Vui buồn thầy giáo mầm non: Thầy giáo Tày dỗ trẻ Mông

Google News

Nhiều điểm trường mầm non tại các tỉnh miền núi phía Bắc giáo viên nữ không bám trụ nổi nên phải dùng giáo viên nam đứng lớp

Nhiều điểm trường mầm non tại các tỉnh miền núi phía Bắc giáo viên nữ không bám trụ nổi nên phải dùng giáo viên nam đứng lớp. Việc dỗ trẻ của các đấng mày râu có nhiều chuyện vui nhưng cũng lắm nỗi buồn...

Cách đây tròn 1 năm, tôi được cùng thầy giáo người Tày Nông Văn Long đi nhận lớp mầm non ở Điểm trường Sán Xoáy, xã Thái Sơn huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Thầy Long ước mơ được làm giáo viên mầm non từ nhỏ.

Lớp mầm non của các thầy Lò Văn Xanh và Tống Văn Lân ở bản Nhóm Pó.
Giờ lên lớp đầu tiên

Không nói ra nhưng mọi người đều hồi hộp, liệu thầy có dỗ được trẻ, liệu phụ huynh có cho con em đến học… Buổi lên lớp đầu tiên của thầy Long được thực hiện ngay trong phòng ở của 2 thầy giáo ở Điểm trường Sán Xoáy.

Căn phòng tạm bằng tre nứa, làm theo kiểu “giường một bên và bếp một bên”. Mọi thứ được dọn tạm để lấy không gian cho thầy Long bắt đầu cái nghiệp dỗ trẻ. Hơn 20 đứa trẻ người Mông của bản đến lớp, người lớn trong bản cũng đến rất đông để xem… thầy giáo Tày dỗ trẻ.

Thầy Long bắt đầu buổi học bằng việc mang ra chậu nước ấm rửa mặt, rửa chân tay cho từng cháu. Phần lớn chúng thích, nhưng cũng có đứa khóc thét lên, rồi 3 đứa… cùng khóc. Đứng xem, chúng tôi thực sự hoảng, tiếng Mông của trẻ, thầy chưa biết, nếu cả hai chục cháu mà cất “đồng ca” không hiểu sẽ thế nào? Thầy Long bế 2 tay 2 cháu, cháu kia đặt lên lòng, “dịu dàng” rung nhẹ, phụ huynh bên ngoài xuýt xoa, chỉ trỏ.

Tiếng khóc tan đi cũng là lúc người lớn không bám lấy cửa xem thầy nữa mà cầm cuốc xẻng ra san đất để dựng phòng học mới cho lớp mầm non. Trong lớp bắt đầu bi bô những tiếng hát đầu tiên “bà ơi bà cháu yêu bà lắm”.

Giờ ra chơi, chúng tôi mới thấy trong cái se lạnh của vùng núi cao hơn ngàn mét những ngày đầu đông mà lưng áo thầy ướt đẫm. Cuối buổi học, nền lớp cũng được san xong, ông trưởng bản xoa tay hứa ngày mai sẽ có lớp mới...

Năm dạy trẻ đầu tiên của thầy giáo Tày tại lớp mầm non trên bản Sán Xoáy đã qua. Trong lứa học sinh đầu tiên đã có 5 cháu rời thầy để vào lớp 1. Các cháu đã biết mặt những con chữ, con số đầu tiên, biết bập bẹ tiếng phổ thông, biết cách vào lớp ngồi học.

Với các thầy tiểu học ở điểm bản này, việc dạy lứa học sinh này sẽ đỡ vất vả rất nhiều, bởi cái sự “vật nhau buổi ban đầu” đã có thầy mầm non làm cho.

3 “thầy” mầm non ở Nhóm Pó

Bản Nhóm Pó của người La Hủ, nơi xa nhất, khó khăn nhất trong vùng Bắc Ka Lăng thuộc xã Tá Bạ (huyện Mường Tè, Lai Châu) có một ngôi nhà sàn. Chủ nhân của nó là Chờ Lỳ Po và 2 thầy giáo mầm non, là Tống Văn Lân và Lò Văn Xanh. Chờ Lỳ Po bị câm điếc bẩm sinh, năm nay đã gần 30 tuổi, chưa có vợ, nhưng… rất thích trẻ con. Ở bản rất ít ai nhớ tên Po, thường người ta gọi anh là anh Câm.

Anh Câm thuộc vào loại khéo tay, ngôi nhà sàn do anh tự dựng, không ai bày. Anh đi làm thuê ở bản người Thái, thấy cái nhà sàn hay hay, xem rồi học lấy về dựng ngôi nhà sàn cho mình.

Những lúc rỗi, anh Câm thường lặng đứng ngoài cửa lớp xem các thầy dạy học, thầy nào nhờ việc gì là sốt sắng làm ngay, làm vui vẻ như trẻ được quà. Đợt các thầy giáo vào bản Nhóm Pó mở lớp mầm non, anh Câm giúp từ việc đi vận động trẻ, dựng lớp, việc gì cũng tận tình.

Với các thầy giáo mầm non, anh có một cái gì đó hơn cả lòng nhiệt tình, như sự ngưỡng mộ. Các thầy chưa có phòng ở, anh mời các thầy về ngôi nhà sàn của mình để ở. Đã hơn 4 năm qua, ngôi nhà ấy thành trụ sở của các thầy cô giáo mầm non ở bản. Không ai nghĩ đến việc dựng riêng một ngôi nhà để ở nữa, thầy Lân bảo “ở riêng ra chắc anh ấy buồn lắm”.

Lớp mầm non ở Nhóm Pó đã mấy lần đưa các cô giáo vào dạy, nhưng rồi đều phải rút về, do điều kiện ở đây khó khăn quá, nhất là đường đi. Lúc khỏe còn đỡ, lúc ốm đau thì… kinh khủng. Năm 2011, thầy Lò Văn Xanh bị sốt rét đúng dịp cuối tuần, các thầy khác đã ra trường chính.

Hôm ấy, anh Câm cõng, kéo, đẩy thầy thầy Xanh suốt cả một ngày ròng để về Tá Bạ cấp cứu kịp. Sau ngày ấy, vợ chồng thầy Xanh coi anh Câm như người anh ruột. Cô Bùi Thị Cúc - Hiệu phó Trường Mầm non Tá Bạ - nói đùa: “Điểm trường Nhóm Pó có 3 thầy, thầy Lân, thầy Xanh và thầy... Câm”.

Buổi lên lớp, thầy Lân, thầy Xanh dạy, dỗ trẻ bên trong, còn “thầy” Câm loay hoay bên ngoài làm các việc phụ, từ đi gọi thêm trẻ thiếu, lấy thùng nước cho các cháu, và nếu cần cũng xoắn vào bế lấy cháu nào khóc, nựng nựng, như nựng con mình. Ngày nghỉ, anh Câm lại băng rừng ra Tá Bạ cùng các thầy gùi lương thực, thực phẩm, sách vở... cho cả tuần dạy học y như giáo viên.

Bà Lý Mỹ Ly - Phó phòng GDĐT huyện Mường Tè cho biết: Rất cần giáo viên nam cho những lớp mầm non tại các điểm bản cực kỳ khó khăn, huyện đã có 25 thầy giáo như vậy. Thực tế, các thầy dạy khá tốt, có thầy là giáo viên dạy giỏi, đã có thầy là hiệu trưởng, hiệu phó của trường.

Theo Xuân Trường
Dân Việt

[links()]