Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Thanh triều được xem là một vương triều tồn tại không ít ngoại lệ.
Chẳng những chưa từng có hôn quân, triều đại này còn chưa từng ghi nhận hiện tượng hoạn quan chuyên chính hay ngoại thích chuyên quyền, trong khi việc quyền lực bị lũng đoạn bởi thái giám hay gia tộc bên ngoại của nhà vua đã từng có lúc trở thành "chuyện cơm bữa" ở những triều đại trước đó.
Vậy liệu rằng điều gì đã khiến cho thái giám và ngoại thích không có có cửa lộng hành vào thời nhà Thanh?
Ngoại thích chuyên quyền, hoạn quan loạn chính: Vì đâu nên nỗi?
Đầu tiên, cần phải làm rõ những tình huống có khả năng đưa tới tình trạng thái giám loạn chính, ngoại thích chuyên quyền.
Theo Qulishi, có 2 trường hợp trực tiếp dẫn tới hậu quả này, bao gồm:
Thứ nhất, hoàng quyền suy yếu và rơi vào tay tập đoàn quan văn. Hoàng đế lúc này không thể làm gì khác hơn ngoài việc nâng đỡ hoạn quan để ngăn chặn.
Thứ hai, Hoàng đế đăng cơ khi tuổi còn nhỏ, Thái hậu buông rèm nhiếp chính, ngoại thích vì được thiên vị nên mới thừa cơ thâu tóm quyền hành.
Thế nhưng trường hợp thứ nhất không tồn tại trong lịch sử nhà Thanh. Hơn nữa, vương triều này dù đã từng có Thái hậu buông rèm nhiếp chính nhưng lại không hề đưa tới hậu quả ngoại thích lộng hành. Vì sao lại như vậy?
Nguyên nhân khiến hoạn quan không dám lộng quyền vào thời nhà Thanh
Thanh triều là triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Trung Hoa. Thông qua việc tiếp thu kinh nghiệm của các triều đại đi trước, giai cấp thống trị của vương triều này đã xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý thái giám nghiêm khắc và quy củ nhất.
Cũng bởi vậy nên vào thời nhà Thanh, thái giám không chỉ không được xen vào việc triều chính mà còn phải chịu nhiều điều cấm đoán như cấm kết bè kết phái, cấm cấu kết với quan lại, cấm mua sắm đất đai, ngay cả việc đi lại trong cung cũng không được tự tiện. Người vi phạm một khi phát hiện sẽ giết không tha.
Minh chứng tiêu biểu cho sự nghiêm minh đối với tầng lớp hoạn quan của Thanh triều chính là trường hợp của An Đức Hải – thái giám từng được Từ Hi sủng ái một thời.
Năm xưa, An Đức Hải vì phạm phải nhiều tội danh, trên đường phụng mệnh đi tới Giang Nam thì bị Tuần phủ Sơn Đông tố cáo, sau đó lập tức bị bắt tại Sơn Đông và giải về Tế Nam xử tử.
Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, hệ thống chính trị nhà Thanh được xây dựng và sắp xếp chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Đó là củng cố quyền lực cho Hoàng đế.
Đặc biệt là kể từ sau khi Quân Cơ xứ được thành lập, hoàng quyền dường như đã đạt tới đỉnh cao.
Cho nên trong triều khi đó, quần thần đều nhất tề tuân theo mệnh lệnh của Hoàng đế. Vì vậy các hoạn quan càng không có chỗ chen chân để thâu tóm quyền lực.
Ngoài ra, Thanh triều còn sở hữu một "ưu thế" trời ban. Đó chính là nội bộ quan lại tồn tại mâu thuẫn cố hữu, tức mâu thuẫn Mãn - Hán giữa các quan lại gốc Mãn Châu và gốc Hán tộc. Hoàng đế vì vậy hoàn toàn có thể lợi dụng mâu thuẫn này để khống chế quan viên.
Ngoài ra, nhà vua còn có cơ số các nô tài xuất thân Bao y và các quan văn với nhiệm vụ giám thị. Do đó họ hoàn toàn không cần nâng đỡ tập đoàn hoạn quan.
Từng có Thái hậu nắm quyền, Thanh triều vẫn không xuất hiện ngoại thích chuyên chính vì lý do này
Về vấn đề ngoại thích chuyên quyền, các Hoàng đế Thanh triều đa số đều lên ngôi khi đã thành niên, không cần tới Thái hậu buông rèm nhiếp chính, đương nhiên cũng không tồn tại việc họ ngoại thâu tóm quyền lực.
Hơn nữa, Thanh triều cũng tiếp thu kinh nghiệm của các triều đại đi trước, tiến hành quản lý nghiêm khắc đối với hậu cung.
Các phi tần vì vậy mà không được phép cấu kết với quan lại, không được xen vào triều chính. Cho nên hậu cung Thanh triều không có chuyện phi tử can dự chính sự.
Dĩ nhiên, triều đại này vẫn tồn tại hai ngoại lệ hiếm hoi. Đó là trường hợp Hiếu Trang Hoàng Thái hậu thời Khang Hi đế và Từ Hi Thái hậu nắm quyền thời vua Đồng Trị, Quang Tự.
Thế nhưng cũng bởi chịu ảnh hưởng của chế độ quản lý nghiêm khắc ngay từ khi còn ở hậu cung, giai đoạn những vị Thái hậu này nắm quyền cũng không xuất hiện tình trạng thiên vị ngoại thích.
Xuất phát từ những lý do trên, Thanh triều đã trở thành triều đại hiếm hoi trong lịch sử Trung Hoa không có hoạn quan chuyên quyền, cũng không có ngoại thích lũng đoạn triều chính.
Theo Phapluatbandoc