Thủy hử hay Thủy hử truyện là một tác phẩm trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm Tứ đại danh tác. Tác giả Thủy hử là Thi Nại Am. Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Những anh hùng trong Thủy hử ngoài việc đều là những hảo hán, thấy chuyện bất bình rút đao tương trợ thì còn một điểm chung nữa, đó là tửu lượng vô cùng lớn. Tuy nhiên, cũng có không ít người đã gặp họa do rượu gây ra, trong đó có cả Tông Giang.
Tống Giang là một trong những nhân vật chính, có tên hiệu là Hô Bảo Nghĩa (người kêu gọi chính nghĩa), còn gọi là Tống Áp Ty, Tống Công Minh hay Cập Thời Vũ. Tống Giang là vị đầu lĩnh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc sau khi Tiều Cái trúng tên qua đời.
Trước khi lên Lương Sơn Bạc, trong một lần ở trên lầu Tầm Dương, Tống Giang một mình uống rượu, sau một vài chén, ông dựa lan can, nâng chén tiêu sầu, chén này nối chén kia, bất giác say túy lúy, bỗng nhiên lòng suy nghĩ: “Ta sinh tại Sơn Đông, lớn lên ở Vận Thành, xuất thân thư lại, kết giao bao anh hùng hảo hán giang hồ, tuy có chút hư danh, nay đã ngoài tam tuần, danh chẳng thành, công chẳng toại, lại bị thích chữ lên mặt, lưu đày đến nơi này. Cha già, huynh đệ nơi quê cha đất tổ, biết khi nào có ngày tái ngộ đây?”.
Bất giác, hơi rượu xông lên, lệ rơi lã chã, cảm khái, uất hận, bi thương bỗng dâng trào, liền gọi tiểu nhị bảo đem nghiên bút lên. Cất bước ngắm cảnh vật, thấy trên bức tường có nhiều thơ của người trước, Tống Giang tức cảnh sinh tình, ý thơ tuôn trào, tự nhủ: “Sao ta chẳng học theo tiền nhân, đề thơ nơi này? Sau này có dịp quay lại, xem lại thơ, nhớ lại những ngày cơ cực hôm nay”.
Đang có hơi men, Tống Giang mài mực đặc, chấm bút đẫm, vung tay múa bút đề thơ ở lầu Tầm Dương. Bài thờ này của Tống Giang là phút xuất thần, thể hiện hùng tâm tráng chí, khí phách anh hùng, ẩn giấu trong con người viên thư lại nhỏ bé, cẩn trọng, giữ mình.
Nhưng không may cho Tống Giang, khi một hôm Hoàng Văn Bình đến lầu Tầm Dương, chợt nom lên vạch phấn ở gần phía lan can, thấy có nhiều thơ đề vịnh, xem ra cũng có bài nghe được, cũng có bài lôi thôi lốn thốn, đọc chẳng thành câu. Chàng vừa cười nhạt vừa xem đọc một mình, chợt xem đến bài thơ của Tống Giang, thì bỗng cả kinh mà nói một mình rằng: “Quái lạ! Có lẽ là thơ phản trắc? Ai viết ở đây như thế?”.
Hoàng Văn Bính liền chép mấy câu thơ bỏ vào túi áo, rồi dặn tiểu nhị bảo phải giữ gìn cẩn thận mà không được xóa đi. Đoạn rồi xuống lầu trở về.
Hôm sau Hoàng Văn Bính liền mang bài thơ tới báo với Tri Phủ Thái Cửu, nó rằng Tống Giang có mưu đồ tạo phản khiến cho Tri Phủ phái người đi bắt Tông Giang giam trong ngục ở Giang Châu.
Có thể nói, Tống Giang là thông kinh sử, hiểu thao lược một lòng thờ đạo hiếu trung, kết giao bằng hữu bằng chữ nghĩa khí, đối nhân xử thế giữ chữ tín. Biết cẩn thận giữ mình, theo phép nước, giữ Đạo Thánh hiền, giữ nếp nhà, là hiếu tử.
Một người hành sự cẩn trọng như Tống Giang, nhưng sau khi rượu say lại có phút cảm khái trào dâng, đề thơ tạo phản lầu Tầm Dương, âu cũng là ý trời.
Theo Nguoiduatin