Điều này không chỉ để chứng minh quyền lực mà còn để thể hiện cái tôi của riêng bản thân họ.
Thái giám thời cổ đại là một quần thể vô cùng đặc biệt, họ thông qua việc bị hoạn sau đó vào cung hầu hạ hoàng đế và các thành viên trong hoàng gia, không còn hy vọng gì vào việc sinh con đẻ cái. Nhưng trong quá khứ, việc thái giám kết hôn cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Và nổi tiếng nhất chính là Đại Thái giám An Đức Hải trong cuối thời Thanh. Đã bị hoạn và trở thành thái giám rồi, kết hôn dường như là việc vô cùng hoang đường nhưng trên thực tế cũng chưa hẳn đã vậy. Vì việc thái giám kết hôn không phải là để có con, mà nguyên nhân chính là để giữ thể diện của chính mình, để có người hầu hạ mình mà thôi.
Các hoạn quan thời Tiên Tần không hẳn đều là những người đã bị hoạn. Trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, vương cung của các nước chư hầu đều có rất nhiều người có xuất thân thấp kém, nhưng không hề có những người đàn ông đã từng bị hoạn vào cung hầu hạ. Triều Tần và Tây Hán cũng vậy. Theo ghi chép trong “Hậu Hán Thư”, cho tới thời của vua Đông Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú đã hạ lệnh, từ đó các hoạn quan trong cung đều phải là những người đã bị hoạn, sau này đã sử dụng từ "hoạn quan" lẫn với “thái giám”. Cả hai dần dần trở thành từ để chỉ những người đàn ông đã bị hoạn, sau đó vào cung hầu hạ. Từ đó về sau, trong hàng trăm năm phát triển, tới thời kỳ Tùy Đường sau này, chế độ hoạn quan đã vô cùng hoàn thiện. Khi ấy, trong cung đình đã xuất hiện cơ quan chuyên môn vô cùng to lớn và chuyên nghiệp. Trong thời Đường, thái giám đã trở thành tên gọi dành cho các hoạn quan trong cung đình.
Nhìn bề ngoài, từ khi bắt đầu sinh ra, hoạn quan đã không phải là người cao quý gì, thậm chí có thể nói là cực kỳ thấp kém. Họ không chỉ là nô dịch làm việc trong cung đình mà còn bị ép phải bỏ đi cơ quan sinh sản, mất đi khả năng sinh sản và tôn nghiêm của một người đàn ông. Tuy nhiên, thái giám suy cho cùng vẫn là người hầu hạ thân cận với hoàng đế nhất, so với những người khác, họ càng dễ tiếp xúc với hoàng quyền tối thượng. Từ thời Tần đã xuất hiện vô số những thái giám có quyền thế to lớn.
Nhìn tổng quát trong mấy ngàn năm cổ đại Trung Quốc, Đông Hán, thời Đường và thời Minh là 3 thời kỳ phát triển đỉnh cao của thái giám cổ đại. Trong 3 thời kỳ này đã xuất hiện rất nhiều thái giám có quyền lực to lớn, nắm quyền kiểm soát triều đường là chuyện nhỏ, họ thậm chí còn có thể phế truất hoàng đế, kiểm soát thiên hạ. Những thái giám như Cao Lực Sĩ, Lý Phụ Quốc của thời Đường, Vương Chấn, Uông Trực, Ngụy Trung Hiền của triều Minh,… Đây đều là những tâm phúc của hoàng đế cổ đại Trung Quốc, là những người có khả năng hô mưa gọi gió trong triều đình cũng như hậu cung, thế lực của họ trong thời kỳ đó quả thực khiến người ta phải kinh ngạc.
Nhưng thái giám có tài giỏi, ghê gớm đến mấy thì cũng vẫn chỉ là thái giám, họ luôn là những kẻ leo lên từ đáy xã hội, chịu đựng đủ các khổ nạn. Hơn nữa đã trở thành những người không có khả năng sinh sản, vì thế trong tâm lý của họ đa số đều có vấn đề, tràn ngập sự đen tối. Thái giám trong cung đình các triều đại lên đến hàng ngàn hàng vạn người, nhưng số người có thể xuất đầu lộ diện nổi tiếng tứ phương thực sự không nhiều. Sau khi họ có được quyền thế, để cố gắng vớt vát thể diện của mình thì sẽ cố tình làm những việc mà thái giám không làm được như kết hôn.
Theo ghi chép trong “Hậu Hán thư”: “Thường thị hoàng môn diệc quảng thê thú”. “Thường thị hoàng môn” trong câu này tức là hoàn quan, từ thời Hán đã có không ít hoạn quan kết hôn, hơn nữa còn thường lấy rất nhiều thê thiếp chứ không phải là một, hai người. Thái giám Cao Lực Sĩ nổi tiếng thân cận bên cạnh Đường Huyền Tông cũng từng lấy vợ, vợ của ông còn là mỹ nhân nổi tiếng trong thành Trường An. Trước thời Thanh, việc các hoạn quan quyền lực trong các triều đại không còn là chuyện lạ, chỉ cần có thể đạt tới một mức độ nhất định.
Cho tới triều Thanh, từ thời vua Thuận Trị, học hỏi triều Minh, triều Thanh cũng tiến hành ràng buộc nghiêm ngặt đối với thái giám về mọi mặt, việc thái giám kết hôn là việc vô cùng hoang đường. Vì thế việc này vô cùng hiếm trong thời Thanh, hơn nữa còn là một việc vô cùng nguy hiểm. Trong đa số thời gian trong thời cổ đại, tuy thái giám không phải người bình thường, nhưng suy cho cùng họ vẫn là con người, có tình cảm của con người, cảm xúc về mọi mặt đều có, họ sống trong hoàng cung, ngày dài vô tận, cô đơn tột cùng, thế nên cũng khát khao có người kề cận.
Trong cung ngoài hoàng đế ra còn có các phi tần của hoàng đế, những người có thể ở bên kề cận với thái giám cũng chỉ có các cung nữ ở nơi đây. Trước thời Thanh, các cung nữ một khi vào cung cũng gần như không có cơ hội rời khỏi nơi này, vì thế cuộc đời của họ cũng vô cùng thê lương. Về lý thuyết thì cung nữ cũng là người phụ nữ của hoàng đế, nhưng cung nữ thực sự có quá nhiều, đặc biệt là những cung nữ đã lớn tuổi thì không thể nào được hoàng đế để mắt tới, vì thế lúc này họ sẽ tạo mối quan hệ tốt với thái giám.
Nhưng cho dù là xứng đôi vừa lứa, quan hệ giữa cung nữ và thái giám cũng không thể quang minh chính đại được, cho dù mọi người xung quanh đều biết nhưng vẫn phải hết sức kín tiếng, lặng lẽ. Cũng chỉ là cả hai ở bên nhau sống qua ngày, tìm một người bầu bạn cho đỡ buồn chứ không phải là kết hôn. Suy cho cùng, thái giám có thể kết hôn phải là những người được hoàng đế tín nhiệm, trọng dụng và có quyền thế mới có thể làm được. Việc họ kết hôn đương nhiên là vì thể diện, muốn chứng minh cho người ngoài thấy rằng việc mà người đàn ông bình thường làm được họ cũng có thể làm được, cho dù chỉ là vỏ bọc bên ngoài.
Nói một cách tổng thể, thái giám thành thân không phải là để có con cái hay chuyện phòng the, chủ yếu là sau khi có quyền thế, để giữ thể diện của mình trước mặt người ngoài, lấy vợ cũng chỉ là bình phong mà thôi.
Theo Vũ Phong/Bảo Vệ Công Lý