Bị rắn độc cắn chết khi phục kích địch
“Trúng Tiễn Hổ” Đinh Đắc Tôn là đầu lĩnh xếp hạng thứ 79 Lương Sơn, có tài dùng đinh ba (phi xoa). Trước khi gia nhập “Bến nước”, Đinh Đắc Tôn là một trong hai phó tướng của “Một Vũ Tiễn” Trương Thanh (người kia là Cung Vượng). Khi quân Lương Sơn tấn công thành Đông Xương, Đinh Đắc Tôn trong lúc giao chiến với bộ đôi Lã Phương – Quách Thịnh bị Yến Thanh bắn mũi tên trúng ngựa, hất ngã chàng xuống đất, nên bị bắt sống.
|
4 hảo hán Lương Sơn Bạc có cái chết… lãng xẹt nhất. |
Sau Trương Thanh, Đinh Đắc Tôn và Cung Vượng hàng Tống Giang cùng nhau lên Lương Sơn, rồi nhận chiêu an triều đình, góp nhiều công lao trong các chiến dịch đánh Liêu, dẹp Vương Khánh, Điền Hổ…Trong chiến dịch đánh Phương Lạp, Đinh Đắc Tôn theo Lư Tuấn Nghĩa tấn công Hấp Châu. Quân Lương Sơn thua nặng trận đầu bởi trận tiễn của Bàng Vạn Xuân, 6 đầu lĩnh trong đó có Sử Tiến bị giết hại.
Sau, quân sư Chu Vũ bày kế mai phục bên ngoài trại, chờ quân Phương Lạp đến cướp trại vào ban đêm sẽ phản kích lại. Quả nhiên quân Phương Lạp trúng mai phục, quân Lương Sơn thắng lớn chiếm được thành. Tuy nhiên trong khi mai phục, Đinh Đắc Tôn bất ngờ tử nạn. Nguyên nhân cái chết của Đinh Đắc Tôn, được Thi Nại Am viết thế này ở Tục thủy Hử:
“Tiên phong Lư Tuấn Nghĩa vào ngồi trong trướng ở trung quân, truyền lệnh kiểm điểm các tướng hiệu, bấy giờ mới biết Đinh Đắc Tôn nấp trong bụi cỏ rậm bị rắn độc cắn chết. Lư tiên phong bèn sai mổ bụng Bàng Vạn Xuân moi lấy tim để tế bọn Âu Bằng, Sử Tiến”. Đinh Đắc Tôn - “Trúng tiễn Hổ” - không thiệt mạng bởi trúng tên địch mà chết vì bị rắn độc cắn. Đúng là một cái chết nằm ngoài… tưởng tượng của tất thảy.
|
Đinh Đắc Tôn bị rắn độc cắn chết khi đang bận phục kích quân địch. |
Tham gia thủy quân để rồi… chết đuối
Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn, có không ít đầu lĩnh bản lĩnh võ nghệ khá tầm thường, thậm chí còn chẳng có tài đánh đấm. Nhiệm vụ của họ ở “Bến nước” trước khi nhận chiêu an triều đình cũng không liên quan đến việc giao chiến, đánh trận. Ví dụ như “Kim mao khuyển” Đoàn Cảnh Trụ hay “Thông tý viên” Hầu Kiện.
Hầu Kiện, đầu lĩnh thứ 71, xuất thân thợ may, làm nhiệm vụ “chế tạo cờ quạt, áo bào” cho Lương Sơn. Đoàn Cảnh Trụ, trong khi đó, vốn là tay trộm ngựa trước khi gia nhập “Bến nước”, xếp hạng cuối cùng trong 108 đầu lĩnh. Chi tiết đáng chú ý nhất liên quan đến Cảnh Trụ là lần gã trộm được ngựa quý “Chiếu Dạ Ngọc Sư Tử” định đem tặng Tống Giang làm lễ ra mắt thì giữa đường bị nhóm Tăng đầu thị đánh cướp – từ đó khởi nguyên cho cái chết của Tiều Cái.
Cả Hầu Kiện và Đoàn Cảnh Trụ, dù công việc đảm trách ở Lương Sơn khác nhau nhưng đều chết cùng một chỗ, cùng thời điểm, cùng một nguyên nhân như nhau. Tục Thủy Hử, qua câu chuyện của Nguyễn Tiểu Thất kể lại với Tống Giang về kế hoạch đưa thủy quân Lương Sơn vào sông Tiền Đường, cũng nói rõ về cái chết của hai người này:
|
Hầu Kiện và Đoàn Cảnh Trụ, không biết bơi nhưng lại theo thủy quân đách định rồi… chết đuối. |
“Nguyễn Tiểu Thất nói: - Tiểu đệ cùng với Trương Hoành, Hầu Kiện và Đoàn Cảnh Trụ đem các thuỷ thủ ra biển tìm được thuyền chèo đến huyện Hải Diệm để tìm cách cho thuyền vào sông Tiền Đường. Không ngờ bão to thuyền trôi ra biển cả. Cố sức chèo vào bờ thì sóng gió làm hỏng thuyền, các anh em đều rơi xuống biển. Hầu Kiện, Đoàn Cảnh Trụ không biết bơi đều bị chết đuối”.
Say rượu, ngã ngựa và… chết
Đại đao Quan Thắng, dòng dõi “Võ Thánh” Quan Vũ, được coi là vị tướng toàn mỹ nhất Thủy Hử, trí dũng song toàn. Trước khi giao chiến với Lương Sơn rồi quy phục Tống Giang, gia nhập bến nước, Quan Thắng giữ chức Tuần kiểm phủ Phổ Đông nằm trong phạm vi quản hạt của Bắc Kinh. Thắng từ nhỏ thích đọc kinh thư, vốn thuông tuệ lại giỏi võ nghệ, sức khỏe muôn người khôn địch.
Trong tất cả các trận chiến của mình, từ các mãnh tướng Lương Sơn đến các địch thủ của Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh hay Phương Lạp, Quan Thắng chỉ có thắng, cùng lắm là hòa, chứ không bao giờ có chuyện bại khi giao đấu. Quan Thắng cũng là võ tướng có vị trí cao nhất khi phân định ngôi thứ Lương Sơn, đầu lĩnh hạng năm, giữ chức Hổ tướng Mã quân – Tả quân Đại tướng, được coi là số 1 trong nhóm Ngũ hổ Lương Sơn, trên Lâm Xung, Hô Diên Chước, Tần Minh và Trương Thanh.
Một Quan Thắng hoàn hảo độc cô cầu bại như vậy, rốt cuộc lại chết theo một kịch bản… lãng xẹt. Sau khi dẹp xong Phương Lạp, lập vô số chiến công, Quan Thắng là một trong những đầu lĩnh Lương Sơn về triều, nhậm chức, làm tới Tổng quản binh mã Phủ đại danh thành Bắc Kinh – thuộc hàm quan Tứ phẩm. Không bị mưu hại (cho uống rượu độc) như Tống Giang hay Lư Tuấn Nghĩa, nhưng cái chết của Quan Thắng cũng liên quan đến rượu.
Tục Thủy hử - hồi 119 viết: “Quan Thắng giữ chức Tổng quản binh mã ở phủ Đại Danh thành Bắc Kinh, rất được lòng quân sĩ, ai nấy đều lấy làm khâm phục. Một hôm Quan Thắng đi thao luyện quân mã trở về, nhân lúc say rượu, sẩy chân ngã ngựa, lâm bệnh nặng rồi mất không lâu sau đó”.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt