Triết lý và tư tưởng triết học của Lão Tử trong Đạo đức kinh

Google News

Người ta có thể quên nhiều điều trong Đạo đức kinh, nhưng có lẽ bất cứ ai đã yêu thích, từng đọc sách này đều khó có thể quên những câu nói nổi tiếng trong sách

Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo là ba dòng phái tinh thần-tư tưởng lớn, mà cội nguồn sâu xa của chúng gắn chặt với những cái tên đã rất quen thuộc là Phật, Khổng, Lão, không ngừng chảy một cách âm ỉ, nhiều khi bùng lên rất mãnh liệt trong văn hóa phương Đông. Những dòng chảy ấy có khi tách riêng ra, nhưng nói chung thường kết hợp, quyện hòa vào nhau rất chặt chẽ, đã và đang ảnh hưởng sâu sắc, rộng lớn đến đời sống con người phương Đông và có thể cả những khu vực khác của thế giới, cả về tinh thần và hiện thực…
Lão Tử, một con người mà lai lịch cuộc đời, sự nghiệp có nhiều điều còn nghi hoặc, thậm chí được xem như một truyền thuyết.
Triet ly va tu tuong triet hoc cua Lao Tu trong Dao duc kinh
 Sách "Triết lý và tư tưởng triết học của Lão Tử trong Đạo đức kinh". 
Đạo đức kinh, một cuốn sách có xuất xứ và nội dung còn gây nhiều tranh cãi và có lẽ còn những điều không bao giờ có lời giải cuối cùng. Nhưng sự tồn tại đồng thời giữa cái hư và cái thực dường như là một nghịch lý tự nhiên của lịch sử tư tưởng cổ đại nói chung. Cho nên, theo dòng thời gian hơn hai ngàn năm nay, dù không tránh được phải nêu lên những sự thật không tách rời, chứa đựng cả những cái hư, cái khó và cái không thể xác định, người ta vẫn bàn về Lão Tử, về cuốn Đạo đức kinh như một sự thật hiển nhiên.
Dù muốn hay không, người ta vẫn thấy trên thực tế tư tưởng Lão Tử đã ghi một dấu ấn hết sức sâu đậm và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống con người, xã hội Trung Quốc - phương Đông và có thể cả nhân loại cả về những mặt giá trị, tích cực và hạn chế cũng như những mắt tiêu cực của nó. Nhưng cùng với quá trình ấy thì những cuộc tranh cãi về nội dung, ý nghĩa tư tưởng Lão Tử vẫn không ngừng diễn ra theo xu hướng ngày càng đúng, sâu sắc và toàn diện hơn, căn cứ vào những yêu cầu, điều kiện và khả năng thực tế của mỗi giai đoạn lịch sử.
Người ta có thể quên nhiều điều trong Đạo đức kinh, nhưng có lẽ bất cứ ai đã yêu thích, từng đọc sách này đều khó có thể không biết đến hoặc khó có thể quên những câu nói nổi tiếng trong sách này như “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” và “Vô vi nhi vô bất vi”, v.v. Nhưng biết, nhớ những câu nói nổi tiếng ấy để ít nhiều có thể sẻ chia trong giao tiếp, ít ra có cái để quan tâm hơn đến các giá trị, ý nghĩa cuộc đời, là một chuyện, còn hiểu thấu, nắm được tinh thần những câu nói ấy, toàn bộ nội dung tư tưởng của Đạo đức kinh lại là một câu chuyện khác, hơn thế rất khác.
Triet ly va tu tuong triet hoc cua Lao Tu trong Dao duc kinh-Hinh-2
 Cuốn sách “Triết lý và tư tưởng triết học của Lão Tử trong Đạo đức kinh” của tác giả nhà nghiên cứu Phạm Văn Chung. 
Lão Tử từng chia sẻ: “Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo”. Có nghĩa là: “Bậc thượng sĩ [sáng suốt] nghe đạo [hiểu được] thì gắng sức thi hành đạo; kẻ tầm thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ; kẻ tối tăm nghe đạo [cho là hoang đường] thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa”. Giáo huấn rõ ràng và chí lý này của Lão Tử về Đạo khiến chúng ta, trước hết là những người quan tâm, đặt cho mình nhiệm vụ là phải nắm được, hiểu thấu bản chất của tồn tại nói chung, của đời sống con người, kiếp người và ý nghĩa của nó không khỏi băn khoăn rằng liệu ta đã đạt đến tầm vóc của “bậc thượng sĩ” [thực sự sáng suốt] để thực hiện trọng trách này và như thế cũng tức là đã có khả năng để hiểu được con người và tư tưởng Lão Tử về Đạo chưa?".
Cuốn sách “Triết lý và tư tưởng triết học của Lão Tử trong Đạo đức kinh” là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, nghiên cứu Đạo gia, Nho gia, đặc biệt tập trung vào Lão Tử của nhà giáo, nhà nghiên cứu Phạm Văn Chung. Sách do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.
Phạm Văn Chung sinh năm 1957 tại Thái Bình. Học tại Khoa Triết học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1977-1982. Làm giảng viên tại Khoa Triết học Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) từ năm 1983 đến năm 2017. Các cuốn sách chính đã xuất bản: Triết học Mác về lịch sử (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, 2006), Giáo trình Lịch sử triết học Mác (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, 2015), Friedrich Nietzsche và những suy niệm bên kia thiện ác (Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018). Hiện ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu triết học.

Thùy Liên