Ngày 12/4/1975, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã ra một tài liệu hướng dẫn những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng, trong đó nêu rõ: “Thời cơ 30 năm mới có một lần. Nhiệm vụ khẩn cấp của chúng ta hiện nay là phải góp phần tích cực nhất, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà”.
Theo chủ trương của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang địa phương của Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng được tăng cường: Tổng số lực lượng vũ trang của thành phố lên đến 2 vạn người. Các quận, huyện, ban, ngành khẩn trương thành lập các ban cán sự chỉ đạo khởi nghĩa, hoặc ủy ban khởi nghĩa để phụ trách từng khu vực. Các đội tuyên truyền xung phong được thành lập. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định tích trữ và cất giấu số lượng lớn vật chất phục vụ cho chiến dịch.

Nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên (Cao Thị Nhíp) dẫn đường cho các chiến sĩ xe tăng Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu
Thành phố bảo đảm hậu cần tại chỗ, nuôi nấng và che chở cho hơn 2 vạn chiến sĩ đang bám sát các mục tiêu. Lực lượng vũ trang thành phố bổ sung Đội biệt động F30, hình thành Tiểu đoàn 197 thuộc Lữ đoàn 316, tổ chức thêm Tiểu đoàn 83 và tăng cường thêm Tiểu đoàn Trinh sát 48. Mọi công tác triển khai lực lượng hết sức khẩn trương như nắm lại mục tiêu, điều chỉnh phương án tác chiến, bố trí lại giao thông liên lạc, vận chuyển đưa phương tiện, chất nổ vào vùng ven, nội thành và khui các hầm vũ khí dự trữ...
17 giờ, ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) trên 5 hướng tiến công vào tuyến phòng thủ vùng ven, phá vỡ các mắt xích phòng thủ vòng ngoài của địch, cắt đứt giao thông đường thủy, đường bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long..., tạo điều kiện cho đợt tiến công đồng loạt vào sào huyệt đối phương.
Phối hợp chặt chẽ với các hướng tiến công đó, Quân khu 7, Thành ủy, Thành đội Sài Gòn - Gia Định đã đưa 1.700 cán bộ cơ sở xuống các xã, phường, quận, huyện nội thành và ngoại thành, thâm nhập các xí nghiệp, công sở, trường học, các đoàn thể xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng sẵn sàng nổi dậy, tiếp lương thực, thực phẩm cho bộ đội khi các cánh quân chủ lực đánh vào nội đô. Thành ủy, Thành đội cử hàng trăm chiến sĩ biệt động, tự vệ thành ra dẫn đường cho các cánh quân tiến công các mục tiêu then chốt như: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô và Nha cảnh sát đô thành...
Cùng với khí thế tiến công như vũ bão của các binh đoàn, lực lượng đặc công, biệt động đồng loạt đánh địch trên các hướng. Hướng Bắc, Tiểu đoàn Đặc công 4 Gia Định mở đường tiến công sân bay Tân Sơn Nhất, giao tranh ác liệt với quân địch ở khu vực chợ Mới, hỗ trợ cho Trung đoàn 115 chiến đấu. Trong ngày 27/4/1975, đơn vị cùng nhân dân nổi dậy diệt tàn binh địch, giải phóng toàn xã Tân Thới Hiệp và một phần xã An Phú Đông. Hướng Đông Bắc, đêm 27, rạng sáng 28/4/1975, các đơn vị đặc công cùng với Tiểu đoàn 4 Thủ Đức đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, cầu Tân Cảng, làm chủ tình hình, gỡ nhiều đồn bốt, cùng với nhân dân nổi dậy giải phóng 2/3 huyện, cướp chính quyền xong, trước khi chính quyền ngụy đầu hàng. Sau khi chiếm cầu, các đơn vị quyết tâm giữ không cho địch phá, chờ xe tăng và bộ binh của quân đoàn đánh vào thành phố. Tại đây, Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 316 dũng cảm chiến đấu, đánh bật nhiều đợt phản kích của địch, giữ cầu Sài Gòn nguyên vẹn.
Sáng 30/4/1975, các đơn vị mở rộng địa bàn, tiếp tục chiếm xa lộ, trục lộ Bình Trung, An Phú, chờ đón và liên lạc kịp thời với 2 mũi tiến công của cấp trên từ Thành Tuy Hạ vượt sông Cát Lái sang và từ Biên Hòa, Long Bình tiến vào Sài Gòn. Tại đây, lực lượng biệt động đã bức hàng Liên đoàn 301 Bảo an, bắt 600 tù binh và làm nòng cốt cho nhân dân ở quận 9 nổi dậy cướp chính quyền, cùng với lực lượng công nhân bảo vệ nguyên vẹn các cơ sở quan trọng như: Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, Nhà máy nước, Nhà máy xi măng Hà Tiên...
Hướng Nam và Tây Nam, Tiểu đoàn Biệt động 197 phối hợp với đặc công đánh địch ở khu Tân Kiên, áp sát Lộ 4; cùng với quần chúng diệt ác trừ gian. Ngày 30/4/1975, tiến công đánh chiếm Phú Thọ Hòa, Ty cảnh sát quận 11 rồi phát triển cùng với đơn vị bạn và quân chủ lực đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát địch, Hạ nghị viện chính quyền ngụy Sài Gòn. Trong khi đó, Tiểu đoàn Biệt động 198 phối hợp với Trung đoàn Đặc công 429 đánh chiếm bốt Bình Hưng, Ký Thủ Ôn, làm chủ Lộ 5, giữ đầu cầu Nhị Thiên Đường cho bộ đội chủ lực tiến công thành phố từ phía Nam.
Với những cố gắng vượt bậc, lực lượng đặc công, biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn, trong đó, chiếm giữ được 11 cây cầu quan trọng trên các hướng quân ta tiến vào thành phố, đặc biệt là phối hợp với lực lượng tại chỗ bằng 3 mũi giáp công làm tê liệt hạ tầng cơ sở địch ở các khu vực cửa mở quan trọng, tạo điều kiện cho các cánh quân lớn đột phá thần tốc tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch.
Được bộ đội chủ lực hỗ trợ, lực lượng vũ trang địa phương trở thành lực lượng nòng cốt cho các đội cơ sở và quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ. Trưa 30/4/1975, nhân dân Sài Gòn - Gia Định, với cờ hoa rực rỡ, nô nức chào đón các chiến sĩ Giải phóng quân. Cuộc Tổng tiến công đã giành thắng lợi trọn vẹn.
Kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là nét điển hình của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân. Trong đó, sự phối hợp giữa tiến công quân sự với nổi dậy của nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi này. Đây là bài học vô cùng quý giá cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ để vận dụng, phát triển trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.