PGS.TS Lê Thị Kim Phụng chia sẻ, trong thâm tâm, chị muốn phát triển theo hướng nghiên cứu ứng dụng, tạo ra giá trị phục vụ cho chính người dân. Đất nước mình còn nghèo lắm. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi người dân không có nước sạch uống. Tại sao mình không tạo ra nước sạch cho người dân?
|
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (giữa), top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. |
Nữ tiến sĩ tuổi Mão cá tính
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, Phó Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TPHCM sinh năm 1975 tại Thừa Thiên – Huế trong một gia đình làm nông nghiệp.
Chia sẻ về bản thân, nữ phó giáo sư sinh năm Mão tự nhận mình là người cá tính, thích làm những chuyện bất ngờ. Điều đó thể hiện đầu tiên ở việc chị chọn theo học Trường ĐH Bách khoa TPHCM – một trường theo quan niệm lúc đó hầu như chỉ dành cho con trai. Sau đó, chị đã chứng minh rằng, phụ nữ cũng có thể học giỏi trường kỹ thuật với một loạt những thành tích xuất sắc.
TS Phụng đoạt huy chương Vàng Khoa Kỹ thuật Hóa học, là thủ khoa đầu ra của Khoa với điểm luận luận văn đạt tối đa 10/10. Với những kết quả này, TS Phụng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Trường.
Tuy nhiên, sau đó, TS Phụng lại tiếp tục có quyết định gây bất ngờ với nhiều người: rời trường ra ngoài làm việc ở công ty.TS Phụng chia sẻ, lúc đó, lương giảng viên quá thấp, không đủ để chị có thể lo được cho gia đình. Sau chị còn có hai em đang tuổi ăn học, bố mẹ làm nông nghiệp, gánh nặng kinh tế dồn trên vai chị. Vì lý do này, TS Phụng muốn ra ngoài làm. Ngoài ra, TS Phụng cũng muốn đem những kiến thức được học cọ xát với thực tế.
Nhưng rồi, công việc ở ngoài đều đều, chỉ khi máy móc hỏng hóc mới có dịp để thử sức khiến chị rơi vào trạng thái thấy buồn tẻ. Không chịu nổi cảm giác nhàn nhã quá, dù đã lên tới chức trưởng phòng kỹ thuật, có cơ hội thăng tiến, nhưng chị vẫn quyết định trở về Trường ĐH Bách Khoa học lên thạc sĩ. Năm 2023, chị bảo vệ thành công luận văn với đề tài mô hình hóa và mô phỏng quá trình công nghệ hóa học – lĩnh vực ít người theo đuổi.
Năm 2004, chị Phụng trở thành nghiên cứu sinh của ĐH Sheffield – một đại học danh tiếng của Anh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2008.
Nhà khoa học vì cộng đồng
Xuất thân từ một gia đình làm nông, dù học trường kỹ thuật, nhưng điều đau đáu, trăn trở trong TS Phụng vẫn là những vấn đề về nông nghiệp, làm sao để cuộc sống của bà con nông dân tốt hơn.
Ngay khi trở về Việt Nam, TS Phụng chọn hướng nghiên cứu tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải nông nghiệp - ứng dụng, năng lượng tái tạo và biomass, biến phế phẩm trong nông nghiệp thành năng lượng và các vật liệu sử dụng được.
Trên thế giới, đây không phải là hướng đi hoàn toàn mới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, rất ít các nhà khoa học quan tâm và theo đuổi lĩnh vực này. Đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng về chất thải nông nghiệp, cho nên hướng nghiên cứu này hứa hẹn giải quyết vấn đề về môi trường, kinh tế và phát triển bền vững.
Công việc khiến chị phải đi nhiều, từ địa phương, đến nhà máy, ra đồng ruộng rồi thực tế ở nước ngoài… thời gian cho gia đình ít đi, nhưng may mắn, chị luôn có được sự hỗ trợ từ gia đình, và cũng là cách để gia đình gắn kết tình cảm gia đình.
“Biết thế là thiệt thòi cho con và gia đình nhưng đó cũng là cách tạo thói quen để các thành viên trong tổ ấm của mình biết hỗ trợ, thương yêu nhau hơn”, chị nói.
Vất vả, nhiều hy sinh, nhưng sau nỗ lực là những thành quả, trái ngọt. PGS Kim Phụng đã có nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, được áp dụng thành công trong thực tế nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, đem lại những giá trị cho cộng đồng. Chị cũng được ghi nhận, vinh danh với rất nhiều giải thưởng.
Năm 2016, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng đã được chọn vào danh sách trao giải thưởng Nhà khoa học ASEAN - Hoa Kỳ dành cho các nhà khoa học nữ công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng.
Năm 2017, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng được bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á.
Năm 2019, PGS.TS Lê Thị Kim nằm trong danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam 4.3 bình chọn ở lĩnh vực khoa học – giáo dục.
Và mới đây nhất, vào tháng 11, theo công bố, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng đạt giải thưởng Sáng tạo Châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022 với công trình “Advanced Bio-based Aerogels from Agricultural Waste for Water Treatment - Chế tạo vật liệu tiên tiến Aerogel từ chất thải nông nghiệp để xử lý nước". Giải thưởng trị giá 3 triệu yên, tương đương khoảng 540 triệu đồng.
Aerogel được biết đến là một loại vật liệu nhẹ nhất thế giới, có tính năng cao và được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực. Công nghệ sấy thăng hoa cải tiến giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng sản xuất, cải tạo được tính năng vật liệu, có thể nâng cấp lên quy mô công nghiệp và không sử dụng dung môi hóa chất như các công nghệ hiện hành.
Giải thưởng này vinh danh nghiên cứu của PGS.TS Lê Thị Kim Phụng và các cộng sự vì đã phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu cellulose aerogel tính năng cao từ nguồn phế phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất thân thiện với môi trường và khả thi về kinh tế.
Qua chặng đường dài nghiên cứu, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của một phụ nữ làm khoa học, từ đó, chị luôn dành niềm ưu ái đặc biệt, sự động viên, khích lệ cho những nữ sinh viên. Theo TS Phụng, phụ nữ làm khoa học có rất nhiều cơ hội nên không có vấn đề gì phải băn khoăn cả.
“Mình cứ làm hết sức và theo đuổi đến cùng đam mê của mình thì thành quả ngọt ngào ắt sẽ đến”, TS Phụng chia sẻ.
Được biết đến là một người truyền cảm hứng, chị Phụng chia sẻ, mục đích chị nhận trả lời các phóng viên cũng là vì lý do này, chứ không phải muốn “đánh bóng”, hay muốn nổi tiếng.
“Khi mình xuất hiện trên báo mà các bạn nữ đọc được, biết đâu mình có thể gián tiếp tạo ra cảm hứng, tiếp thêm động lực cho các bạn trong khoa học và trong cuộc sống?”, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng nói.
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng chia sẻ, những thành công của chị có được là do có được những cơ hội từ phía nhà trường đưa lại và điều kiện cơ sở vật chất tốt. Theo chị, việc có được điều kiện tốt để làm khoa học hay không rất quan trọng. Một nhà khoa học dù giỏi, nhưng nếu không có phòng thí nghiệm thì cũng không thể làm được.
Asian Scientist là một tạp chí của Singapore ra đời bản online năm 2011, bản in được xuất bản từ 2014. Đây là năm thứ 4 tạp chí Asian Scientist tổ chức bình chọn và công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực. Đến nay Việt Nam đã có 7 nhà khoa học lọt vào danh sách bình chọn của Asian Scientist.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Nguyễn