Phạm lỗi, sám hối thế nào?

Google News

Người sống trên đời không ai hoàn hảo cả, nên có những sơ suất và lầm lỗi cũng là lẽ thường. Quan trọng là mình nhận ra những việc làm sai trái ấy để sám hối, ăn năn chừa bỏ, khắc phục hậu quả và nguyện không tái phạm.

Hỏi: Tôi là Phật tử, hiện đang còn đi học. Tôi có hai vấn đề ưu tư, không biết tháo gỡ thế nào. Một là, năm tôi lớp 8, mẹ mua cho tôi một chiếc dây chuyền có mặt ngọc hình Phật rất đẹp. Một lần, tôi sơ ý đã làm vỡ hình Phật. Tôi cất mặt Phật vào hộp cẩn thận rồi vẫn mang đi học mỗi ngày. Đến nay, tôi đã làm mất mặt Phật đó luôn. Tôi rất lo không biết có phạm phải tội làm thân Phật chảy máu không? Hai là, hè năm ngoái tôi về quê ngoại, thấy cái ao nhà bà lắm cá nên tôi đã câu rất nhiều. Lúc ấy tôi cho rằng câu cá là một thú vui tiêu khiển. Giờ đây nghĩ lại thấy rất ăn năn và đau khổ vì đã giết hại nhiều chúng sinh nên tôi muốn sám hối và nguyện sẽ không làm tổn hại chúng sinh nữa. Mong quý Báo chỉ giúp tôi cách sám hối những tội lỗi nêu trên và siêu độ những sinh linh đó thế nào để lòng được thanh thản?
(NGỌC BÍCH, bichngoc...@gmail.com)
Pham loi, sam hoi the nao?
 Ảnh minh họa - Ảnh: Tâm Nghiêm.
Bạn Ngọc Bích thân mến!
Người sống trên đời không ai hoàn hảo cả, nên có những sơ suất và lầm lỗi cũng là lẽ thường. Quan trọng là mình nhận ra những việc làm sai trái ấy để sám hối, ăn năn chừa bỏ, khắc phục hậu quả và nguyện không tái phạm.
Trước hết là việc làm vỡ mặt dây chuyền có hình Phật. Việc này do bạn vô ý nên không mắc tội, nhất là đối với tội “làm thân Phật chảy máu” lại càng không. Tội lỗi hay tạo ác nghiệp chỉ hình thành khi nào mình cố ý. Còn sơ ý thì chỉ có lỗi nhỏ, nếu thành tâm sám hối thì sẽ trong sạch. Theo lẽ, khi vô tình làm vỡ tượng Phật, bạn cần nhặt và gói lại cẩn thận, sau đó mang lên chùa nhờ chư Tăng (Ni) xử lý giúp (các chùa thường nhận tranh tượng Phật đã cũ hay bị hư hỏng nhằm giúp Phật tử bớt lúng túng khi không biết cách xử lý thế nào cho đúng pháp). Sau đó, bạn thành tâm đối trước Phật đài (ở chùa hoặc nhà) lễ bái, dâng lời phát lộ, bày tỏ với Đức Phật về sự sơ suất của mình rồi sám hối, ăn năn và nguyện không tái phạm.
Đối với việc câu cá, bạn đã tạo một số nghiệp xấu về giết hại loài vật. Do nhận thức không đúng đắn, lấy việc ác giết hại làm thú vui, tiêu khiển trên sự đau khổ và chết chóc của các loài khác. Người Phật tử không nhận thức và hành động như vậy mà luôn tôn trọng và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi loài. Mặt khác, điều tối quan trọng của giới Không sát sinh là không giết người, còn việc tổn hại loài vật vì mưu sinh, do vô tình hay thiếu nhận thức thì có thể sám hối. Dựa vào hai đặc điểm trên thì nghiệp xấu câu cá mà bạn đã tạo ra có thể sám hối để thân tâm trở nên trong sạch.
Bạn nên đối trước Phật đài thành tâm lễ bái, dâng lời phát lộ, bày tỏ với Đức Phật về sự thiếu hiểu biết của mình nên đã tạo nghiệp giết hại, sám hối và ăn năn xong thì nguyện không tái phạm nghiệp ác này trong tương lai. Để góp phần chuộc lỗi, bạn cần phát nguyện tôn trọng sự sống, thực hành phóng sinh, chung tay bảo vệ môi trường. Mỗi khi làm được việc phước đức nào, bạn lắng lòng hồi hướng chia phước đến cho tất cả chúng sinh, cầu mong cho mọi loài đều được hạnh phúc, an vui.
Bạn cứ sám hối và phục thiện mỗi ngày cho đến khi tâm thanh thản, lòng nhẹ nhàng.
Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)
Theo Giác Ngộ