Nhắc đến Triệu Vân hay Triệu Tử Long, nhiều độc giả của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa sẽ nhớ ngay tới chiến tích Triệu Vân đại phá quân Tào cứu Ấu chúa (Lưu Thiện). Năm 208, Tào Tháo đánh xuống phương Nam, truy đuổi Lưu Bị ở Đương Dương, Tràng Bản, Lưu Bị phải bỏ cả vợ con tháo chạy. Triệu Vân đã đơn thương độc mã vừa ôm ấu chúa A Đẩu vừa chiến đấu với quân Tào, ông đã giết 50 tướng, chém gãy hai lá cờ to, đoạt gươm Thanh Công của Tào Tháo, phá vòng vây, bảo vệ được Lưu Thiện. Sau trận này Triệu Vân được phong làm Nha Môn tướng quân. Tuy nhiên, ngoài chiến tích vô tiền khoáng hậu cứu Ấu chúa, Triệu Vân còn làm nên một chiến tích kinh điển khác được Lưu Bị khen ngợi “một thân toàn đảm”, trong quân gọi ông là Hổ uy tướng quân, đó chính là trận đánh ở bờ Hán Thủy khi đối địch với quân Tào.
Từ khi theo phò tá Lưu Bị, Triệu Vân đã lập rất nhiều công trạng, từ trận Bác Vọng đánh tan quân của Tào Tháo do Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm đứng đầu, đến việc phá vòng vây hàng vạn quân địch bảo vệ vợ con của Lưu Bị. Nhưng ông lại chỉ được Lưu Bị và Gia Cát Lượng giao cho rất nhiều việc nhỏ lẻ (hầu như không bao giờ được giao cầm quân đánh chính) nhưng đều hoàn thành trọn vẹn và giành chiến thắng huy hoàng từ việc được giao.
|
Triệu Vân đại phá quân Tào cứu Ấu chúa. |
Sang đầu năm 219, Lưu Bị thúc quân vượt qua sông Miện Thủy (một nhánh của sông Hán Thủy). Lưu Bị đóng quân hạ trại tại núi Định Quân, Hoàng Trung được lệnh cầm một cánh quân mai phục ở phía sau đỉnh núi này. Trận đầu này, Hoàng Trung đánh bại giết chết tướng Tào là Hạ Hầu Uyên, quân Tào tham chiến có 5000 người gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ngụy vương Tào Tháo được tin Hạ Hầu Uyên tử trận, đích thân mang đại quân từ Trường An qua hang Tà Cốc vào Xuyên để quyết chiến. Do quân Thục đã đánh chiếm được kho lương ở Thiên Đãng Sơn, lương thực tại chỗ không đủ cung ứng, Tào Tháo phải dùng nhiều nhân sự vào việc vận chuyển lương từ hậu phương, gặp nhiều khó khăn. Lưu Bị nắm được chỗ yếu của Tào Tháo, bèn phái binh đi cướp lương thảo.
Hoàng Trung cầm quân đi cướp lương, có hẹn với Triệu Vân đi cứu ứng. Quá thời gian định ước với nhau và chưa thấy Hoàng Trung trở về, Triệu Vân bèn mang vài chục kị binh đi thám thính, đúng lúc chạm trán với quân Tào. Gặp quân Tào đông đảo nhưng ông không sợ hãi mà xông trước trận, cùng các kị binh phá vỡ vòng vây. Quân Tào khiếp sợ không dám lại gần, Triệu Vân vừa đánh vừa lui. Quân Tào thấy Triệu Vân ít người, ào ào đuổi theo, Triệu Vân cố sức đánh tan nhiều đợt truy kích của quân Tào, ngoảnh lại thấy bộ tướng Trương Trứ còn mắc trong vòng vây, lại đánh vào trong hàng ngũ quân Tào, cứu được Trương Trứ cùng thoát ra, trở về trại.
Trong trại quân Thục, Miêu dương trưởng là Trương Ký thấy quân Tào đánh đến trại, đề nghị đóng chặt cổng lại để thế thủ, nhưng Triệu Vân không nghe theo, đề nghị mở toang cổng trại, lệnh cho quân sĩ im hơi lặng tiếng. Quân Tào đuổi đến nơi, thấy trại quân Thục không cờ không trống, nghi là có phục binh nên rục rịch rút về. Quân Tào vừa quay lưng, Triệu Vân lập tức truyền lệnh, quân Thục nhất loạt bắn tên ra, còn Triệu Vân hạ lệnh thúc trống, tù và ầm ĩ. Quân Tào sợ bị đuổi riết vội xô nhau chạy một mạch tới bờ sông Hán Thủy, giẫm đạp lên nhau, bị rơi xuống sông chết khá nhiều.
Hôm sau, Lưu Bị đến tận nơi, hết lời khen ngợi ông là "một thân toàn đảm". Từ đó trong quân gọi ông là Hổ uy tướng quân.
Sau trận thắng đó, Lưu Bị giữ thế phòng thủ không ra giao chiến. Qua hơn 1 tháng khiêu chiến không đánh được trận nào, quân Tào mệt mỏi. Lưu Bị lại sai người lọt vào hàng ngũ quân Tào làm nội ứng, phao tin đồn khiến quân Tào chán nản.
Tháng 5/219 bắt đầu vào hè, trời mưa nhiều khiến quân Tào đông đảo càng mệt mỏi vì vận lương. Tướng hướng đạo là Vương Bình bỏ trốn sang đầu hàng Lưu Bị, được Lưu Bị trọng dụng.
Tào Tháo lúc đó tuổi đã cao, sức lực không còn tráng kiện. Ông liệu thế không thể thắng được Lưu Bị, đành hạ lệnh lui quân khỏi Hán Trung.
Theo Quốc Tiệp/Nguoiduatin