Trên thực tế, hoàng đế là một vị trí có tính rủi ro cao. Những người đảm nhận trọng trách này gánh trên vai những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Có thể nói, một vị vua thời xưa sẽ phải đối mặt với nhiều mối bận tâm khác nhau: Lo rằng quyền lực sẽ rơi vào tay các quan đại thần; lo giặc ngoại xâm kéo đến; thậm chí là lo bị ám sát ngay trong cung điện của mình.
Vì vậy, để bảo vệ nhà vua, sẽ có rất nhiều binh lính được phân công để canh gác toàn bộ quân thường xuyên. Theo quy định, người bình thường hoàn toàn không thể đến gần hoàng đế, khoảng cách ít nhất cũng phải giữ vài thước.
Ở thời cổ đại, để lấy mạng hoàng đế, hầu như chỉ có một con đường đó là hạ độc vào đồ ăn, thức uống.
Theo thống kê, trong xã hội phong kiến Trung Quốc hơn 2.000 năm, có 22 vị hoàng đế bị đầu độc chết. Người ta nói rằng vị hoàng đế cuối cùng bị đầu độc là Quang Tự. Theo một số quan điểm được đưa ra, ông qua đời là do bát sữa chua độc do Từ Hi thái hậu ban.
Vì những lý do trên, hoàng đế của các triều đại đều rất coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm. Sau một thời gian dài, người ta đã hình thành nên một bộ quy định hoàn chỉnh kiểm soát các món ăn mà hoàng đế sẽ sử dụng. Có người còn ví rằng muốn hạ độc đồ ăn của hoàng đế thì cũng đừng nghĩ tới vì nó khó hơn lên trời.
Món ăn được dọn lên phải trải qua 6 bước
Chuyện kể rằng sau khi Phổ Nghi lui về ở ẩn, ông đã thuật lại một trong những nỗi ám ảnh khi còn trong cung. Ông cho biết khi đó, bản thân chưa bao giờ ăn một món nóng.
Sự thật này phản ánh quy trình quản lý đồ ăn nghiêm ngặt ở trong cung. Bữa ăn hàng ngày của hoàng đế phải trải qua rất nhiều lần kiểm tra trước khi được dọn lên bàn để đảm bảo rằng không có gì sai sót. Những món được dọn lên để nhà vua sử dụng đã phải trải qua 6 “cửa ải”.
“Cửa ải” đầu tiên là truy xuất nguồn gốc của các thành phần. Những thực phẩm này được mua ở đâu? Ai đã mua nó? Thậm chí, người ta còn kiểm soát gắt gao từ bước nuôi trồng thứ nguyên liệu đó.
“Cửa ải” thứ hai là giám sát lẫn nhau trong quá trình xử lý. Ba người chịu trách nhiệm về một món ăn, và phải nắm rõ nó được chế biến như thế nào? Gia vị nào đã được sử dụng? Ai nấu các món ăn? Tất cả đều được lập biên bản, cả ba người đều phải ký tên vào để nếu không may có chuyện gì xảy ra thì có thể nhanh chóng truy ra thủ phạm.
“Cửa ải” thứ ba là giữ lại mẫu để đối chiếu. Mỗi món ăn sẽ được giữ lại một phần trước khi phục vụ. Khi có vấn đề, thì có thể tìm ra vấn đề bằng cách kiểm tra phần thức ăn được giữ lại này.
“Cửa ải” thứ tư là hệ thống thử độc. Trong các cung điện, kiểm tra bằng đồ bạc phổ biến hơn cả bởi vì thời xưa, người ta chủ yếu đầu độc bằng thạch tín. Trong khi đó đồ bạc sẽ chuyển sang màu đen khi gặp phải chất này nên dụng cụ ăn uống của vua chúa đều được làm từ bạc.
“Cửa ải” thứ năm là thái giám đích thân thử. Sau mỗi món ăn được dọn ra, hoàng đế chưa dùng vội. Thay vào đó, thái giám xung quanh ăn thử, sau khi ăn xong nếu thái giám vẫn “bình an vô sự” thì hoàng đế mới dùng món. Hay nói cách khác, những vị hoạn quan này có trọng trách thử độc một lần nữa.
“Cửa ải” cuối cùng là trộn giả với thật. Phổ Nghi từng kể lại rằng trong một bữa ăn có 120 món ăn. Do đó nếu có người muốn hạ độc, chưa chắc hoàng đế đã ăn món đó. Hơn nữa, những gì hoàng đế ăn không nhất thiết phải là các món ăn do nhà bếp của hoàng gia làm.
Phổ Nghi từng tiết lộ trong hồi ký của mình rằng các món mà ông ăn thường do mẫu hậu giao tới. Mỗi bữa có hơn 20 món và các món ăn được chế biến trong nhà bếp của hoàng gia được đặt ở xa, điều này giúp đánh lạc hướng kẻ hạ độc.
Có thể nói nhà vua thời xưa không thiếu cao lương mỹ vị nhưng chưa chắc đã sung sướng. Câu chuyện của vua Phổ Nghi ở trên là một minh chứng điển hình. Trước khi được thưởng thức món ngon, hoàng đế vẫn phải canh cánh việc giữ mạng. Đó là lý do khiến các vị vua xưa không được ăn đồ nóng, đến việc dùng bữa cũng phải dè chừng.
Theo Dân Việt