Nhà Thanh là một triều đại do người Mãn Châu thành lập, một dân tộc thiểu số ở một số nước Đông Á hiện nay. Vốn là những người du mục bán khai, người Mãn Châu dần chiếm ưu thế tại vùng hiện ở phía đông nam Nga. Quốc gia Mãn Châu được Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhaci) thành lập vào đầu thế kỷ 17. Ban đầu chỉ là một nước chư hầu của nhà Minh, ông tự tuyên bố mình là hoàng đế của nước Hậu Kim năm 1609. Cùng năm ấy, ông phát triển các nguồn tài nguyên kinh tế, con người của đất nước cũng như kỹ thuật bằng cách thu nhận những người Hán sống tại vùng Mãn Châu.
Năm 1625, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập thủ đô tại Thẩm Dương (tiếng Mãn Châu: Mukden), nhưng năm sau ông phải chịu một thất bại quân sự lớn đầu tiên trước một vị tướng nhà Minh là Viên Sùng Hoán. Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết năm đó. Một trong những thành tựu lớn nhất của ông là việc tạo lập hệ thống Bát Kỳ, theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám "Kỳ", đó vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Các Kỳ được đặt tên như vậy bởi vì mỗi nhóm được phân biệt bởi một lá cờ khác nhau.
|
Vị vua cuối cùng của triều Thanh. |
Người kế tục Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực (Huang Taiji), tiếp tục tiến hành công việc dựa trên các nền móng được người cha để lại, sáp nhập các kỳ của người Hán đầu tiên vào quân đội của mình. Hoàng Thái Cực cũng chấp nhận việc áp dụng nhiều cơ cấu chính trị kiểu nhà Minh vào đất nước mình, nhưng luôn giữ ưu thế của người Mãn Châu trong các cơ cấu đó thông qua một hệ thống định mức phân bổ. Khi Lâm Đan Hãn (Ligdan Khan), vị đại hãn cuối cùng của người Mông Cổ, chết trên đường tới Tây Tạng năm 1634, con trai ông Ngạch Triết (Ejei) đã đầu hàng người Mãn Châu và trao lại ấn ngọc truyền quốc của Hoàng đế Nguyên cho Hoàng Thái Cực.
Năm 1636 Hoàng Thái Cực đổi tên nước thành Thanh, có nghĩa là thanh khiết, biểu hiện những tham vọng đối với vùng Mãn Châu. Cái tên Thanh được lựa chọn bởi vì tên của nhà Minh (明) được cấu thành từ các ký hiệu của chữ nhật (日, mặt trời) và nguyệt (月, Mặt Trăng), đều liên quan tới hỏa mệnh. Chữ Thanh (清) được cấu thành từ chữ căn bản là thuỷ (水, nước) và từ chỉ màu xanh (青), cả hai đều là mệnh thuỷ. Trong thuyết Ngũ hành, thì thủy khắc được hỏa, ám chỉ việc nhà Thanh sẽ đánh tan toàn bộ nhà Minh. Trong một loạt những chiến dịch quân sự, Hoàng Thái Cực đã khuất phục được vùng Nội Mông và Triều Tiên trước khi tiếp tục chiếm quyền kiểm soát vùng Hắc Long Giang.
Vĩnh Lăng bảo địa
Mộ Tổ táng ở thế long mạch phải chăng sẽ giúp đời đời con cháu làm Hoàng đế, điều này khó mà lý giải thấu đáo. Nhưng các vương triều nhà Thanh rất coi trọng long mạch, lăng mộ của tổ tiên đều được các quan khâm thiên giám địa lý trắc địa kĩ lưỡng, vừa thể hiện sự kính trọng với tổ tiên, cũng là một hình thức cầu phúc.
Ở Thẩm Dương có 3 khu lăng tẩm thu hút sự chú ý của mọi người, đó là Phúc lăng của Thái tổ triều Thanh Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Chiêu lăng của Thái Tông Hoàng Thái Cực triều Thanh và Vĩnh lăng của tứ tổ Hòa Triệu, Hưng, Cảnh, Hiển triều Thanh và được gọi chung là “Quan ngoại tam lăng”.
|
12 đỉnh của núi Khải Vận. |
Theo lịch sử, đây là nơi mai táng sáu đời tổ tiên gồm tổ Mãnh Đặc Mặc, tằng tổ Phúc Mãn, tổ phụ Giác Xương An, phụ thân Tháp Khắc Thế, bá phụ Lễ Đôn, thúc phụ Tháp Sát Thiên Cổ và các phúc tấn của thái tổ triều Thanh - Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Vào năm thứ 5 Thuận Trị, thế tổ triều Thanh truy phong Mãnh Đặc Mặc là “Triệu Tổ Nguyên Hoàng đế”, Phúc Mãn là “Hưng Tổ Trực Hoàng đế”, Giác Xương An là “Cảnh Tổ Dực Hoàng đế”, Tháp Khắc Thế là “Hiển Tổ Tuyên Hoàng đế” đồng thời truy phong cho Lễ Đôn là Võ công quận vương, Tháp Sát Thiên Cổ là Khác cung bối lặc.
Dân gian lưu truyền rằng, người Mãn có thể vào Trung Nguyên, tộc người Ái Tân Giác La có thể nắm thiên hạ, đều có mối quan hệ mật thiết với phong thủy của khu Mộ tổ - Vĩnh lăng. Vĩnh lăng được mệnh danh là “Quan ngoại đệ nhất lăng”, là tổ lăng của Hoàng đế Đại Thanh Ái Tân Giác La Thị Tộc, cũng là lăng tẩm có liên quan nhiều đến truyền thuyết long mạch nhất.
Vĩnh lăng sau dựa vào núi Khải Vận, trước hướng về núi Yên Đồng, trái có đầu Thanh Long, phải có đuôi Bạch Hổ, vì thế mà long mạch của Vĩnh Lăng, hình thế tuyệt đẹp, vạn thừa chi tôn chi thế. Thêm vào đó, Sông Tô Tử quấn quanh như giải ngọc, ba con sông Nhị Đạo, Thác Thảo, Tô Tử chảy tạo thành thế “san thủy nhập khố” (“khố” có nghĩa là “mộ”), đúng là phong thủy bảo địa hiếm có trong thiên hạ.
Điều ngạc nhiên nhất chính là 12 đỉnh của núi Khải Vận. Nhân gian truyền rằng: Độ cao của mỗi đỉnh ứng với thời gian tại vị của mỗi vị Hoàng đế. Có 3 đỉnh nằm giữa là cao nhất trùng hợp với sự đỉnh thịnh của ba vị hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi và Càn Long. Kể từ sau Gia Khánh đế, triều đại nhà Thanh dần dần tàn lụi, nếu quan sát đỉnh núi cuối cùng có thể nói không thấy đỉnh đâu, dân gian giải thích đó chính là đỉnh của Vong quốc chi quân, Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh – Phổ Nghi.
Triều Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Nhìn lại lịch sử nhà Thanh, có lẽ đó chỉ là sự trùng hợp, nhưng tất cả khiến cho phong thủy về long mạch tăng thêm màu sắc thần bí. Có thể nói thiên mệnh và phong thủy chỉ là nhuốm màu sắc Hoàng quyền, nhưng rõ ràng vương triều Thanh đã vẽ một nét bút không thể phai mờ vào lịch sử Trung Quốc.
Lịch sử triều Thanh thống trị Trung Quốc suốt gần 300 năm, không thể không nói cũng có công bảo hộ của long mạch. Các Hoàng đế triều Thanh biết rất rõ điều này, cho nên hạ lệnh phong tỏa biên ải, bảo vệ long hưng chi địa. Đến thời cận đại, triều đình nhà Thanh ép xóa bỏ phong tỏa biên ải, mở rộng phía đông bắc, kể từ đó trong vòng mấy chục năm sau triều Thanh dần dần đi đến cực điểm và tàn lụi, cho nên nếu nói do bị động long mạch cũng không hẳn là lời nói đùa.
Theo Minh An/Khỏe & Đẹp