Vị trí thứ năm: Phùng Thắng
Phùng Thắng vốn là người đất Định Viễn, nay thuộc An Huy (Trung Quốc). Sử cũ miêu tả, ông sinh thời vốn yêu thích việc đọc sách, tinh thông binh pháp.
Năm 1387, Phùng Thắng được phong làm Đại tướng quân, cùng Phó Hữu Đức và Lam Ngọc thống lĩnh 200 ngàn binh viễn chinh Liêu Đông, quét sạch thế lực của Nguyên triều ở vùng đất này.
Cũng bởi lập được nhiều công lao trên chiến trường, vị tướng họ Phùng ấy đã được phong làm Tống Quốc công, đứng hàng thứ 3 trong số 8 công thần được trọng vọng nhất thời bấy giờ.
Năm 1393, vụ án Lam Ngọc bị phát giác. Không lâu sau đó, Lam Ngọc bị ban chết, Phùng Thắng cũng bị tố cáo với tội danh bí mật cất giấu binh khí.
Cũng bởi tấm gương những công thần bị nhà vua thanh trừng vẫn còn đó nên ông biết mình trước sau khó tránh khỏi tội chết. Quả nhiên sau khi Lam Ngọc bị giết, Phùng Thắng cũng bị triệu hồi về kinh và bị ban tử hai năm sau đó.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, vị tướng họ Phùng ấy trước lúc qua đời đã mở gia yến tại nhà và đầu độc nữ quyến để tránh khỏi thảm cảnh bị tắm máu.
Vị trí thứ tư: Phó Hữu Đức
Vào cuối thời nhà Nguyên, ông tham gia nghĩa quân của Lưu Phúc Thông, sau về dưới trướng Chu Nguyên Chương và được phong làm Đại tướng.
Ông cùng Từ Đạt đã từng nhiều lần ra bắc phạt Nguyên, lập nhiều công trạng như bình định Cam Túc, thu về Tứ Xuyên, chiếm được Quý Châu, bình định Vân Nam…
Tới thời điểm lập quốc và luận công ban thưởng, Phó Hữu Đức được phong làm Dĩnh Quốc công kiêm Thái tử Thái sư.
Thế nhưng không thoát khỏi thảm cảnh bị thanh trừng như những công thần khai quốc khác, ông cuối cùng vẫn bị ban chết.
Phải tới năm Sùng Trinh thứ 17, tức năm 1644, Phó Hữu Đức mới được truy phong làm Lệ Giang vương, thụy Võ Tĩnh.
Vị trí thứ ba: Từ Đạt
Từ Đạt, người Hào Châu ở đất Chung Ly, nay thuộc Phượng Dương, An Huy (Trung Quốc). Ông tham gia nghĩa quân của Chu Nguyên Chương từ những năm cuối thời nhà Nguyên.
Năm 1367, Từ Đạt dẫn quân tiêu diệt thế lực của Trương Sĩ Thành. Cùng năm đó, ông đảm nhiệm chức Chinh Lỗ Đại tướng quân, cùng Phó tướng Thường Ngộ Xuân bắc phạt Trung Nguyên, lật đổ ách thống trị của Nguyên triều.
Năm 1368, Từ Đạt cùng các tướng quân khác thống lĩnh đại quân đánh vào Bắc Kinh, chính thức tiêu diệt nhà Nguyên.
Sau này, ông vẫn liên tục xuất binh đả kích các thế lực tàn dư còn sót lại của Nguyên triều trong suốt nhiều năm, đồng thời làm quan tới chức Thái phó, Trung Thư Hữu Thừa tướng kiêm Thái tử Thiếu phó, được phong làm Ngụy quốc công.
Sinh thời, Từ Đạt được đánh giá là người hành sự cẩn thận, giỏi về trị quân, cả đời nhung mã đã lập được nhiều chiến công bất hủ.
Tới năm 1385, ông được phong làm Trung Sơn quận vương, hậu duệ ba đời đều được hưởng tước này.
Mặc dù không bị Minh Thái Tổ công khai thanh trừng, tuy nhiên cái chết của Từ Đạt đã làm dấy lên nhiều nghi vấn.
Tương truyền rằng vào năm 1385, ông lâm bệnh nặng, đại phu căn dặn rằng phải kiêng món ngỗng. Thế nhưng Chu Nguyên Chương đã cố tình sai người đem một con ngỗng quay đến cho Từ Đạt và buộc ông ăn hết.
Cũng theo giai thoại này, Từ Đạt khi nhìn thấy món ngỗng thì đã hiểu ý nhà vua, liền uống thuốc độc tự sát và qua đời ở tuổi 54.
Vị trí thứ hai: Thường Ngộ Xuân
Năm Chí Chính thứ 15 dưới thời Nguyên Thuận Đế, ông quy thuận Chu Nguyên Chương, theo nghĩa quân tung hoành khắp thiên hạ.
Sau khi lập quốc, Thường Ngộ Xuân làm quan tới chức Trung Sách Bình Chương quân kiêm Thái tử Thiếu bảo, được phong làm Ngạc Quốc công. Chỉ tiếc rằng tới năm Hồng Vũ thứ hai, ông đã đột tử ở tuổi 40 khi đang trên đường hành quân.
Có ý kiến cho rằng, cũng bởi Thường Ngộ Xuân qua đời khi còn đương độ tráng niên, lại ở vào thời kỳ Minh Thái Tổ chưa bắt đầu tru diệt công thần nên mới may mắn thoát khỏi kết cục bi thảm.
Ông cũng là một trong 9 nhân vật thời nhà Minh được thờ phụng tại Đế vương miếu thời Minh Thanh – nơi hương khói cho những vị quan văn, quan võ được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.
Vị trí thứ nhất: Lam Ngọc
Lam Ngọc sinh ra tại đất Định Viễn, nay thuộc An Huy, từng là một bộ tướng của Đại tướng quân Thường Ngộ Xuân.
Sử cũ miêu tả, ông sinh thời hữu dũng hữu mưu, dũng cảm thiện chiến, nhiều lần lập được đại công, từng đại phá quân Nguyên, danh chấn thiên hạ, có công quét sạch hoàn toàn sự uy hiếp của Bắc Nguyên đối với cơ nghiệp Minh triều ở buổi đầu lập quốc.
Năm 1379, Lam Ngọc được phong làm Vĩnh Xương Hầu. Tới năm 1387, ông đảm nhiệm chức Chinh Lỗ Đại tướng quân và hưởng tước Lãnh Quốc công chỉ một năm sau đó.
Được xem là khai quốc công thần sáng giá nhất của Minh triều, những tưởng sự nghiệp chốn quan trường của Lam Ngọc sẽ thuận lợi thăng tiến, con cháu cũng đời đời hưởng vinh hoa phú quý. Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng bi kịch lại ập tới với gia tộc của ông chỉ vài năm sau khi được phong tước..
Tháng 2 âm lịch năm 1393, Lam Ngọc bị Cẩm Y vệ tố cáo tội mưu phản. Ngay sau đó, Minh Thái Tổ đã cho người lục soát nhà ông và tìm thấy chứng cứ là một vạn thanh Oa đao.
Coi đó là cái cớ chứng minh Lam Ngọc đem lòng phản trắc, Chu Nguyên Chương đã lập tức hạ lệnh xử tử ông, đồng thời còn tru di ba họ, tịch thu toàn bộ gia sản, ruộng đất.
Vụ án thảm khốc của Lam Ngọc vào năm đó còn liên tới tới hơn 1 vạn 5000 người, trong đó có 12 vị hầu tước và 2 bá tước. Tất cả những người có liên quan đều bị hành quyết chung với gia tộc họ Lam.
Vụ án này sau đó được biết tới với tên gọi "Lam Ngọc án" và trở thành một trong bốn vụ đại án khét tiếng đẫm máu dưới thời Chu Nguyên Chương tại vị.
Từ những minh chứng trên đây, có thể thấy rằng hầu hết những viên hổ tướng của Minh triều đều phải chịu kết cục hết sức đẫm máu.
Nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của họ là do tội danh có thật hay do âm mưu thanh trừng của giai cấp thống trị cho tới nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Thế nhưng sự ra đi của những viên hổ tướng đời đầu ấy thực tế chẳng khiến cho đế nghiệp của họ Chu được thêm phần vững chắc mà còn trở thành căn nguyên khiến vương triều này lại phải chứng kiến một cuộc gió tanh mưa máu xảy ra sau khi Chu Nguyên Chương qua đời.
Năm xưa khi cháu trai Kiến Văn đế Chu Doãn Văn được Chu Nguyên Chương truyền ngôi, Yên vương Chu Đệ đã nổi dậy soán vị. Vì Thái Tổ trước đó đã giết sạch những võ tướng có tài cầm quân, triều đình chẳng còn lại ai có thể so sánh với Chu Đệ khi đó.
Cũng bởi vậy mà Chu Đệ đã nhiều lần lấy ít địch nhiều, nhanh chóng đánh bại quân triều đình. Kết quả là thành Bắc Kinh năm ấy chìm trong cảnh binh đao, còn Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn cũng mất tích một cách bí ẩn trong biển lửa nhuộm đỏ kinh thành năm đó…
Theo Khỏe & Đẹp