Trong làng kỹ nữ Trung Quốc, có không ít giai nhân tài sắc vẹn toàn, khiến người đương thời và cả hàng nghìn năm sau đều tiếc thương, quý trọng.
Khấu Bạch Môn dùng tiền “ly dị” chồng
Nhan sắc mặn mòi, lại thêm tinh thông cả thơ, nhạc, họa, Khấu Bạch Môn là cái tên nổi tiếng trong làng ca kỹ ở Kim Lăng thời cuối nhà Minh. Năm nàng 17 tuổi, nàng lọt mắt xanh một vị đại thần là Chu Quốc Bật, được cưới về phủ. Theo tục lệ thời đó, các cô gái thuộc giới ca kỹ nếu may mắn lấy chồng đều không được đưa dâu vào ban ngày. Vì thế, Chu Quốc Bật đã sai 5.000 quân lính cầm đèn hoa suốt từ “nhà gái” đến phủ của mình, còn người đẹp Khấu Bạch Môn trang điểm lộng lẫy, bước lên kiệu hoa, chấm dứt cuộc đời lênh đênh của kỹ nữ. Nhưng chỉ sau vài tháng, vị quan hiếu sắc đã chán nàng, bỏ đi tìm “hương vị” mới.
Đến khi nhà Thanh chiếm trung nguyên, Chu Quốc Bật bị giam lỏng, túng bấn bèn nghĩ đến chuyện bán bớt tỳ nữ. Nàng Khấu Bạch Môn từng được rầm rộ rước về cũng nằm trong số đó. Nén cay đắng, nàng nói với Chu: “Chàng bán thiếp đi may lắm chỉ được trăm lạng bạc. Chi bằng chàng để thiếp trở về Nam, chỉ trong một tháng sẽ kiếm vạn lạng đền ơn chàng”. Chu đồng ý, thế là nàng Khấu một mình quay lại chốn yên hoa, kiếm đủ hai vạn lạng gửi cho chồng.
Chu Quốc Bật có tiền lại muốn sum vầy với người đẹp, nhưng nàng kiên quyết dứt tình: “Xưa chàng dùng bạc chuộc thiếp ra, nay thiếp lại dùng bạc trả ơn, ân tình giữa chúng ta coi như đã hết”. Sau này, Khấu Bạch Môn có gắn bó với một người khác, nhưng chẳng được bao lâu đã quay lại kiếp cầm ca, rồi chết vì bệnh, khiến nhiều người thương tiếc.
Đổng Tiểu Uyên
Truyền kỳ tài nữ, được ví là "lan trong hang vắng", đẹp nhất trong các loài hoa thơm cỏ lạ. Nàng được mệnh danh là Thanh Liên nữ sử, sống cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Có thuyết cho rằng nàng chính là Đổng Ngạc Phi được hoàng đế Thuận Trị vô cùng sủng ái, nàng sinh ra như khói như hoa hưởng trọn nỗi vui buồn sướng khổ của cuộc đời, nhan sắc hơn người tài hoa xuất chúng nhưng bạc mệnh.
Liễu Như Thị
Liễu Như Thị sống vào đời nhà Minh, nàng là một trong tám danh kỹ lừng danh Trung Quốc, nổi tiếng khắp Nam Kinh với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cầm kỳ thi họa lại đều vô cùng tinh thông.
Nàng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nên sớm đã phải vào chốn lầu xanh. Người trực tiếp đón Liễu Như Thị vào thanh lâu bấy giờ là tú bà họ Từ, nhận thấy nhan sắc hơn người và sự thông minh, lanh lợi của Như Thị, tú bà quyết định dạy dỗ nàng đàn, hát, múa với mong muốn đưa nàng thành quân cờ chủ lực của kỹ viện nổi tiếng khắp gần xa. Không phụ công mong đợi, Như Thị càng học hành càng tỏ ra giỏi giang, tiếng tăm đồn thổi, trở thành một trong những kỹ nữ nổi danh nhất bấy giờ.
Cũng như nhiều giai nhân thuở xưa, Liễu Như Thị có cuộc đời nhân duyên rất vất vả, mãi sau 3 đời làm lẽ, trải qua nhiều cuộc nhân duyên bi thương, đau khổ, nàng mới tìm được người chồng chính thức của mình. Tiếc thay, dù vậy cuộc đời của nàng cũng không được một kết thúc có hậu. Sau này, nhà Minh loạn lạc, nước mất nhà tan, chồng nàng là Tiền Khiêm Ích cũng chết sớm vì bạo bệnh, Liễu Như Thị cũng tuyệt vọng mà treo cổ tự sát, để lại cho người đời nhiều thương tiếc…
Phương tiểu tiểu
Tiền Đường danh kỹ, hồng nhan bạc mệnh. Nàng là danh kỹ Tiền Đường triều Nam Tề, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, hát hay múa đẹp, nhưng tạo hóa khéo trêu ngươi nàng. Khi gặp Nguyễn Úc, nàng đã trúng tiếng sét ái tình, hai người nên đôi trúc mã. Nhưng bất hạnh thay vì loạn lạc Nguyễn Úc đã bỏ rơi nàng. Cuối cùng, mỹ nhân bị quan phủ ức hiếp, một đời hồng nhan bạc mệnh, ôm hận chết yểu.
Theo Cẩm Nhung/Khỏe & Đẹp