Tôn Ngộ Không không thể thoát khỏi bàn tay Như Lai Phật Tổ, tại sao?
Sau khi đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không khiến chư thiên bất lực trong việc khuất phục. Chỉ đến khi Phật Tổ Như Lai xuất hiện, Ngộ Không mới bị trấn áp dưới Ngũ Hành Sơn suốt 500 năm. Trước đó, Như Lai đã đưa ra lời thách thức: "Nếu ngươi có thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay ta bằng một cú cân đẩu vân, thì ta sẽ công nhận tài năng của ngươi."
Quá tự tin vào tốc độ và pháp lực của mình, Tôn Ngộ Không bay một mạch đến tận cùng bầu trời, đánh dấu vào năm cây cột lớn và tưởng mình đã thắng. Nhưng khi quay lại, hắn mới ngỡ ngàng phát hiện những “cây cột trời” ấy chính là… năm ngón tay của Như Lai.

Ảnh minh họa.
Câu hỏi lớn đặt ra là: Như Lai đã dùng pháp thuật gì để giam giữ một yêu hầu ngạo nghễ như Ngộ Không? Mặc dù tác phẩm gốc không mô tả chi tiết thuật pháp ấy là gì, nhưng giới nghiên cứu và người hâm mộ đã đưa ra nhiều giả thiết hấp dẫn.
Một giả thuyết cho rằng Như Lai đã di chuyển song song với Ngộ Không, tức là khi yêu hầu bay một cú cân đẩu vân, Như Lai cũng phi hành với vận tốc tương đương. Kết quả là dù Tôn Ngộ Không bay đến đâu, thì hắn vẫn luôn… ở trong bàn tay Phật Tổ.
Theo một cách lý giải khác, Tôn Ngộ Không đã bị lừa một cách tài tình. Như Lai với con mắt trí tuệ nhìn thấu vạn vật, đã tạo ra một ảo ảnh hoàn hảo. Những gì Ngộ Không tưởng là trời cao, đất rộng, cột trụ, đều là biểu tượng hư ảo trong lòng tay Phật. Chính vì thế, dù có đánh dấu hay tiểu tiện lên “ngón tay trời”, tất cả đều là một phần của “trò chơi” Như Lai dựng nên.
Một giả thuyết mang màu sắc triết học Phật giáo được nhiều người ủng hộ hơn cả: "Nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất Như Lai".
Mỗi bông hoa là một thế giới, mỗi chiếc lá là một đức Phật – điều đó cho thấy, lòng bàn tay của Như Lai chính là một vũ trụ không giới hạn, nơi không gian và thời gian có thể bị uốn cong. Với pháp lực siêu việt, Phật Tổ đã xoay chuyển không gian, khiến Tôn Ngộ Không chỉ bay trong một vòng luẩn quẩn, tưởng là tiến về phía trước nhưng thực chất… chỉ lặp lại một quỹ đạo vô tận.
Ngộ Không, sau khi bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, vẫn mang trong lòng nỗi bức xúc không nguôi: "Phật Như Lai nói gạt, đè tôi dưới núi nầy. Gần năm trăm năm, cựa mình không đặng".
Dù nổi giận, oán trách, Ngộ Không vẫn không thể hiểu rõ mình đã rơi vào cạm bẫy như thế nào. Có lẽ chỉ khi trở thành Đấu Chiến Thắng Phật, hắn mới đủ giác ngộ để thấu rõ cơ duyên và phép thuật mà Như Lai đã dùng. Khi ấy, bài học về ngạo mạn, giới hạn của quyền năng, và lòng từ bi sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.