|
Thầy Tuyến là giáo viên giỏi cấp huyện. |
Vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, thầy gắn bó với nghề giáo viên mầm non tại vùng quê còn nhiều khó khăn này.
Yêu nghề của mẹ
Cô Đặng Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Viên chia sẻ, giáo viên mầm non có nhiều khó khăn, vất vả bởi nghề đặc thù chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Nhiều cô mới ra trường chưa lập gia đình cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong quá trình giáo dục trẻ. Vậy mà, gần 10 năm trong nghề lại là những trải nghiệm tuyệt vời để thầy Tuyến cống hiến sức trẻ và thể hiện tài năng của một nam giáo viên với việc chăm sóc trẻ mầm non.
Thầy Vũ Văn Tuyến (sinh năm 1991) từ nhỏ đã chứng kiến những vất vả, hy sinh của mẹ với nghề “trồng người”. “Tôi yêu nghề của mẹ, ban đầu là vì tình yêu với người sinh ra mình. Mẹ là thần tượng của tôi - một cô giáo mầm non dịu hiền, cần mẫn. Hơn nữa, nghề giáo là nghề cao quý, được nhiều phụ huynh tin yêu, ngưỡng mộ. Vì thế, tình yêu nghề dạy học đã hun đúc trong tôi từ ngày bé thơ và đến khi ngồi trên ghế trường THPT tôi đã quyết tâm theo nghề giáo”, thầy Tuyến chia sẻ.
Việc chọn làm giáo viên mầm non khiến chàng trai quê An Lão trăn trở nhiều đêm, bởi gia đình và bạn bè đều tham gia góp ý, định hướng thầy chọn lựa nghề nghiệp khác phù hợp hơn. Rất hiếm giáo viên nam chọn dạy ở bậc mầm non. Sau đó, thầy Tuyến quyết định cần có môi trường thử sức mình, cũng là thêm thời gian để nuôi dưỡng đam mê. Thầy theo học nghề nấu ăn và xin công tác tại trường mầm non.
Trong quãng thời gian ngắn gần gũi với trẻ, làm quen với môi trường mầm non, thầy cho rằng lựa chọn của mình là phù hợp và đăng kí theo học ngành Giáo dục mầm non để được đứng lớp. Hoàn thành khóa học, thầy thi viên chức và chuyển công tác về Trường Mầm non Tân Viên từ tháng 4/2014.
|
Thầy Tuyến dạy học sinh cách vệ sinh cá nhân. |
Những ngày đầu công tác, thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn. Thầy chia sẻ, với thiên chức làm mẹ, phụ nữ chăm con sẽ tốt hơn người cha. Cô giáo mầm non cũng sẽ chăm sóc trẻ khéo léo, tỉ mỉ, chu đáo hơn đồng nghiệp nam. Nhưng xác định được khó khăn với nghề, thầy không quản ngại và làm tốt việc giáo dục trẻ. “Tâm lý e ngại, những ánh nhìn đầu tiên không thiện cảm của phụ huynh làm tôi chạnh lòng rất nhiều”, thầy Tuyến tâm sự.
Đó cũng là chia sẻ của cô Hiệu trưởng Đặng Thị Nguyệt khi phân công thầy Tuyến đứng lớp. Cô Nguyệt cho rằng, nhiều phụ huynh băn khoăn chuyện trẻ mầm non chưa chủ động vệ sinh cá nhân, nhất là lớp có nhiều bé gái, nên trao gửi con cả ngày cho thầy giáo, cha mẹ không an tâm.
Thậm chí, thời gian đầu, có nhiều phụ huynh kiên quyết không gửi con ở lớp có thầy giáo. Nhưng để hài hòa công tác chuyên môn, nhà trường luôn khéo léo, linh hoạt trong xếp lớp. Lớp có 2 giáo viên, vì thế song hành cùng thầy Tuyến sẽ có nữ giáo viên.
|
Thầy Tuyến nỗ lực mang đến những gì tốt nhất cho “đàn con thơ”. |
Dành trọn yêu thương
Qua quá trình công tác, thầy Tuyến chứng minh được năng lực và tình yêu trẻ của mình. Thầy không những hát hay, múa dẻo, năng động trong các phong trào của lớp, của trường, mà còn dạy dỗ, chăm sóc các trò rất chu đáo. Đặc biệt, thầy Tuyến có khả năng giáo dục trẻ đặc biệt.
Nhiều em khi mới đi học không biết nói, chưa làm chủ được hành vi, ngoài giờ tương tác cùng các bạn trong lớp, thầy Tuyến dành thêm thời gian dạy dỗ các con. Giờ ngủ trưa, với những học sinh nam, thầy thường vỗ về thậm chí ôm trò ngủ cho trọn giấc.
Thầy Tuyến chia sẻ rằng, trẻ rất vô tư, trong sáng và chỉ cần nhìn các con chơi đùa, chạy nhảy là thầy thấy vui, hạnh phúc. Vì thế, khi đón tay các cháu chậm phát triển năng lực hành vi và vận động, thầy luôn có cách giáo dục, chăm sóc riêng, đồng thời bản thân tự học về cách giáo dục trẻ đặc biệt, tham gia nhiều diễn đàn để tích luỹ kinh nghiệm.
Trong gần 10 năm công tác, thầy Tuyến có nhiều kỷ niệm vui buồn với nghề. Nhưng điều thầy thấy ấm lòng nhất đó là sự tin yêu, trao gửi con em từ phía phụ huynh. Không còn những ánh mắt dò xét, nghi hoặc mà thay vào đó là sự cởi mở, chân thành, thậm chí nhiều phụ huynh lên tận phòng hiệu trưởng đề nghị xin cho con vào lớp thầy Tuyến.
|
Lớp học của thầy Tuyến. |
Thầy Tuyến kể lại, kỉ niệm mà thầy nhớ nhất là có một học sinh tự kỷ, con không có phản xạ nghe nói. Khi phụ huynh xin vào lớp, thầy Tuyến đón trò bằng tình cảm chân thành. Ban đầu là một đứa trẻ không có nhận thức hành vi, dần dần thầy đã huấn luyện, kèm dạy bé biết tương tác bằng ánh nhìn. 4 tuổi con đã biết gọi “thầy ơi”. Tiếng gọi đầu tiên phát ra từ bé làm thầy Tuyến mừng rơi nước mắt. Thấy con dần tiến bộ, phụ huynh rất phấn khởi. Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh tìm đến thầy nhờ kèm cặp con em.
Là trường học ở nông thôn, điều kiện giáo dục còn khó khăn, nhất là đồng lương của giáo viên mầm non rất thấp, nhiều cô giáo chọn ngã rẽ nghề nghiệp để đảm bảo cuộc sống. Thầy Tuyến tâm sự rằng, đã từng có người hỏi thầy về việc chọn lựa lại nghề nghiệp cho bản thân. Trước những câu hỏi đó thầy vẫn cười một cách tự tin rằng “nghề tôi chọn là nghề giáo viên mầm non”.
Đến nay đã ngoài 30 tuổi nhưng thầy giáo chưa lập gia đình riêng. Thầy giáo trẻ cho hay, bản thân thầy muốn dành thêm thời gian phấn đấu cho sự nghiệp và chăm sóc “đàn con thơ” của thầy ở trường. Trong nhiều năm học, thầy Tuyến là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện và có nhiều sáng tạo trong giáo dục, chăm sóc trẻ.
Là thầy giáo dạy mầm non thì sự khéo léo không thể bằng các cô giáo. Nhất là theo thời gian, càng lớn tuổi thì phản ứng vận động của người giáo viên không được nhanh nhẹn, nhưng tôi tin bằng tình yêu nghề các thầy cô sẽ có những đóng góp quý báu cho sự phát triển của nhà trường, của ngành Giáo dục. - Thầy Vũ Văn Tuyến
Theo Nguyễn Dịu/Giáo dục Thời đại