Trong xã hội phong kiến, thân phận người phụ nữ vô cùng thấp và không được coi trọng. Vì để cuộc sống dễ dàng hơn, họ phải tìm đủ mọi cách để nâng cao thân phận và địa vị của mình. Do đó nhiều phụ nữ cho rằng trở thành phi tần của hoàng đế mới có thể bay lên cành cao và được mọi người tôn sùng. Thế nhưng, làm người phụ nữ của hoàng đế không hề dễ dàng. Dù bước chân được vào hậu cung, họ vẫn cần phải sinh được hoàng tử, công chúa thì mới có thể củng cố địa vị.
Tuy nhiên, mỹ nhân trong cung nhiều vô kể, hoàng thượng có muốn sủng hạnh hết các vị phi tử cũng cần rất nhiều thời gian. Chưa kể, hoàng đế luôn có những phi tử mà mình yêu thích và thường xuyên sủng hạnh họ nhiều hơn những người khác. Do đó, các phi tần đều biết rằng cơ hội được hoàng thượng thị tẩm là vô cùng hiếm có nên họ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để có thể mang thai.
Dù vậy, trong nhiều ghi chép lịch sử từng ghi nhận nhiều trường hợp phi tử dù được sủng ái liên tục nhưng vẫn phải sống cả đời không con cái. Điều này khiến cho hậu thế cảm thấy tò mò. Vì thế các nhà khảo cổ học đã quyết định khai quật mộ của các phi tần. Qua kiểm tra và tiến hành làm thí nghiệm, họ đã tìm ra được chân tướng đằng sau.
Mưu mô trong cung
Một trong những lý do khiến nhiều phi tần khó có con là bởi họ từng sảy thai. Tại sao người đã có thai nhưng sau khi bị sảy lại trở thành người không có con được? Sự thực đằng sau sự việc này vốn là những mưu mô thâm độc trong hậu cung. Bởi những phi tần khi mang thai đều nhận được nhiều sự quan tâm của hoàng thượng. Để tránh cho người đó sau này có vị trí cao hơn, nhiều phi tần đã không từ thủ đoạn nào hãm hại khiến cho họ bị sảy thai.
Sau khi sảy thai kết hợp với cách chữa bệnh lạc hậu thời phong kiến, nhiều phi tần không thể có được sự phục hồi tốt sau sinh. Họ cần rất nhiều thời gian để cơ thể đủ sức khỏe cho lần mang thai sắp tới. Nếu như liên tục bị sảy thai hoặc nhiều lần bị thai lưu, các vị phi tần sẽ có nguy cơ bị vô sinh.
Sự cảnh giác của hoàng thượng
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác khiến các phi tần khó con đó là liên quan tới chính trị. Nguyên nhân này xuất phát chủ yếu đến từ việc Trung Nguyên và các bộ lạc dân tộc thường không có mối quan hệ hòa hữu. Nhưng vì muốn ổn định thế cục hai bên sẽ áp dụng phương thức liên hôn.
Theo trang tin Sohu, những vị công chúa hoặc con nhà trưởng tộc được gả cho hoàng đế Trung Nguyên với mục đích chính trị thường không có được sự tin tưởng. Đôi khi hoàng đế sẽ cảnh giác với những phi tần này và không để họ mang thai. Vì thế sau khi thị tẩm, hoàng đế sẽ ban cho họ thuốc tránh thai hoặc khi mang thai thì sẽ tìm cách khiến họ sảy thai. Bên cạnh đó, có một số phi tần đến từ các bộ lạc này sẽ chủ động uống thuốc tránh thụ thai bởi họ cho rằng bản thân là miễn cưỡng chứ không có tình cảm với hoàng thượng.
Chưa 1 lần được thị tẩm
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy một đáp án khác sau khi tiến hành khám nghiệm thi thể của các phi tần. Họ phát hiện ra rằng một số phi tần vẫn còn trong trắng. Điều đó có nghĩa là những phi tử này chưa bao giờ may mắn được hoàng thượng thị tẩm.
Tất nhiên, họ vì chưa được thị tẩm nên không thể mang thai. Các vị phi tần này đều nhập cung từ khi còn rất trẻ. Họ vì một số lý do nào đó mà chưa từng có được sự sủng ái của hoàng thượng. Do đó, những phi tần này chỉ có thể sống cô độc trong bốn bức tường, cả đời không con cái, địa vị không thể thăng tiến, thực sự là quá đáng thương.
Theo Giang Phạm/Doanh Nghiệp Việt Nam