Hải Ninh ra mắt năm 1989.
|
|
Theo tác giả, sau khi đạt được những thành tích trong chính trị và quân sự, thu phục Thuận Hóa, khiến anh em Nguyễn Nhạc chịu xưng thần, dẹp yên được khởi nghĩa Hoàng Văn Chất, Lê Duy Mật, Trịnh Sâm dần sinh kiêu căng, xa xỉ, mặc ý vui chơi thỏa thích.
Để truy hoan, gây cái sinh thú ở nội phủ, chúa cho tuyển gái đẹp ở bốn phương về. Đặng Thị Huệ là một trong những cung nữ mới ấy.
Ban đầu, cũng như các cô gái khác Thị Huệ được tuyển chọn làm một nữ tỳ với những việc sai bảo vặt vãnh. Song “sớm là cô gái dãi vải nước Việt, chiều làm vương cơ nước Ngô”, trong một lần tiến hoa dâng lên chúa, Trịnh Sâm thấy Huệ có nhan sắc thì để ý, rồi bất giác sinh ra quyến luyến. Từ đó, không muốn cho thê thiếp nào đến gần nữa, mà chỉ ở cùng cô gái làng Phù Đổng, xoắn xuýt suốt ngày đêm.
Về danh nghĩa, tuy chưa phải là chính thất của chúa Trịnh, song về thực tế thì Thị Huệ chiếm hết cả tình yêu của Tĩnh Đô Vương. Vì, bữa cơm, khi có nàng ngồi cạnh, Trịnh Sâm ăn mới được ngon và mỗi lần chúa đi thăm các thắng cảnh hoặc chơi thuyền phải có nàng đi theo cùng một kiệu.
Lộng hành làm điêu đứng triều đình
Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, bắt đầu tỏ vẻ thái độ và hay làm mình làm mẩy. Hễ có chuyện gì không vừa ý là nàng xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa.
Có lần, Huệ nghịch một viên ngọc mà chúa rất quý, bị chúa nhắc: “Nhè nhẹ tay chứ nhé! Đừng làm rơi vỡ mất!”.Huệ lập tức vứt hòn ngọc ấy xuống đất, khóc: “Quý gì hòn ngọc ấy! Bất quá vào Quảng Nam lấy ra hòn khác đền chúa chứ gì. Sao chúa lại trọng của hơn người thế”.Nói rồi, Huệ bỏ chúa ở đó, trở về phòng riêng mà nằm. Tĩnh Đô Vương sau đó phải hết sức dỗ dành, Huệ mới chịu vui vẻ như trước.
Khi được Trịnh Sâm mê đắm, yêu chiều mình, Đặng Thị Huệ còn dung túng cho em trai là Đặng Mậu Lân làm càn. Thậm chí, Huệ còn xin chúa gả Quận chúa Ngọc Lan, con của Chính phi Hoàng Thị Ngọc Khoan (đã mất), được chúa yêu như hòn ngọc quý cho em trai mình. Sợ Đặng Thị Huệ phật ý, bất đắc dĩ chúa phải đồng ý.
Khi biết Lân là một kẻ có tính hung bạo, dâm dật và càn rỡ, chúa lấy làm xót con, bèn lấy cớ quận chúa bị lên đậu, nên không thể làm lễ hợp cẩn ngay được. Chúa sai một viên nội giám là Sử Thọ hầu, luôn túc trực trong phòng Ngọc Lan.
Mỗi lần Mậu Lân định vào với quận chúa thì lại bị viên này ngăn, khiến Lân hết sức tức giận. Một lần bị ngăn trở, Lân tuốt gươm chém chết Sử Thọ hầu. Ngọc Lan hoảng sợ, sai một thị nữ chui qua một lỗ hở nhỏ chạy về phủ chúa báo tin.
Chúa tức giận liền sai quân bao vây bắt được Lân. Chúa khép Lân vào tử tội. Đặng Thị Huệ nghe tin, khóc lóc xin chết thay em. Cuối cùng, chúa bất đắc dĩ không thể xử theo luật, đành theo tình riêng mà giảm tội cho Lân từ tội chết xuống thành đi đày ở An Quảng.
|
Đặng Thị Huệ và con trai Trịnh Cán trong phim Đêm hội Long trì, năm 1989.
|
Sau chuyện Mậu Lân xảy ra, tình yêu của chúa đối với Đặng Thị Huệ không những không giảm đi mà còn tăng lên gấp bội, sau kết tinh thành một vương tử đặt tên là Trịnh Cán. Khi biết con mình được chúa yêu đến cực điểm, Thị Huệ bắt đầu nảy ra tham vọng muốn giật lấy ngôi chúa cho con. Việc này không phải là dễ vì theo quyền kế tập, con trai lớn của chúa là Trịnh Khải mới là người kế nghiệp.
Để đánh đổ Trịnh Khải, Huệ đã lập vây cánh với Huy quận Hoàng Tố Lý để bày mưu bỏ Trịnh Khải mà lập Trịnh Cán. Sự việc này, khiến Trịnh Khải cũng phải ráo riết tìm cách chuẩn bị vây cánh để chờ cơ hội đoạt quyền (châm ngòi vụ án năm Canh Tý).
Âm mưu đảo chính của Trịnh Khải bị Đặng Thị Huệ và Huy quận Hoàng Tố Lý phát giác, hai người đã báo Tĩnh Đô Vương bắt Trịnh Khải hạ ngục và chém giết hoặc giam cầm những người đồng mưu với Khải như Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân...
Sau vụ Trịnh Khải mưu loạn (còn gọi là vụ án năm Canh Tý), sức khỏe của Trịnh Sâm đã bị suy giảm, vì chứng kinh phong nên phải ép mình trong cung thẳm không có ánh sáng. Lượng rằng sức mình không thể qua khỏi, chúa liền gọi Huy quận Hoàng Tố Lý đến ủy thác việc lập Trịnh Cán sau này.
Nhưng Huy quận Hoàng Tố Lý sợ một mình chẳng đủ phục chế được cả nước nên xin chúa thành lập một hội đồng phụ chính có tất cả 7 người, trong đó có mình. Liền sau đó, Huy quận Hoàng Tố Lý sai thảo di chiếu và thảo sắc phong Đặng Thị Huệ là chức tuyên phi, nhưng vừa thảo xong, chúa chưa kịp cho chữ thì qua đời.
Sau khi Trịnh Sâm mất, Huy quận Hoàng Tố Lý theo lời di chúc tôn Trịnh Cán lên là Điện Đô Vương. Cán mới 8 tuổi (tài liệu khác chép 6 tuổi) cố nhiên chưa hiểu chính sự nên quyền ở cả trong tay Đặng Tuyên Phi mà người đứng đằng sau là Huy quận Hoàng Tố Lý.
Thế nhưng cả 3 người chưa ngồi ấm chỗ, tam phủ nổi lên giải phóng cho Trịnh Khải. Tố Lý vì vô mưu lên bị giết chết. Điện Đô Vương phải truất bỏ và Đặng Thị Huệ bị bắt giam. Ngôi chúa Bắc Hà về tay Trịnh Khải. Khải sau đó đã phong cho Cán tước Cung Quốc công. Thế nhưng, do ốm yếu từ bé nên Cán tắt thở sau Trịnh Sâm hai tháng.
Sau nỗi đau mất con, Đặng Thị Huệ còn chịu đựng thêm cơn ghen mù quáng của Thái phi Dương Thị Ngọc Hoàn mẹ Đoan Nam Vương Trịnh Khải. Về sau, Đặng Thị Huệ được cho ra ở lăng Trịnh Sâm để coi giữ tẩm miếu. Nhưng từ đó, Huệ chỉ vật vã khóc lóc không lúc nào ngơi. Đến ngày giỗ “đại tường” của chúa, Đặng Thị Huệ uống thuốc độc tự tận.