Ngày 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).
Vinh dự đi cùng trách nhiệm
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội chia sẻ, được nhận danh hiệu NGND là một vinh dự và tự hào nhưng cùng với đó là trách nhiệm nặng nề đối với thế hệ tương lai.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu NGND cho thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu Hà Nội. Ảnh: Mai Loan. |
“Là một nhà giáo, niềm hạnh phúc nhất của tôi là trong 70 năm qua, tôi đã mang hết tâm huyết của mình để phục vụ cho sự nghiệp trồng người. Tôi sẽ quyết tâm, xây dựng, góp phần vào nền giáo dục Việt Nam nói chung, và xây dựng Trường Nguyễn Siêu trở thành một trường chất lượng cao và song ngữ quốc tế Cambridge, để đào tạo những thế hệ học sinh trở thành những công dân có ích cho đất nước Việt Nam”, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh chia sẻ.
Video: Thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội chia sẻ cảm xúc khi được nhận danh hiệu NGND.
GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, được trao tặng danh hiệu NGƯT là vinh dự lớn cho bản thân và đơn vị công tác. Danh hiệu này đã ghi nhận cả quá trình nghiên cứu và giảng dạy không ngừng của bản thân ông và sự cổ vũ động viên của lãnh đạo và đồng nghiệp.
|
Các nhà giáo tại lễ tôn vinh. Từ trái qua: GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; PGS.TS Trần Đăng Hưng, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Mai Loan. |
“33 năm dạy học đại học, tôi chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao của ngành giáo dục và kinh tế của đất nước. Sự quyết liệt và sáng suốt của các cấp lãnh đạo về giáo dục và về mọi mặt của đất nước đã mang lại động lực mới, mở ra kỉ nguyên phát triển nhanh và bền vững của dân tộc”, GS.TS Nguyễn Huy Bắc chia sẻ.
PGS.TS Trần Đăng Hưng, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, rất vui và vinh dự khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
“Đây là phần thưởng cao quý mà người giáo viên nào cũng thấy tự hào. Phần thưởng này như một sự ghi nhận những nỗ lực trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của tôi trong hơn 20 năm làm công tác đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, PGS.TS Trần Đăng Hưng chia sẻ.
NGƯT Trần Đăng Hưng cho hay, từ khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, PGS Hưng đã ngưỡng mộ nhân cách và trí tuệ của các thầy cô giáo. Ngoài ra, trong gia đình ông cũng có nhiều thành viên công tác trong ngành giáo dục nên đã giúp ông hình dung được công việc và niềm vui của nghề giáo viên. Những điều đó đã nhen nhóm lên trong PGS Hưng tình yêu với nghề giáo, từ đó, ông đã lựa chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, rồi trở thành sinh viên và giảng viên của Trường cho đến bây giờ.
“Làm nghề nào cũng có những điều hạnh phúc riêng, với tôi niềm hạnh phúc trong sự nghiệp trồng người là thấy được sự trưởng thành của học trò, nhất là những học trò khi đi học chưa thực sự nổi bật. Qua thời gian và sự cố gắng, nhiều em đã trưởng thành và có những đóng góp quan trọng cho xã hội, đó là niềm vui lớn nhất của người thầy”, PGS Hưng tâm sự.
Niềm hạnh phúc của người thầy không chỉ là truyền kiến thức…
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học Hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, đã cảm thấy bất ngờ khi được trở thành 1 trong 251 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Bởi PGS Trí nhận thấy, những đóng góp của mình rất nhỏ bé so với sự cống hiến của rất nhiều các thầy cô giáo trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các thầy cô ở những vùng đặc biệt khó khăn.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024 cho PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học Hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mai Loan. |
“Đây là niềm vinh dự, phần thưởng vô cùng cao quý trong cuộc đời cũng như sự nghiệp giáo dục của mình”, PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ.
PGS.TS Trần Mạnh Trí sinh ra ở một miền quê nghèo, gia đình khó khăn, bản thân PGS Trí cũng từng chỉ dự định học hết cấp 3, không theo học đại học. Nhưng rồi, chính nhờ tấm lòng của các thầy cô, mà đã có một PGS.TS Trần Mạnh Trí, một giảng viên đại học, chủ nhân giải thưởng Tạ Quang Bửu và nhiều công trình khoa học có giá trị như ngày hôm nay.
“Tôi luôn ghi nhớ công ơn của các thầy cô ở tất cả các cấp học, trong đó, đặc biệt là GS.TSKH.NGND Nguyễn Đức Huệ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, thầy luôn ân cần chỉ dạy tôi những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học, đã dìu dắt, truyền cho tôi sự say mê, nghiêm túc trong khoa học và tấm lòng yêu thương vô hạn đối với học trò. Tôi đã học tập được ở thầy rất nhiều, và tâm niệm, sẽ cố gắng bước tiếp con đường mà các thầy cô mình đã đi”, PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ.
|
PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ, sẽ cố gắng bước tiếp con đường mà các thầy cô mình đã đi. Ảnh: Mai Loan. |
PGS.TS Trần Mạnh Trí cho hay, cũng chính từ những gì đã được nhận từ những thầy cô của mình, mà giờ đây, PGS Trí luôn sẵn sàng chia sẻ với các học trò những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Một người thầy, theo PGS Trí, không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn phải đem lại niềm cảm hứng cho các học trò. Và để có được điều đó, thì ngoài sự vững vàng về kiến thức, thì tình cảm, lối sống… của người thầy cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với học trò.
Việc được tôn vinh nhà giáo tiêu biểu là vinh dự, nhưng cùng với đó cũng là trách nhiệm. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên luôn tạo điều kiện tối đa cho những giảng viên có định hướng nghiên cứu tốt, PGS.Trí mong rằng, trong thời gian tới, lĩnh vực khoa học cơ bản sẽ được đầu tư tốt hơn nữa để các thầy cô có thể yên tâm, cống hiến hết tâm sức của mình cho khoa học và giáo dục.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta.
Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo. Các danh hiệu là sự ghi nhận, sự tôn vinh cho cái đã qua, bề dày sự thể hiện và đóng góp của các cô, các thầy, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
“Các thầy cô là những người ưu tú cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho ngành Giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hoá học hữu cơ - Khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về cụm công trình được trao giải Tạ Quang Bửu năm 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan