Người đầu tiên: Lư Tuấn Nghĩa
Lư Tuấn Nghĩa ngồi ghế đầu lĩnh thứ hai Lương Sơn Bạc, là phó trại chủ, chỉ dưới duy nhất Tống Giang. Nhưng nếu được chọn, họ Lư chắc chắn không dại gì mà từ bỏ cơ nghiệp của mình ở Hà Bắc mà trở thành giặc cỏ.
Lư Tuấn Nghĩa hiện lên, lần đầu trong Thủy Hử, cuối hồi 59, qua lời của chính Tống Giang: “Trong thành Bắc Kinh, có Viên Ngoại họ Lư tên Tuấn Nghĩa, biệt hiệu Ngọc Kỳ Lân, đứng vào hạng Tam Kiệt ở Bắc Hà đấy... Ông ta võ nghệ cao cường, côn quyền không ai địch nổi… là một trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh”.
|
Trong những hảo hán bị ép lên Lương Sơn, không ít người ôm hận với Tống Giang. |
Người vạch ra và đóng vai trò quan trọng nhất trong các lớp mưu kế lừa ép Lư Tuấn Nghĩa lên Lương Sơn là “Trí đa tinh” Ngô Dụng, từ việc giả làm thầy tướng số, đề bài thơ 4 câu hàm ý Lưu Tuấn Nghĩa gia nhập Lương Sơn làm phản triều đình (…) nhưng “có họ Lư ở Lương Sơn bằng mọi giá” là chủ trương của Tống Giang.
Cần biết rằng, thoạt đầu Lư Tuấn Nghĩa khinh Lương Sơn ra mặt. Chàng từng nói: “Mấy thằng giặc cỏ ở Lương Sơn thì thấm vào đâu, ta chỉ coi nó như cỏ rác mà thôi” hay “Ta là một tài chủ ở đất Bắc Kinh, làm chi quen với lũ giặc ấy. Nay ta đến đây, ta định bắt thằng Tống Giang đó”, rồi “Bọn chim chích ấy, địch sao được với Diều hâu? Ta đây bình sinh học biết bao nhiêu võ nghệ, chưa có chỗ nào mà bán được, nay có cơ hội ở đây, lại không đem ra mà bán, thì đợi đến bao giờ… Đứa nào vô phúc mà gặp phải tay ta, thì mỗi đứa ta cho một nhát…”.
Sau màn xa luân chiến với các đầu lĩnh Lương Sơn và trong lần đầu từ xa nhìn thấy Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa đã phản ứng thế này: “Quân giặc cỏ, tự nhiên vô cớ dám lừa ta đến đây...”. Tới khi bị Trương Thuận lừa bắt sống dưới nước rồi đưa lên Lương Sơn, Lư Tuấn Nghĩa vẫn nhất mực cương liệt, thà chết không nhập bọn: “Ta đã bị bắt đến đây, xin cho sớm chết là hơn...”.
Ngay cả khi nghe đủ lời dụ ngọt từ Tống Giang, Ngô Dụng và các đầu lĩnh, họ Lư vẫn: “Tôi khi trước ở nhà thực không có phép gì chết được, nhưng nay thực không muốn sống làm chi. Định giết xin cứ giết cần gì phải như vậy”. Dù bọn Tống Giang làm đủ cách để giữ chân Lư Tuấn Nghĩa, chàng ta vẫn một mực: “Tôi đây bình sinh không có tội gì, nhà đủ ăn, không đến nỗi đói. Sống làm dân nhà Tống chết phải làm ma nhà Tống... Không nói đến hai chữ trung nghĩa, thì tôi còn uống liều dăm ba chén ở đây, bằng nói đến hai chữ trung nghĩa thì cái bầu nhiệt huyết của tôi cũng khả dĩ tưới khắp ra đây ngay lập tức”.
Biết là không dụ hàng được Lư Tuấn Nghĩa, Tống Giang và Ngô Dụng thi triển tiếp lớp mưu kế nữa, thả cho Lý Cố về và bảo tên gia nô này phao tin khắp thành là họ Lư đã chịu nhập bọn Lương Sơn, không về nữa, chống lại triều đình. Và thế là đoạn đường bi kịch của Lư Tuẫn Nghĩa lại thêm phần éo le. Khi chàng được Lương Sơn cho về thì toàn bộ cơ ngơi đã rơi vào tay Lý Cố, vợ chàng Cổ thị cũng vào hùa với người tình mà lừa cho quan binh triều đình đến vây bắt.
Thế là từ chỗ Tam kiệt Bắc Hà, trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh, Lư Tuấn Nghĩa trở thành kẻ tay trắng, mất hết tài sản, mất luôn cả vợ, lại bị đổ lên đầu tội danh làm phản, bị bắt giam chịu nhục hình. Sau Lư tuấn Nghĩa được Yến Thanh cùng bọn Tống Giang giải cứu, đưa về Lương Sơn, ngồi ghế phó trại chủ nhưng nỗi uất hận của kẻ “không muốn làm giặc cỏ nhưng cùng đường vẫn phải thành giặc cỏ” thì họ Lư vẫn ôm chặt trong tâm can vậy.
Sau này đánh bại Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa được thăng hàm Vũ công đại phu, bổ chức An phủ sứ kiêm Binh mã Phó Tổng quản Lư Châu. Nhưng rồi chàng bị gian thần hãm hại, cho uống rượu có thủy ngân, lúc đi thuyền về Lư Tuấn Nghĩa muốn đứng đầu mũi thuyền tiêu khiển, không ngờ thuỷ ngân đã chạy vào tuỷ, Lư run chân đứng không vững, lại vì chếnh choáng hơi men nên sẩy chân rơi xuống sông Hoài ở chỗ nước sâu mà chết đuối.
Người thứ hai: Từ Ninh
Người giới thiệu tài nghệ “câu liêm thương” của Từ Ninh là em họ chàng: Thang Long. Người lên kế hoạch và triển các lớp mưu kế lừa Từ Ninh lên Lương Sơn cũng là Thang Long. Nhưng đưa Từ Ninh lên nhập bọn, để mượn tài của “Kim sang thủ” đánh tan “Liên hoàn giáp mã” của Hô Diên Chước, tuyệt nhiên là chủ trương của Tống Giang vậy.
Từ Ninh, trước khi lên Lương Sơn, là giáo đầu dạy kim thương ở Đông Kinh, quan hệ với quan chức triều đình cực tốt, đường hoạn lộ hanh thông, gia cảnh giàu có sung túc. Đương nhiên nếu không sập bẫy mà cùng đường phải nhập bọn với Tống Giang, Từ Ninh cứ vậy, kiểu gì cũng thăng quan tiến chức, an nhàn mà sống tới hết đời.
Nhưng từ chỗ bị Thời Thiên trộm mất áo giáp quý “ngàn lượng cũng không bán”, rồi đột nhiên gặp lại người em họ “rách trời rơi xuống” Thang Long sau bao năm bặt vô âm tín, và từng bước từng bước bị lừa lên Lương Sơn, hành trình bi kịch của Từ Ninh đã thực sự bắt đầu.
Kể cả khi đã bị lừa lên “Bến nước” thì Từ Ninh cũng chỉ tặc lưỡi mà giúp Tống Giang dậy nghĩa quân phép đánh câu liêm thương, chứ không hề có ý gắn bó. Nhưng Từ Ninh đâu ngờ rằng, khi chàng ở Lương Sơn thì dưới núi tay em họ Thang Long, theo kế hoạch đã định trước với Tống Giang – Ngô Dụng đã gây thêm bao nhiêu chuyện (đóng giả từ Ninh đánh người cướp của, lừa đưa vợ con họ Từ lên Lương Sơn) khiến chàng tuyệt đường vậy.
Các câu thoại của Từ Ninh trong những ngày đầu ở Lương Sơn, tuyệt nhiên cho thấy chàng không hề có định xếp mình ngang hàng với “đám giặc cỏ”. Đầu tiên: “Từ Ninh nghe nói thở dài mà rằng: Thế này thực anh em giết tôi đó”; Rồi tiếp đến: “Thôi vậy, ta còn về Đông Kinh thế nào được nữa”; đến khi buộc phải chấp nhận ở lại thì Từ Ninh cũng chỉ khẳng định “Ngày nay sự thế đã xảy ra như vậy, thì tôi xin nhất tâm đào luyện cho quân sĩ để chóng được nên công các ngài bất tất phải quan tâm cho lắm”, chứ không tỏ ý muốn ra trận đánh lại quân triều đình.
Mời quý độc giả xem video: Lương Sơn Bạc giải cứu Tống Giang thoát chết. Nguồn: KiemHiep TK.
Rốt cuộc thì Từ Ninh buộc phải lưu lại Lương Sơn, sau khi phân ngôi thứ thì ngồi ghế thứ 18 – một vị trí khá cao với người không có quá nhiều công trạng. Đấy có thể coi là “sự an ủi” mà Tống Giang muốn dành cho Từ Ninh. Nhưng với họ Từ, đầu lĩnh thứ 18 Lương Sơn sao có thể sánh bằng cuộc sống quan tước của chàng trước đó, sao khiến chàng bớt đi nỗi uất hạn.
Có thể nói chàng hận Thang Long một, thì hận bọn Tống Giang chín mười vậy. Nhưng nỗi hận ấy, Từ Ninh cũng chỉ biết giữ trong lòng cho tới tận lúc chết, bởi mũi tên độc của quân Phương Lạp, mà thôi.
Người thứ ba: Chu Đồng
Nếu như Lư Tuấn Nghĩa, Từ Ninh là những người chẳng hề có liên hệ gì với Tống Giang trước khi lên Lương Sơn thì “Mỹ nhiệm công” Chu Đồng là một trường hợp hoàn toàn khác. Chu Đồng làm chức Đô đầu huyện Vận Thành, xuất thân phú hộ bản xứ, vốn là người trọng nghĩa khinh tài. Và quan trọng hơn, Chu Đồng có ơn lớn với rất nhiều đầu lĩnh cao cấp ở Lương Sơn, trong đó có Tống Giang.
Đầu tiên, Chu Đồng giúp nhóm Tiều Cái, Ngô Dụng, ba anh em họ Nguyễn thoát nạn trong vụ tróc nã nhóm cướp Sinh thần cương. Tiếp đó, chàng thả Tống Giang sau khi họ Tống giết Diêm Bà Tích. Rồi đến vụ Lôi Hoành lỡ tay đánh chết ca nữ Bạch Tú Anh, lại vẫn Chu Đồng chấp nhận vì nghĩa diệt thân mà thả cho bạn thoát.
Sau vụ Lôi Hoành, Chu Đồng bị đày tới Thương Châu. Quan tri huyện Thương Châu thấy Chu Đồng tướng mạo oai phong, liền thu dụng vào ở trong phủ. Chu Đồng tính tình lễ phép, ôn hòa, rất được mọi người quý mến nên chẳng bao lâu chàng yên ổn lại cuộc sống. Cậu ấm con quan tri huyện rất quý Chu Đồng, thường đòi chàng dẫn đi chơi. Chu Đồng cũng chiều chuộng cậu ấm hết mực, luôn mua cho bánh kẹo, đồ chơi.
Trong một lần đi phố, Chu Đồng gặp lại Lôi Hoành, bị Hoành kéo ra một chỗ để trò chuyện. Không ngờ lúc quay lại thì bị thất lạc mất cậu ấm, chàng vội cuống quýt đi tìm thì gặp Ngô Dụng nói là Lý Quỳ đang trông nom cậu ấm. Chu Đồng hoảng hốt đi tìm Lý Quỳ, tới nơi thì cậu ấm đã bị bóp cổ chết từ lâu. Chu Đồng giận quá đuổi đánh Lý Quỳ tới tận gia trang của Sài Tiến. Tới đây, bọn Ngô Dụng thú nhận đã gài bẫy ông, để ông tuyệt đường lui mà gia nhập Lương Sơn.
Chu Đồng, trong tất thảy các câu thoại ở hồi 50 của Thủy Hử tuyệt nhiên không hề muốn lên Lương Sơn, chàng sẵn sàng vì anh em bạn bè mà chịu thiệt chứ làm giặc cỏ thì không. “Lôi Hoành là bị tù tội đến nơi, tôi lấy nghĩa khí tha cho hắn. Sau hắn lên núi với các ngài, còn tôi ở lại đày sang đây cốt là để chịu tội cho anh em bạn... rồi một vài năm hết hạn trở về, bấy giờ lại an cư lạc nghiệp giữ phận làm ăn” – đấy là lời Chu Đồng nói với Ngô Dụng. Còn đây là lời với Lôi Hoành: “Vì hiền đệ có lão mẫu ở nhà nên, tôi mới tha cho hiền đệ như thế. Nay lại hãm tôi vào nơi bất nghĩa nữa sao?
Nhưng điều Chu Đồng không ngờ rằng, tất cả những mưu mô chước quỷ ép chàng lên Lương Sơn lại từ chính người chịu ơn mình – Tống Giang – mà ra cả. Đây là lời của Sài Tiến: “Tôi có một người bạn thân, mà cũng là một người bạn cũ của túc hạ hiện đương làm Đầu Lĩnh ở Lương Sơn Bạc, tên Cập Thời Vũ Tống Công Minh, có viết một bức thư sai Ngô Dụng, Lôi Hoành, xuống đón… túc hạ không chịu theo đi, nên mới bảo Lý Quỳ giết con Quan Phủ để rấp đường không cho ngài về… “. Rồi chính Ngô Dụng và Lôi Hoành cũng thừa nhận Tống Giang là người đứng sau mọi chuyện: “Xin huynh trưởng tha tội, điều đó là Tướng Lệnh của Tống Ca Ca chúng tôi...”.
Kim Thành Thán cuối hồi 50 có viết lời bàn thế này: “Tả Chu Đồng không chịu làm giặc cỏ, cũng chả phải nhiều lời chỉ qua loa vài dòng, cũng bằng vẽ ra tấm lòng trong sạch… khoe danh tiết, yêu thân mình chẳng chịu nhuốc nhơ”. Rõ ràng, nếu Chu Đồng muốn lên Lương Sơn thì chàng đã lên từ lâu. Tống Giang hơn ai hết hiểu quá rõ điều đó, nhưng vẫn một tay sắp xếp đủ chuyện ác độc để ép người có ơn cứu mạng đến tuyệt đường mà phải nhập bọn.
Bản thân Chu Đồng sau này cũng sớm nhận chân được coi người của họ Tống mà giữ khoảng cách nhất định. Trong số những người bị ép lên Lương Sơn bởi Tống Giang, Chu Đồng có lẽ là hảo hán có kết cục toàn vẹn hơn cả. Sau chiến dịch đánh thắng Phương Lạp, ông được phong làm Đô thống chế phủ Bảo Định, rồi làm đến chức Tiết độ sứ quận Thái Bình.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt