Phát hiện vết cháy trên thân thuyền cổ độc nhất vô nhị tại Bắc Ninh
Một chi tiết mới đầy bất ngờ vừa được các nhà khảo cổ công bố trong quá trình nghiên cứu hai chiếc thuyền cổ phát hiện tại khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh: những dấu vết cháy xuất hiện trên phần thân thuyền, hé lộ thêm những ẩn số về số phận của di vật độc nhất vô nhị này.
 |
Dấu vết cháy phát hiện ở bên thân thuyền cổ. |
TS. Phạm Văn Triệu – Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, trong quá trình khai quật, các chuyên gia đã nhận thấy hiện tượng “om lửa” ở phần mạn thuyền:
“Thuyền hai đáy ở Bắc Ninh bị cháy ở phần mạn bên trên, còn phần chìm dưới nước không bị cháy. Tuy nhiên, khu vực tiếp xúc giữa nước và lửa bị om lửa, cho thấy khả năng toàn bộ kết cấu bên trên thuyền từng bị cháy rất mạnh.”
 |
Dấu vết cháy trên một mảnh ván ghép của thuyền cổ ở Bắc Ninh. Ảnh VOV.VN. |
Điều đáng lưu ý, theo TS. Triệu, là do hiện tượng cháy thành than kết hợp với dòng chảy nước mạnh, phần than sau khi cháy đã bị cuốn trôi hoàn toàn, khiến bề mặt thuyền không còn lưu lại tro hay cặn vật lý dễ thấy. “Mức độ cháy có lẽ rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được liệu chiếc thuyền bị cháy trước khi bị bỏ lại, hay bị cháy sau đó vì một biến cố nào khác.” – ông Triệu nhận định.
Việc thuyền bị cháy mở ra nhiều giả thiết nghiên cứu hấp dẫn. Chiếc thuyền có thể đã bị cháy do xung đột, thiên tai, hoặc trong một nghi lễ hiến tế nào đó trước khi bị chìm dưới nước. Dấu vết cháy cho thấy một câu chuyện lịch sử phức tạp và đầy bí ẩn gắn liền với số phận của di tích đặc biệt này.
Thuyền song thân độc nhất vô nhị
Hai chiếc thuyền cổ này, dài hơn 16m, rộng 2,25m và sâu trên 2m, có kết cấu đặc biệt: phần đáy là thân cây gỗ lớn khoét rỗng, phía trên ghép ván bằng kỹ thuật mộng và chốt gỗ, hoàn toàn không sử dụng đinh kim loại.
 |
Toàn cảnh hai thuyền cổ được phát hiện và khai quật. |
PGS.TS. Bùi Minh Trí (Viện Khảo cổ học) đánh giá, việc phát hiện một cặp thuyền nối liền bằng hệ thống thanh dầm cố định, tạo thành một khối đồng nhất, là điều chưa từng có trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. “Đây là lần đầu tiên chúng ta tìm thấy một cặp thuyền song thân với kỹ thuật chế tác hoàn toàn đặc biệt. Không chỉ Việt Nam, trên thế giới cũng chưa từng ghi nhận thuyền cổ có kết cấu nối như vậy”.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng đây là con thuyền độc nhất vô nhị trên thế giới không có cái thứ hai. Thuyền có thể cùng kiểu nhưng cấu trúc và việc sử dụng đinh gỗ, kết cấu đấu nối đầu mũi, kết cấu nối giữa thân độc mộc và phần ván bửng ở đầu, đuôi – những cái đó thế giới không có.
Những câu hỏi bỏ ngỏ
Phát hiện dấu tích cháy khiến các nhà nghiên cứu đặt ra nhiều giả thuyết: Liệu chiếc thuyền từng bị hủy hoại do chiến tranh, thiên tai hay sự cố sinh hoạt? Hay nó bị cố tình đốt bỏ trong một nghi thức nào đó, rồi bị dòng nước cuốn vùi sâu dưới đáy ao?
PGS.TS. Bùi Minh Trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu địa tầng và không gian xung quanh nơi phát hiện thuyền:
“Cần giải mã mối liên hệ giữa chiếc thuyền bị bỏ lại và hệ thống quần cư, hệ thống giao thương cổ của khu vực sông Dâu, vốn từng kết nối Luy Lâu với Thăng Long xưa”.
Bên cạnh đó, việc chờ đợi kết quả phân tích carbon phóng xạ C14 cũng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xác định niên đại chính xác của hai chiếc thuyền, làm cơ sở để giải mã thêm các bí ẩn lịch sử.
Một di sản quý giá
Từ khi được phát hiện vào cuối năm 2024 trong quá trình cải tạo ao cá của ông Nguyễn Văn Chiến (khu phố Công Hà), hai chiếc thuyền cổ đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ trong nước và quốc tế.
 |
Các thanh gỗ trong mạn thuyền được phát hiện tại Bắc Ninh. |
Không chỉ là bằng chứng sinh động về kỹ thuật đóng thuyền cổ đại, hai chiếc thuyền còn mở ra những cánh cửa mới trong việc nghiên cứu hoạt động giao thương, sinh hoạt và kỹ nghệ thủ công của cư dân đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Dấu tích cháy – những vệt than âm ỉ giữa lịch sử – nay lại thêm một lần nữa gợi lên câu hỏi, thúc giục các nhà nghiên cứu kiên trì giải mã để làm sáng tỏ câu chuyện của một di vật kỳ vĩ, gắn liền với dòng chảy văn hóa Việt từ ngàn năm trước.
Trần Liên