Chân dung vị hoàng đế cấp tiến
Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân (tên khác là Nguyễn Phúc Chiêu), là vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn. Cuộc đời ông là cuộc đời của người gặp nhiều trắc trở, một người mang nhiều hoài bão cống hiến nhưng bế tắc trước thời cuộc.
Năm Quý Mùi (1883) khi Bửu Lân 4 tuổi thì vua cha Dục Đức ở ngôi chưa đầy 3 ngày đã bị phế truất và chết thảm, ông cùng mẹ và các anh chị em phải rời khỏi hoàng cung sống như những người dân thường ở ngoại thành. Đến nǎm 9 tuổi, vì ông ngoại là Hộ bộ Thượng thư Phan Đình Bình chỉ trích vua Đồng Khánh nịnh bợ và thân Pháp nên bị bắt giam rồi chết trong ngục còn mẹ con Bửu Lân thì chịu sự quản thúc của triều đình, sống trong cảnh thiếu thốn.
|
Bưu thiếp in hình Thành Thái - hoàng đế Đại Nam. (Hình minh họa – Nguồn: pinterest.com). |
Cuối năm Mậu Tý (1888) vua Đồng Khánh mất, con còn nhỏ nên nhờ cơ may mà Bửu Lân được đưa lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Thành Thái. Là người có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần chống Pháp và khinh ghét những bọn quan lại xu phụ nhưng vì sống trong cảnh nước mất, ngoại bang đã thiết lập ách đô hộ của chúng trên toàn đất nước nên quyền hành của vua cũng như triều đình nhà Nguyễn hầu như đã bị tước đoạt hết, chỉ còn lại một số mang tính hư vị, hình thức mà thôi. Tuy nhiên vua Thành Thái cũng đã tìm mọi cách tận dụng những điều có thể làm, ông học tiếng Pháp, cắt tóc ngắn, tự lái xe, mặc âu phục, tìm hiểu văn hóa phương Tây qua sách báo…, thường vi hành tìm hiểu đời sống dân chúng, có cảm tình với những người có tư tưởng canh tân và tinh thần chống Pháp.
Thấy Thành Thái không cam chịu làm vị vua bù nhìn, do đó Pháp tung tin Thành Thái bị bệnh điên, chúng lại ép triều đình Huế thảo tờ biểu và chiếu thoái vị đã soạn sẵn vào điện Càn Thành dâng cho vua, với lý do sức khoẻ không bảo đảm, tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái chỉ cười khẩy, ghi ngay hai chữ "phê chuẩn" rồi quay lưng đi vào hoàng cung.
Nhằm cách ly Thành Thái, ngày 12 tháng 9 năm 1907, chính quyền bảo hộ Pháp đã đưa ông đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (nay là Vũng Tàu). Đến năm 1916, Thành Thái bị đưa đi đày ở đảo Réunion, thuộc địa của Pháp tại châu Phi. Ông sống ở thành phố Saint Denis đến tháng 5/1947 nhờ sự vận động của con gái và con rể của ông, vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Cap Saint Jacques, rồi buộc phải ở Sài Gòn để Pháp dễ bề quản thúc. Tháng 3 năm 1953, ông mới được phép về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ.
Ngày 16 tháng 2 năm Giáp Ngọ (20/3/1954) ông mất tại Sài Gòn, thọ 75 tuổi (có tài liệu ghi ông mất ngày 24/3/1954, hoặc ngày 9/3/1954). Thi hài Thành Thái được đưa về Huế, an táng tại khuôn viên lăng mộ vua cha Nguyễn Cung Tông là An Lăng (nay thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Vụ án người chồng “mọc sừng” đánh chết tình địch
Chuyện rằng, khi ấy ở kinh thành Huế có một thanh niên dáng người cao lớn, mặt mũi khôi ngô rất đẹp trai, khéo pha trò, có tài ăn nói nhất là nói được cả giọng Bắc, Trung, Nam. Nhờ vào mồm ép và vẻ bề ngoài đó, anh ta đã khiến cho nhiều bà, nhiều cô mê mệt, bị lợi dụng cả tình và tiền nhưng vẫn lao vào như thiêu thân, vì thế người ta đặt cho cái biệt danh là “cậu Hai Hót”. Tiếng đồn về con người này lan đến tận hoàng cung, một hôm Thành Thái cho đòi Hai Hót vào điện Càn Thành bắt phải trổ tài “hót” cho vua xem. Vờ sợ hãi, run rẩy, Hai Hót quỳ xuống xin được hút một điếu thuốc lào cho thỏa cơn thèm rồi mới có thể “hót” được. Thành Thái liền truyền thị vệ lấy cái điếu của ngài đưa cho Hai Hót hút, ai ngờ đó là cách anh ta trổ tài và lập luận rằng “cả nước Nam, chưa có người dân thường nào tầm lại được vinh dự hoàng thượng ban thuốc cho và cho phép hút bằng điếu của vua!. Cuối cùng Thành Thái cũng phải bật cười, phục tài lém lỉnh và giữ đúng lời hứa ban thưởng cho Hai Hót 3 lạng bạc.
Không lâu sau, như một cơ duyên, vua Thành Thái lại xử vụ án liên quan đến Hai Hót. Theo tấu trình của quan phụ trách hình luật, vốn quen thói cũ nên một lần Hai Hót lân la đến làng làng Bao Vinh ở tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà là nơi có cảng Thanh Hà, phố chợ Bao Vinh thuộc trung tâm buôn bán sầm uất nằm tại phía Bắc kinh thành.Huế (nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tại đây, tình cờ Hai Hót tán hót được một cô lái đò khá xinh, chuyên bán trứng vịt lộn trên sông. Cô gái này nhân lúc chồng đi vắng đã mời Hai Hót xuống đò ăn trứng vịt lộn và tình tự với nhau; không ngờ mới anh chồng bất ngờ trở về, bắt được quả tang Hai Hót đang thông dâm với vợ mình.
Vô cùng tức giận, người chồng vớ ngay cái cọc chèo trong tay đánh cho Hai Hót một cú trời giáng khiến anh ta chết ngay tại chỗ, còn người vợ thì bị đánh hộc máu mũi ra, ngã lăn ra đất!. Bấy giờ đám lý dịch sở tại đang uống rượu trên bờ, thấy có án mạng vội chạy xuống bắt trói anh chồng lại, rồi cử người đi báo cho quan huyện Hương Trà đến khám xét hiện trường, lập biên bản, cho chôn nạn nhân và bắt hung thủ đưa về tống giam vào ngục.
|
Tranh vẽ vua Thành Thái và cận thần. (Hình minh họa - Nguồn: khamphahue). |
Khi xử án, sau khi cân nhắc tình tiết vụ việc, quan huyện kết án người chồng 15 năm tù khổ sai; tiếp đó án được trình lên phủ Thừa Thiên, người tù được giảm xuống 10 năm khổ sai, đưa lên bộ Hình lại giảm xuống còn 5 năm. Cuối cùng vụ án được tâu lên để vua ra phán quyết cuối cùng. Sau khi xem kỹ hồ sơ, Thành Thái nhận thấy cả về tình lẫn lý, người chồng đáng được tha vì thế nhà vua đã phê vào bản án 4 câu thơ như một lời phán quyết sâu sắc nhưng cũng đầy thú vị bởi các câu thơ này đều nằm trong tác phẩm Kim Vân Kiều (Truyện Kiều) của Nguyễn Du được ghép lại thành một bài thơ hoàn chỉnh:
“Hại một người, cứu muôn người,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
Mệnh trời mà cũng quyền ta,
Thấu tình đạt lý ta tha cho về”.
Lê Thái Dũng