Sau đó, quân đội Nhật Bản đã triển khai dự án Fu Go khai thác luồng gió xoáy để tạo ra loại "vũ khí bay vượt đại dương" đầu tiên trên thế giới - đó là những quả khinh khí cầu mang bom.
Ngày 5-5-1945, một ngày mùa xuân ấm áp, Archie Mitchell và cô vợ Elsie đang mang thai 5 tháng cùng với 5 đứa trẻ, tuổi từ 11-14 con nhà hàng xóm cùng tham gia buổi cắm trại ngoài trời trong khu rừng trên núi Gearhart gần thị trấn Bly bang Oregon miền tây nước Mỹ. Cô bé Annie Fagen 13 tuổi và mẹ cũng được mời tham gia.
|
Những quả bom được treo xung quanh thân khí cầu, những bao cát bên dưới để giữ thăng bằng. Ảnh: US Navy. |
Nhưng trên đường đi, hai mẹ con dừng lại ở thị trấn nhỏ Klamath Falls vì mẹ cô muốn mua một chiếc kính mới và họ không ngờ rằng quyết định ngẫu hứng này đã cứu mạng họ. Nhóm Archie và Elsie khi đến nơi phát hiện trên một vạt rừng thưa có một quả khinh khí cầu lạ lùng.
Không thể ngăn được sự hiếu kỳ, Elsie và bọn trẻ hò nhau chạy về phía quả cầu. Archie Mitchell muốn lên tiếng ngăn cản nhưng không kịp. Một tiếng nổ lớn vang lên giết chết Elsie và bọn trẻ. Đội điều tra của quân đội Mỹ được phái đến hiện trường vụ nổ ngay lập tức và rất nhanh chóng, họ nhận ra đây là quả bom khinh khí cầu của Nhật.
Nhưng vào lúc đó, thông tin về sự việc được quân đội Mỹ bưng bít nhằm tránh gây hoảng loạn trong dân chúng. Annie Fagen và mẹ cô cùng những người dân trong thị trấn nhiều năm sau đó mới biết được rằng, thủ phạm giết chết 6 người quen của mình hôm đó là một thiết bị nổ do phát xít Nhật chế tạo, được chở bằng khinh khí cầu đã bay hơn 8.000 km xuyên Thái Bình Dương, đáp xuống núi Gearheart rồi nằm im ở đó cho đến khi các nạn nhân vô tình kích nổ chúng.
Đấy chỉ là một trong số hàng trăm quả bom bay vượt đại dương và rơi xuống vùng bờ biển phía tây nước Mỹ - từ Alaska cho đến Texas, Wyoming và Michigan. Chúng mang theo các thiết bị dễ cháy hay thuốc nổ có sức công phá lớn nhằm gây ra các vụ cháy rừng và gieo cơn hoảng loạn trong lòng nước Mỹ.
Sau khi Tokyo và một số thành phố khác bị máy bay Mỹ đánh bom phá hoại năm 1942, Nhật Bản có rất ít phương án để tấn công các mục tiêu trên đất liền của nước Mỹ, bởi họ đã mất nhiều tàu sân bay trong các cuộc hải chiến với quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Năm 1942, tàu ngầm của nước này đã âm thầm tiến sát bờ biển nước Mỹ và oanh tạc các mục tiêu ở bang Oregon và California nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể, và đến năm 1944, các cuộc tấn công kiểu này không còn khả thi.
Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật quân sự số 9 của quân đội Nhật Bản phát hiện những luồng gió xoáy ở độ cao gần 10.000 mét cho phép đẩy những quả khí cầu được bơm khí hydro sẽ bay đến tận Bắc Mỹ. Vì thế, họ đặt tên cho thứ vũ khí-bom bay này cái tên Fu-Go, nghĩa là vũ khí mượn sức gió, để tấn công trả đũa. Nhờ sử dụng các bao cát để giữ thăng bằng và một đồng hồ kiểm soát độ cao với những quả bom được treo vòng quanh, các khinh khí cầu mất 30-60 giờ để bay tới bờ biển nước Mỹ.
Đến nay, Fu-Go được đánh giá là dự án tấn công quân sự khá táo bạo và thông minh của người Nhật trong Thế chiến thứ II. Trong thời gian 2 năm, quân đội Nhật sản xuất hàng ngàn quả khí cầu nhẹ nhưng bền chắc từ loại giấy bằng gỗ dâu tằm mang theo các vũ khí như mìn sát thương 15kg, các quả bom cháy loại 5kg hay 12kg.
|
Một quả bom khí cầu bị quân đội Mỹ bắt được. |
"Các khinh khí cầu này là hệ thống phóng vũ khí liên lục địa đầu tiên" - Robert Mikesh, sử gia không quân Mỹ, cho biết. "Những quả khinh khí cầu được thiết kế rất khéo léo, chúng có thể bay cao vào ban ngày và hạ thấp vào ban đêm nhờ một đồng hồ đo khí áp giúp kiểm soát trần bay" - Dave Tewksbury, một thành viên khoa địa chất Đại học Hamilton, New York, người từng sử dụng phần mềm bản đồ để theo dõi những khinh khí cầu này trong một dự án của Hội địa chất Mỹ nói - "Cơ chế hoạt động của chúng là một chu kỳ lên xuống liên tục gắn liền với thời điểm ngày và đêm trong hành trình xuyên Thái Bình Dương".
Khi phát hiện loại vũ khí nguy hiểm này, nhà chức trách Mỹ nghiêm cấm cho báo chí đưa tin về những vụ nổ một phần để ngăn ngừa sự hoảng loạn lan nhanh trong dân chúng, mặt khác ngăn không cho người Nhật biết rằng, các vũ khí thử nghiệm của họ trên thực tế đã bay đến được nước Mỹ.
Mặc dù nhiều người dân địa phương ở Mỹ biết được sự thật song họ phải miễn cưỡng "giữ mồm giữ miệng", trong khi giới truyền thông chỉ đưa tin các nạn nhân này thiệt mạng trong "một vụ nổ không xác định được". Chiến dịch khinh khí cầu cách đây hơn 70 năm của Nhật vì thế không được thông tin rộng rãi, và ngày nay gần như bị lãng quên.
Sự cố bất ngờ
Chuyên trang "Inside Science" dẫn lời Phó giáo sư Charles Clark, đồng Giám đốc Viện Kết hợp lượng tử thuộc Đại học Maryland, mô tả kế hoạch dội bom bờ tây nước Mỹ bằng khí cầu mang theo thiết bị phóng hỏa và gây cháy nổ là "vô cùng táo tợn". "Người Nhật đã chế tạo các khinh khí cầu đường kính gần 10m làm bằng loại giấy cực bền từ sợi dâu tằm rồi gắn bom nặng tới 15 kg vào từng quả" - ông nói trong một hội thảo lịch sử mới đây tại Baltimore - "Một nút ngắt điện đơn giản được tính giờ để kích hoạt quả bom sau 3-4 ngày".
Hồ sơ lưu trữ của Nhật Bản cho thấy từ giữa tháng 11-1944 đến tháng 4-1945, quân đội Nhật đã phóng lên bầu trời hơn 9.000 quả bom bay. Phần lớn những quả bom khí cầu rơi xuống Thái Bình Dương và chỉ có hơn 300 quả rơi xuống được vùng duyên hải phía tây nước Mỹ và Canada. Rất may phần lớn những khối thuốc nổ trên khinh khí cầu này chỉ gây ra thiệt hại nhỏ vì các quả bom bay đều rơi vào các vùng đồi núi hẻo lánh.
Mặt khác, những quả khí cầu này được thả vào mùa đông để lợi dụng luồng gió xoáy cực mạnh đến Mỹ nhưng vào thời điểm đó, nhiều khu vực nước này vẫn còn bị băng tuyết bao phủ nên khó gây cháy nổ. Thêm nữa, quân đội Mỹ và không quân Canada cũng bắn hạ được vài quả trước khi chúng phát nổ.
Vào ngày 10-3-1945, tức 5 tháng trước khi Thế chiến thứ II kết thúc với 2 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản suýt nữa đã có thể đặt dấu chấm hết cho công trình sản xuất vật liệu phóng xạ cho 2 quả bom nguyên tử chuẩn bị ném xuống nước này. Một quả khí cầu mang theo bom được thả vào luồng gió xoáy đã bay vào lãnh thổ Mỹ sắp sửa đánh sập mạng lưới điện cung cấp cho nhà máy xử lý plutonium ở Hanford, bang Washington.
|
Quyển sách "Fu-Go" của tác giả Ross Coen. |
Theo chuyên gia Charles Clark, dù biết đến sự tồn tại của cơ sở nghiên cứu quân sự Hanford nhưng Tokyo không hề có khái niệm về những gì đang diễn ra bên trong. Hoàn toàn tình cờ, quả bom khí cầu ấy đã mắc vào tuyến dây điện chính kết nối từ đập Grand Coulee và Bonneville trên sông Columbia, gây chập điện và tắt nguồn cung cấp cho nhà máy làm mát của cơ sở Hanford.
May mắn cho nước Mỹ và bi kịch cho người Nhật ở chỗ quả bom không nổ nên nguồn điện chỉ bị cắt trong khoảng 1/5 giây, kịp để các kỹ sư tại Hanford triển khai biện pháp dự phòng khẩn cấp. Một sự gián đoạn ngắn ngủi trong hệ thống làm mát có thể dẫn đến một vụ nổ vật liệu phóng xạ, và nếu Hanford mất điện lâu hơn thì một khu vực rộng lớn đã biến thành biển lửa phóng xạ với hậu quả vô cùng thảm khốc.
Người ta tự hỏi: nếu không vướng đường dây điện cao thế và cơ sở hạt nhân Hanford không có nguồn điện dự phòng thì có lẽ lịch sử cuối Thế chiến thứ II đã được viết bằng những trang khác. Thảm bại của phát xít Nhật là một sự an bài của định mệnh vì không một quả bom bay nào phát nổ ngoại trừ trường hợp vào ngày 5-5-1945, khi nhóm trẻ cùng với hai vợ chồng Archie Mitchell và Elsie đi chơi dã ngoại lên khu rừng trên núi Gearhart và một quả bom khác nổ vào tháng 2 ở khu vực bắc California nhưng không gây thương vong.
Sự bưng bít của truyền thông Mỹ khi đó đã khiến người Nhật không hề hay biết hiệu quả của những nỗ lực trả đũa bằng khinh khí cầu này. Không nhìn thấy được bằng chứng thành quả nào, chỉ huy kế hoạch bom khí cầu của Nhật là thiếu tướng Sueyoshi Kusaba ra lệnh chấm dứt chiến dịch Fu-Go vài tháng trước khi giới quân phiệt Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vào tháng 9-1945.
|
Đài tưởng niệm Michell. |
Sau khi chiến tranh kết thúc, báo chí Mỹ và Canada bắt đầu đưa tin về những vụ phát hiện bom khinh khí cầu nằm rải rác tại nhiều nơi. Ngày 1-2-1945, người dân ở phía bắc bang California phát hiện một quả khí cầu trong rừng quốc gia Trinity gần thị trấn Hayfork. Nó nằm đung đưa trên một thân cây gần đường cái, thu hút đám đông tò mò vây quanh xem. Bất ngờ "vật thể lạ" phát nổ, may mắn không ai bị thương. Phần khí cầu nổ tung trong khi phần khung phía dưới rơi xuống đất, bên trong vẫn còn 4 quả bom gây cháy và một thiết bị nhồi chất nổ.
Tháng 11-1953, tờ Brooklyn Daily Eagle đưa tin: Quân đội vô hiệu hóa một quả bom khí cầu ở Edmonton thuộc tỉnh Alberta (Canada). Tháng 1-1955, tờ Albuquerque Journal thông báo: Không quân Mỹ phát hiện một quả khí cầu ở Alaska. Năm 1984, tờ Santa Cruz đưa tin nhà nghiên cứu Bert Webber định vị được 45 quả khí cầu ở Oregon, 37 quả ở Alaska, 28 quả ở Washington và 25 quả ở California. Tại Canada, đến tận cuối năm 2014 vẫn còn phát hiện nhiều quả bom khí cầu chưa nổ của Nhật.
Theo tờ "Canadian Press", 2 nhân viên kiểm lâm đã tìm thấy một quả cỡ lớn và 4 quả nhỏ hơn ở vùng núi thuộc phía đông tỉnh British Columbia. Đội tháo gỡ bom mìn của hải quân đã được điều động đến khu vực để xử lý.
Trong cuốn sách tựa đề "Fu-Go: Lịch sử kỳ lạ của cuộc tấn công bằng bom khí cầu của Nhật Bản nhằm vào nước Mỹ", tác giả Ross Coen mô tả loại vũ khí này là "tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới". Năm 1950, một tượng đài được dựng lên gần nơi nổ bom khí cầu để tưởng niệm những nạn nhân ở Oregon, mang tên "Tượng đài Mitchell" với dòng chữ khắc: "Nơi duy nhất trên đất Mỹ xảy ra cái chết do hành động của kẻ thù trong Thế chiến thứ II".
Ngày nay, tại bảo tàng hạt Klamath và một bảo tàng khinh khí cầu ở Albuquerque vẫn trưng bày những quả bom khinh khí cầu chưa phát nổ của Nhật Bản, nhưng không nhiều người biết về chúng. Còn cơ sở hạt nhân Hanford sau Thế chiến thứ II dần trở thành một trong những cơ sở chứa chất thải phóng xạ lớn nhất thế giới cho đến khi bị bỏ hoang.
Theo thông tin trên tờ Inside Science, hiện tại nơi đây vẫn còn đầy rẫy rác phóng xạ ở dạng lỏng và rắn trong khi nguồn nước ngầm nhiễm xạ trầm trọng. Năm 1980, Quốc hội Mỹ ban hành luật Superfund nhằm phân bổ ngân sách để làm sạch các địa điểm bị nhiễm hóa chất và rác thải nguy hiểm chính trên lãnh thổ Mỹ, trong đó Handford là khu vực chính.