10 "hố"
1. Quá thông minh
Tăng Quốc Phiên, một Nho gia nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: "Làm người không được quá thông minh."
Thông minh quá cũng có cái họa của nó.
Cuốn "Liệt Tử" có nói rằng, mắt tinh có thể nhìn được cá dưới ao sâu chưa chắc đã cát tường, người nắm giữ được bí mật của người khác ắt gặp tai ương.
Tô Đông Pha trong bài thờ "Tây nhi thi" của mình cũng viết rằng: "Nhân giai dưỡng tử vọng thông minh, ngộ bị thông minh ngộ nhất sinh. Duy nguyện hài tử xuẩn thư lỗ, vô diệt vô nạn đáo công khanh."
Ý muốn nói, ai sinh con ra cũng mong con cái thông minh hơn người, nhưng chính bản thân "ta" cũng bị cái thông minh này hại cả đời.
Giờ chỉ mong con cái ngốc nghếch, đơn thuần một chút, không bị ai đố kị ghen ghét, sống bình an cả đời.
2. Ngạo mạn
Có người nói: Đại bệnh của con người, chỉ một chữ "ngạo".
Kẻ trí nhưng biết giả ngốc đúng lúc luôn khiến người ta bất ngờ, người khiêm tốn khiến người khác kính trọng, kẻ ngạo mạn lại dễ trở thành trò cười trong mắt người khác.
Tự cổ chí kim, người càng tài giỏi, càng khiêm tốn.
3. Ích kỉ
"Lợi khả cung nhi bất khả độc", lợi ích chỉ có thể chia sẻ, không được độc chiếm.
Một người không thể bất chấp thủ đoạn, hãm hại người khác chỉ để có được thành công, bạn cống hiến cho xã hội, chia sẻ với người khác, sau này, ắt sẽ được hồi đáp xứng đáng.
Khi bạn cứ nắm chặt tay mình lại, bên trong sẽ không thể chứa được bất cứ thứ gì; khi bạn mở rộng vòng tay của mình, cả thế giới đều nằm trong tay bạn. Tặng người hoa hồng, hương thơm sẽ lưu lại trên tay.
4. Quá
Sống ở đời, cái gì quá cũng không tốt, cố quá thì thành quá cố.
Làm cái gì cũng cần phải có cái "độ", có sự phù hợp, biết điểm dừng; đi tới cái cực đoan của "độ", bản chất của mọi vật sẽ xảy ra sự biến chất.
Chân thành quá, thành giả tạo; thông minh quá, thành giảo hoạt; nghiêm túc quá, thành cứng nhắc, bảo thủ…
"Mỹ tửu ẩm chí vi túy hậu, hảo hoa khai tại bán phóng thời", rượu chỉ ngon khi hơi say, thưởng hoa hãy thưởng khi chúng còn đang nở. "Vừa phải", mới ngâm được cái ngon của rượu, mới thưởng được sự tuyệt sắc của hoa thơm.
5. Tự lừa dối mình
Bịt tai trộm chuông là một kiểu tự lừa dối mình; Diệp công thích rồng (bên ngoài tỏ ra yêu thích nhưng bên trong thì không) cũng là một loại tự lừa dối.
Ngôn hành không thống nhất, nói một đằng làm một nẻo; thề thốt rằng mình quyết tâm đi làm gì đó nhưng thì ra lại chỉ là nhiệt huyết nhất thời, cuối cùng thành "cá trê chui ống". Đây cũng là một kiểu tự lừa dối.
Cuốn "Đại học" có viết: "Sở vị thành kì ý giả, mưu tự khi dã."
Muốn ý niệm trở thành được hiện thực, tốt nhất là đừng có tự lừa dối mình.
Nói được làm được, việc hôm nay chớ để ngày mai.
6. Buông thả
"Vật tự mục nhi hậu trùng sinh", vật khi thối nát ắt sinh ra giòi bọ. Buông thả bản thân chính là tự hủy hoại mình.
Dục vọng, ham muốn, khát khao quá nhiều không những không thể khiến chúng ta có được sự hưởng thụ đích thực, mà ngược lại, còn đem tới cho ta những tác hại vô cùng to lớn.
Không Tử nói: "Tòng tâm sở dục bất du cự."
Hưởng thụ đích thực là sự tiết chế lý tính, tận hưởng giả tạo là sự buông thả ngu ngốc
7. Mù quáng theo một phía nào đó
Tăng Quốc Phiên nói: "Bất tùy chúng tòng chi hỉ cụ vi hỉ cụ."
Ý muốn nói, không để môi trường bên ngoài thao túng bản thân, phải có cho mình tư duy độc lập và những chính kiến riêng, tuyệt đối không mù quáng nghe theo người khác.
Chỉ những người không có chủ kiến và khả năng suy nghĩ độc lập mới nhất nhất nghe theo số đông.
Người như vậy trước giờ không dám khơi gợi trách nhiệm "suy nghĩ" và "sáng tạo" ra, tư duy của họ bị "số đông" giới hạn, ý chí và cả tư tưởng cũng không thể phát huy tác dụng vốn có, càng không thể tạo ra những thành tựu mang tính sáng tạo, đột phá.
8. Hấp tấp
Chó hấp tấp, cứ nhìn thấy người lạ là lớn tiếng kêu.
Sói sẽ không tùy tiện hành động, nó sẽ nhẫn nại chờ đợi cơ hội vồ mồi thích hợp nhất.
Lão Tử nói: "Táo tắc thất quân"
Một khi hấp tấp, vội vàng, sẽ rất dễ bị cảm xúc khống chế, mất đi khả năng định vị và cả sự sáng suốt.
Chỉ nhìn mặt nước, khó mà biết nước sâu bao nhiêu, người nên được nghiệp lớn, sớm đã học được cách "trầm" lại, bình tĩnh giải quyết vấn đề.
9. Tìm tới những niềm vui xuất phát từ bên ngoài
Hạnh phúc và vui vẻ không liên quan gì tới "bên ngoài", nó chỉ liên quan tới cái "nội tâm" của mỗi người.
Vì vậy mà mới có người nói: "Nhất thiết phúc điền, bất li phương thốn, tòng tâm nhi mịch, cảm vô bất thông."
"Phúc điền" chính là "tâm điền", "tâm" cũng chính là "phúc". Hạnh phúc và niềm vui thực sự mà con người ta luôn kiếm tìm thực ra đều nảy sinh bên trong chính "tâm điền" của mỗi người, chính là phía bên trong của trái tim.
Ngoài "tâm" chẳng tồn tại hạnh phúc nào để kiếm tìm cả, vì vậy, trong tim trồng phúc hay trồng họa, tất cả đều nằm ở bạn.
10. Hư vinh
Theo đuổi sự hào nhoáng, hư vinh là thường thái, bởi lẽ hư vinh có liên quan tới tự tôn.
Ai ai cũng có lòng tự tôn, khi lòng tự tôn bị tổn thương hay chịu sự uy hiếp, hoặc là quá tổn thương, con người ta sẽ nảy ra sự hư vinh, hay nói cách khác là sĩ diện.
Kẻ yêu hư vinh dễ tin vào sự phù phiếm, kẻ phù phiếm dễ bị lừa gạt, kẻ bị lừa gạt dễ chịu tổn thương, kẻ chịu tổn thương dễ đầm mình trong bóng tối.
9 "ngộ"
1. Dĩ thiện vi bản, dĩ hòa vi quý
Người xưa nói: "Phúc họa vô môn, đều là tự mình rước lấy."
Lấy cái thiện làm nền tảng, luôn truyền đi thiện ý với người khác, người khác cũng sẽ đáp trả lại bạn bằng lòng tốt, lâu dần, chúng ta sẽ tích được phúc, niềm vui của bản thân có người để chia sẻ, cũng có thể chia sẻ với niềm vui của người khác.
"Kinh dịch": "Hòa khí trí tường, quai khí trí lệ."
Ý muốn nói, hòa khí có thể đem lại sự cát tường, sự gàn dở, ương bướng lại chỉ khiến rước họa vào thân.
Đối xử hòa đồng, hòa nhã với mọi người, luôn nở nụ cười tươi tắn, tự nhiên sẽ có nhiều người muốn lại gần.
Hòa vi quý, giúp chúng ta có được những mối quan hệ tốt đẹp.
2. Hướng về việc lớn, bắt đầu từ việc nhỏ
Hướng về việc lớn, nghĩa là phải có tầm nhìn, bắt đầu từ việc nhỏ, là sự nghiêm túc và nhiệt huyết với mỗi một giai đoạn, mục tiêu.
Ước mơ có thể ở rất xa vời, nhưng hiện tại lại gần ngay trước mắt. Giữa ước mơ và hiện thực, nhất định phải giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo.
Lão Tử nói: "Thiên lý chi hành, thỉ vô túc hạ."
Quãng đường dù có xa xôi tới đâu, cũng đều bắt đầu từ những bước đầu tiên.
Làm việc, không được chỉ ngóng vào việc lớn mà bỏ qua việc nhỏ, việc nhỏ làm không được thì làm sao mà nên được chuyện lớn?
Một căn phòng còn không quét được mà đòi quét cả thiên hạ?
3. Sống theo nhóm, giữ mồm; có một mình, giữ cái tâm
Khi ở giữa một nhóm xã hội, quản cho tốt cái miệng của mình, uốn lưỡi ba lần trước khi nói.
Hòa đồng với người khác, nói chuyện cởi mở, nhưng giữ chừng mực, đừng để người khác nghĩ mình thiển cận, ba hoa bốc phét.
Quan trọng hơn là phải chú ý tới lời nói, đừng "vô ý" làm tổn thương người khác. Lúc không nên nói thì "im lặng là vàng".
Khi một mình, giữ cái tâm ban đầu, nghĩ kĩ trước khi hành động.
Vào đêm khuya tĩnh mịch là khi con người ta sống thật với bản chất của mình nhất, những lúc như thế này, hãy nghĩ tới những điều tốt đẹp mà người khác từng dành cho mình, như vậy, bạn cũng sẽ đối xử tốt với tất cả mọi người.
4. Thấy tốt ắt theo, gặp sai thì thay đổi
Người quân tử, trông thấy việc tốt thì học theo, có sai thì nhanh chóng thay đổi.
Sống ở đời, ai chẳng có lúc sai lầm, nhưng biết thay đổi đúng lúc chính là chuyện tốt.
"Luận ngữ": "Tiểu nhân chi quá dã bất văn."
Chỉ có kẻ tiểu nhân khi sai lầm mới luôn muốn che đậy lỗi lầm của mình, không muốn thay đổi, sửa sai.
5. Quân tử bất tranh, không giành lợi nhỏ
Tăng Quốc Phiên nói: "Bất dư quân tử tranh minh, bất dư tiểu nhân tranh lợi, bất dư thiên tranh cao."
Không tranh cái danh với người quân tử, không giành cái lợi với kẻ tiểu nhân, càng đừng phân cao thấp với ông trời.
Không tranh với đời, điềm nhiên; không tranh với người, tu tâm dưỡng tính; không tranh với chính mình, ung dung tự tại.
Tranh với người, tranh chút hư vinh, tranh chút danh lợi, tới cuối cùng, chẳng qua cũng chỉ là bụi trần, thổi cái là bay, tranh tới cả hai đều chịu tổn thương, không đáng!
6. Thuận theo tự nhiên
Lão Tử nói: "Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên."
Thế gian này, quy luật vĩ đại nhất chính là quy luật tự nhiên, luật con người lại chính là nhỏ bé nhất. Vì vậy, thuận theo tự nhiên, chính là đạo sinh tồn của con người.
"Kinh dịch": "Lạc thiên tri mệnh, cố bất ưu."
Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không thay đổi được hiện trạng, vậy thì chi bằng chấp nhận số mệnh, thuận theo tự nhiên! Đây thực ra cũng là một kiểu giải thoát. Phàm là chuyện gì, cưỡng cầu quá chưa chắc đã được, dưa chín ép thì làm sao mà ngon!
7. Linh hoạt ứng biến, trầm tĩnh thận trọng
Cố nhân nói: "Gặp chuyện lớn nhỏ, quý ở trí. Trí như nào? Linh hoạt ứng biến."
Kẻ trí là kẻ thận trọng hành động, tùy cơ ứng biến, dù gặp khó khăn những vẫn có thể ung dung vượt qua.
Sự khôn ngoan thể hiện ở kiểm soát được việc lớn, sự thận trọng quý ở sợ từ những việc nhỏ; một lần tư duy thận trọng, thắng trăm lần hành động bốc đồng, một tổ kiến nhỏ cũng có thể khiến cả một con đê sập, tiểu tiết là thứ không thể qua loa.
Thận trọng là nền tảng của "không hồ đồ". Một người hành sự thận trọng, ắt là người tỉnh táo, sáng suốt, và tất nhiên cũng sẽ không hồ đồ trước thị phi.
8. Nghèo không thất chí, giàu không ghét thê
Có ngưới nói: "Chí bất lập, thiên hạ ắt không có chuyện thành."
Người có thể nghèo, nhưng chí thì không được ngắn. Sống ở đời, quan trọng nhất là phải có ý chí.
Ý chí cao vời có thể thúc đẩy, tạo động lực cho ta không ngừng tiến về phía trước, người không có ý chí, cuộc đời không có phương hướng, sống kiểu tạm bợ, thậm chí còn không hiểu cả chính mình.
Người xưa nói: "Bần tiện chi giao bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường."
Có nạn cùng chịu, vợ chồng trải qua phong ba bảo táp, tình cảm là sâu đậm nhất, phu thê ân ái, túp lều tranh cũng là lâu đài.
Có phúc thì phải cùng hưởng, bởi lẽ, đằng sau sự thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ.
9. Gia hòa sự hưng, đức lưu tử tôn
Gia hòa vạn sự hưng.
Một gia đình, cha mẹ là cái gốc, phu thê là nền tảng của "gia hòa", trên có già, dưới có trẻ, an an ổn ổn, hòa hợp thịnh vượng.
Người xưa cho rằng, tích tiền cho con cháu, chúng chưa chắc đã biết giữ, giữ lại sách thiện cho chúng, chúng chưa chắc xem; chi bằng tích cái đức lại cho con cháu, để con cháu an yên.
Để lại tài sản cho con cháu là điều ngu xuẩn nhất, chỉ khi tích đức, làm việc thiện mới là tài sản vô hình và quý giá nhất cho cả bản thân và con cháu.
Theo Pháp luật và Bạn đọc