Hoàng thất triều nhà Thanh cực kì coi trọng tổ huấn và di chế, điều này khiến sinh hoạt của các Hoàng đế hầu như không có tự do.
Buổi sáng vào khoảng 4 giờ, hoạn quan sẽ đứng trước cửa phòng của Hoàng đế làm đồng hồ báo thức hình người, hô to: “Đã đến giờ thỉnh giá (tới giờ dậy) rồi!”. Sau ba tiếng hô này, hoàng đế phải thức dậy (nếu Hoàng đế tuổi còn quá nhỏ thì sẽ được phép ngủ thêm một lúc).
Giống với thói quen thức dậy của người Âu Mĩ, các Hoàng đế triều nhà Thanh sau khi thức dậy việc đầu tiên họ làm là tắm rửa. Các hoạn quan sẽ hầu hạ Hoàng đế tắm gội sạch sẽ. Sau khi tắm xong Hoàng đế sẽ dùng một vài món ăn vặt như tổ yến chưng đường phèn các thứ.
Sau khi mặc triều phục vào, Hoàng đế sẽ được bốn người hầu mở đường, các thái giám sẽ đi theo xung quanh xe ngựa bước vào thời gian làm việc.
Có thể nói lâm triều là thứ làm các Hoàng đế đau đầu nhất, nhất là vào mùa đông, bởi vì điện Thái Hoà rất lớn, nên nhiệt độ bên trong khá là thấp, ngoài trừ bên cạnh Hoàng đế được đặt một cái lò sưởi thì các nơi khác đều trống trơn. Cho nên khi một vị quan có thể lên làm Đại thần, việc đầu tiên ông ta làm là mua cho mình một cái áo khoác lông chồn để chống lạnh.
Ở đây phải nhắc tới một chuyện: Đồn rằng từng có một Đại Học Sĩ làm quan thanh liêm không mua nổi áo khoác lông chồn, khi lâm triều ở điện Thái Hoà bị đông lạnh, trở về thì bệnh nặng, không lâu sau qua đời.
Nếu bây giờ đi tham quan điện Thái Hoà, các bạn sẽ nhìn thấy hai bên Long Ỷ có hai lò sưởi rất to, ai là người đặt nó ở đó? Chính là Viên Thế Khải.
Vậy khi lâm triều, Hoàng đế và các đại thần sẽ làm gì? Kỳ thật đó chỉ là một nghi thức mà thôi, đại đa số là dùng để tiếp kiến các quan viên vừa được sắc phong hoặc đề bạt các quan viên địa phương, các quan viên địa phương không được phép nói chuyện trực tiếp với Hoàng đế, phải quỳ để giới thiệu lý lịch và tổ tiên ba đời nhà mình, sau đó lui xuống.
Những vấn đề liên quan tới chính sự hoặc quan trọng sẽ không được thảo luận khi lâm triều.
Chế độ lâm triều này tận khi nhà Thanh diệt vong cũng vẫn còn tồn tại, nó chỉ được ngừng khi gặp ba trường hợp sau đây:
1. Hoàng đế bị bệnh
2. Hoàng đế không ở trong cung (đi Nhiệt Hà hoặc Viên Minh Viên)
3. Toàn quốc chịu tang
So với các vị Hoàng đế triều đại nhà Minh, nào là suốt mấy chục năm không dậy sớm, không lâm triều, ngay cả đại thần nhà mình là ai cũng không biết, thì có thể nói Hoàng đế triều nhà Thanh cực kì "chuyên nghiệp".
Sau khi lâm triều, Hoàng đế sẽ trở về phòng ngủ thêm một lát nữa. Đúng vậy, Hoàng đế có thể ngủ thêm một lát, vì đến 6 giờ sẽ phải dậy tiếp: đi Nam Thư Phòng đọc sách.
Tám giờ sáng, Hoàng đế sẽ dùng bữa sáng, bữa sáng của HoànđĐế phong phú tới cỡ nào? Theo ghi chép vào ngày mười tháng năm năm Càn Long thứ mười chín: một bữa sáng của Hoàng đế bao gồm: chín món ăn nóng (gà hầm, đậu hủ chưng, tổ yến hấp thịt thái sợi, gà quay, thịt viên gói, thịt nai nướng, thịt heo ướp muối, gà nấu cung đình, canh suông), bốn loại dưa muối (cải muối Tô Châu, dưa chuột ngâm xì dầu, rau trộn, cải muối), ba món chính (cơm, bánh màn thầu, bánh hấp). Món ăn thì không ít, nhưng không hề xa hoa như trong tưởng tượng của chúng ta đâu, mãi tới thời Tây Thái Hậu bữa ăn của hoàng tộc mới có hơi xa hoa.
Sau khi dùng xong bữa sáng, Hoàng đế sẽ tiếp tục công việc của mình: Xem tấu chương các tỉnh trình lên, sau khi xem xong Hoàng đế phải phê chỉ thị vào đó, tỷ như “Trẫm là một người đàn ông như vậy đó”, “Trẫm đã biết” (Không khác gì check bưu kiện thời nay đâu), sau đó tấu chương sẽ được đưa tới Sở Quân Cơ. Các đại thần trong sở Quân Cơ và Hoàng đế sẽ bắt đầu kiến khởi, nó không giống việc phê tấu chương bên trên, mà là tương tự với hội nghị nội các ngày nay.
Kiến khởi thời nhà Thanh được quản lý vô cùng nghiêm khắc, tỷ như khi Hoàng đế còn vị thành niên, ngoại trừ các đại thần nhiếp chính, thì những quan lại khác bao gồm của các hoạn quan cũng không được phép tham gia.
Kiến khởi không có thời gian cụ thể, thường thì kéo dài từ mấy giờ tới cả buổi là chuyện thường, trong lúc kiến khởi, quân thần thường sẽ trực tiếp nói chuyện với nhau, không hề giấu nhau bất kì thứ gì. Sau khi kết thúc kiến khởi, Hoàng đế sẽ dùng bữa trưa. Cơm trưa thường sẽ bắt đầu vào lúc 2 – 3 giờ chiều, chủng loại và số lượng không khác gì bữa sáng cả.
Sau khi dùng cơm trưa xong, Hoàng đế sẽ nghỉ trưa khoảng 1 tiếng. Ngủ dậy, Hoàng đế bắt đầu đọc sách, luyện thư pháp, vẽ tranh, xem các trò giải trí, tìm Thái Hậu hoặc phi tử tâm sự, triệu tập các học giả nổi tiếng thảo luận học vấn. Chỉ có vậy thôi à? Đúng vậy, chỉ có như vậy, những hoạt động khác hoàn toàn không được phép. (Những hoạt động như đánh cầu, cưỡi xe đẹp của Phổ Nghi là vào thời Thanh Mạt sau khi ông đã thoái vị).
Tới bữa tối (những tài liệu nói chỉ có bữa sáng và trưa là không chính xác). Bữa tối cũng sẽ như bữa sáng và trưa. Nhưng sẽ Hoàng đế sẽ được uống rượu, dưới sự giám sát của thái giám, khi thấy Hoàng đế uống tới trình độ nhất định, thái giám sẽ nói: “Dừng lại”, hoàng đế sẽ không được phép uống nữa.
Chế độ ăn cơm của Hoàng đế có thể nói là "vô nhân đạo" nhất, ngoại trừ việc ăn chung với Thái Hậu, Hoàng đế không được phép ăn chung với Hoàng hậu hay phi tần. Đương nhiên cũng có ngoại lệ, đó là khi hoàng đế đi tới cung của Hoàng hậu hay phi tần, nhưng tổ chế quy định: khi Hoàng đế giá lâm, Hoàng hậu phải quỳ ở cửa cung nghênh đón, sau khi Hoàng đế vào điện, Hoàng hậu phải thực hiện tam bái cửu khấu (Quỳ xuống ba lần, dập đầu chín lần), cho nên Hoàng đế triều Thanh rất ít khi đi tới cung Hoàng hậu hoặc phi tần dùng bữa.
Trên đây là một ngày sinh hoạt của Hoàng đế, mỗi một lời nói hành động đều cực kì công thức hoá. Họ bị quản lý nghiêm khắc bởi tổ huấn.
Khi không ở hoàng cung mà tới lâm viên hoàng gia, Hoàng đế sẽ có tự do nhất định, không lâm triều cũng không sao, ăn cơm với Hoàng hậu và phi tần cũng được, cho nên Hoàng đế các triều nhà Thanh một khi có cơ hội sẽ lập tức rời cung, tỷ như Khang Hi hay tới hành cung Nhiệt Hà, Càn Long thường tới Viên Minh Hiên, Từ Khê thì thường đi Di Hoà Viên.
Nhưng cho dù là ở hành cung, mỗi ngày kiến khởi vẫn phải được diễn ra, công văn các nơi tấu lên Hoàng đế vẫn phải xem. Quan trọng nhất chính là, nếu Hoàng đế rời cung quá lâu sẽ bị các đại thần khuyên về.
Sau khi xem xong những điều trên, các bạn có ai còn muốn xuyên về thời Thanh làm hoàng đế không?
Ngoài ra lật thẻ khác hẳn những gì diễn ra trong phim, Hoàng đế thường sẽ thông qua các ám chỉ triệu kiến Hoàng hậu, phi tần, chứ không trực tiếp tới tẩm cung của họ. Vậy Hoàng đế sẽ ám chỉ thế nào? Hoàng Đế sẽ ban một phần trong bữa tối của mình cho Hoàng hậu hoặc phi tần.
Ví dụ như ngày mùng sáu tháng bảy năm Càn Long ba mươi tám, sách Khởi cư chú viết: Hoàng đế ban bữa tối cho Thuận Phi, đêm đó, Càn Long đế đón Thuận Phi.
Theo Dân Việt