Nếu một người phụ nữ muốn có được địa vị bình đẳng với chồng, người đó bắt buộc phải là thê (vợ cả, chính thất). Nếu là thiếp (vợ lẽ) thì chỉ là “một nửa chủ nhân” mà thôi.
Thê là gì? Thiếp là gì?
Thê là người được thông qua các lễ nghi cưới hỏi chính thức, được dùng kiệu 8 người khiêng rước về bằng cửa chính. Nếu gia cảnh của vợ và chồng tương đương nhau thì được coi là môn đăng hộ đối. Ví dụ như trong “Hồng lâu mộng”, Giả Mẫu là con gái của Bảo Linh Hầu, chồng bà là Giả Đại Thiện, con trai của Vinh Quốc Công. Sau khi cha ông mất, ông kế thừa tước vị Vinh Quốc Công. Giả Mẫu và Giả Đại Thiện là một cặp vợ chồng môn đăng hộ đối. Con cháu lần lượt thành gia lập nghiệp, Giả Mẫu trở thành Lão Phong Quân. Là người phụ nữ có địa vị tôn quý nhất.
Thê có phân biệt đích thê (chính thất) và điền phòng
Đích thê chính là người vợ đầu tiên của chồng, là nữ chủ nhân của gia đình, nắm quyền quản lý, quán xuyến trong gia đình. Đương nhiên, các thiếp (vợ lẽ) cũng thuộc quản lý của thê. Điền phòng tức là người vợ khác sau khi người vợ đầu tiên qua đời, còn được gọi là kế thê, kế huyền. Xuất thân gia cảnh của điền phòng thông thường sẽ thấp hơn đích thê một chút. Điền phòng cũng là nữ chủ nhân của gia đình. Ví dụ như Hình phu nhân trong “Hồng lâu mộng” chính là điền phòng của Giả Xá. Long Thị là điền phòng của Giả Trân. Khi kết hôn, thê sẽ mang tới một khoản hồi môn rất lớn.
Thiếp thường là những người phụ nữ được mua về bằng tiền, họ không có hồi môn
Nguồn gốc của thiếp có nhiều kiểu như dùng tiền để mua trong “Hồng lâu mộng” từng đề cập, tiểu thiếp Yên Hồng của Giả Xá chính là người được mua về với 200 lượng bạc. Hoặc thiếp còn được cha mẹ, họ hàng, bạn bè, đồng liêu tặng cho. Tương truyền, Tô Thức thời Tống từng đem tiểu thiếp của mình tặng cho người khác.
Thôi Giao đã viết một bài thơ tặng cho người con gái mà mình yêu:
"Công tử vương tôn trục hậu trần
Lục châu thùy lệ tích la cân.
Hầu môn nhất nhập thâm như hải
Tòng thử tiêu lang thị lộ nhân".
Vị tú tài nghèo Thôi Giao sống ở nhà cô ruột để đi học, trong khoảng thời gian đó đã phải lòng một tỳ nữ xinh đẹp trong nhà cô mình. Nhưng tình yêu của họ là bí mật. Cô chàng không hề biết về suy nghĩ của cháu mình thế nên đã tặng tỳ nữ này cho Thích sứ Tương Châu là Vu Địch làm vợ lẽ. Vì thế Thôi Giao đã viết “Tặng khứ tì”. Vu Địch đọc xong, nghe được câu chuyện của tài tử và vợ lẽ của mình đã cảm động vô cùng. Vu Địch bèn tặng vợ lẽ của mình cho Thôi Giao, còn tặng cho không ít vàng bạc và hồi môn.
Vậy nên, nếu là thiếp thì sẽ không có tự do, có thể bị bán hay đem đi tặng một cách tùy tiện. Ngoài ra, thiếp còn có thể là tỳ nữ trong nhà. Nếu người chồng thích một tỳ nữ nào đó trong nhà mình sẽ có thể bắt họ làm nha đầu thông phòng (chuyên phục vụ nhu cầu sinh lý) hoặc làm thiếp. Địa vị của nha hoàn thông phòng thấp hơn cả tiểu thiếp, vì vẫn là phận nô tài.
Thời cổ đại nạp thiếp chỉ cần dùng một chiếc kiệu nhỏ đi vào bằng cửa sau là xong chuyện. Không có hôn lễ long trọng, không được mặc áo tân nương màu đỏ, nhà mẹ đẻ của tiểu thiếp cũng không phải là họ hàng thân thích của người chồng. Cha mẹ, anh chị em của tiểu thiếp đều không phải là người bề trên của con cái của tiểu thiếp. Chỉ có người nhà mẹ đẻ của đích mẫu (vợ cả) mới là bề trên của các con thứ (con của vợ lẽ).
Trong “Hồng lâu mộng”, Triệu Di Nương là mẹ ruột của Giả Hoàn, anh em và cháu trai của Triệu Di Nương đều là người hầu, phận nô tài của Giả Hoàn. Chỉ cần Giả Hoàn có mặt thì họ đều sẽ phải cung kính đứng một bên nghênh đón hầu hạ. Thám Xuân chỉ nhận anh trai Vương Tử Đằng của đích mẫu Vương Phu Nhân làm cậu, không hề nhận anh em Triệu Quốc Cơ của mẹ ruột làm cậu mình.
Thê thiếp phân biệt đẳng cấp nghiêm ngặt, người chồng không được sủng thiếp mà bỏ thê
Thê chiếm địa vị thống trị. Thê là nữ chủ nhân của gia đình, quản lý mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình. Còn thiếp tuy được coi là bậc chủ, nhưng cũng chỉ là một nửa, nửa còn lại là thân phận nô tài, cần phải phục tùng chồng, thê và con cái. Ví dụ trong “Hồng lâu mộng”, Triệu Di Nương là thiếp của Giả Chính, bà cần hầu hạ Vương Phu Nhân, Giả Chính. Giả Bảo Ngọc tới thì Triệu Di Nương cũng cần phải hầu hạ thiếu gia này. Cấp bậc thê thiếp trong thời cổ đại vô cùng khắt khe, người chồng không thể sủng thiếp mà bỏ thê, nếu không thì sẽ bị phạt.
Trong cuốn “Tuyển tập các điều luật thời Minh” có viết: “Cứ là người coi thê là thiếp, phạt 100 trượng, coi thiếp là thê phạt 90 trượng và cải chính. Nếu như có thê mà lấy thê khác cũng phạt 90 trượng, ly dị. Chỉ những ai 40 tuổi trở lên không có con trai mới được nạp thiếp. Kẻ nào vi phạm thì phạt 40 trượng”. Điều luật này nhằm tránh việc mất trật tự cấp bậc thê thiếp. Thiếp không có tư cách trở thành thê. Cả đời đều là một nửa nô tài. Thê của Tô Thức qua đời nhưng thiếp của ông vẫn chỉ là thiếp, không được chuyển thành thê.
Chỉ có làm thê mới có tư cách có con
Chỉ có thê tử mới xứng làm mẹ, mới có tư cách có con. Con mình sinh ra là con mình, con do thiếp sinh ra cũng là con của thê. Con trai hay con gái do thiếp sinh đều là con của thê, chẳng qua bị gọi là con trai thứ, con gái thứ mà thôi. Họ gọi mẹ ruột của mình là di nương, không được gọi là mẫu thân.
Trong thời cổ đại, nếu như phụ nữ muốn được người khác tôn trọng, muốn làm chủ gia đình, về già được hưởng phúc phận con cháu đầy đàn thì chỉ có thể làm thê, không được làm thiếp. Nếu như người chồng có bản lĩnh, làm quan có chức tước, người được phong hiệu kèm theo chỉ có thể là thê, không thể là thiếp. Nếu như con thứ có tài, có thể giành được phong hiệu cho mẹ thì người được nhận phong hiệu chỉ có thể là đích mẫu, không thể là mẹ ruột của mình.
Làm thiếp cả đời không ngẩng đầu lên được. Cả đời không có được quyền làm chủ gia đình, con cái là chủ, còn mình chỉ là nô tài. Nếu như phụ nữ làm thiếp, con cái cũng bị thấp hơn người khác một bậc. Con thứ thành thân cũng không được gả vào nhà tốt như con đích. Vì có những con đích của các gia đình không muốn lấy con thứ của nhà khác.
Theo Vũ Phong/Bảo Vệ Công Lý