Hẹn gặp PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thật khó, lúc nào liên lạc cũng thấy chị quá tất bật. Sau nhiều lần dời lại cuộc phỏng vấn, cuối cùng buổi trò chuyện cũng đã thực hiện được vào… 22h.
|
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Phải cân bằng giữa đam mê khoa học và trách nhiệm gia đình
Một ngày làm việc của chị thường kết thúc khi nào?
Sau khi hết giờ làm việc ban ngày ở Trường Đại học, Phòng thí nghiệm; buổi tối của tôi là các buổi meeting họp nhóm hướng dẫn các nhóm nghiên cứu khoa học và các công việc nghiên cứu của mình. Trước đây tôi hay thức khuya, có khi 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. Nhưng sau một lần bị mệt và ngất xỉu và phải đi bệnh viện thì tôi thay đổi thời gian làm việc là không làm việc quá khuya nhưng sẽ dậy sớm để làm.
Phụ nữ làm khoa học hẳn sẽ có nhiều khó khăn, thưa chị?
Tôi cho rằng, phụ nữ làm khoa học có những áp lực riêng so với nam giới. Mặc dù bây giờ bình đẳng, phụ nữ cũng đi làm và có vị trí xã hội không kém nam giới. Tuy nhiên, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phụ nữ vẫn là người vợ, người mẹ trong gia đình, cần bàn tay săn sóc.
Trong khi đó, làm khoa học sẽ bị cuốn hút vào đam mê, vào guồng quay và không biết khi nào mình sẽ đạt thành công vì đó là một con đường dài. Có thể 1 ngày, 1 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn nữa thậm chí cả 1 cuộc đời làm khoa học. Vì vậy khi đã đam mê và muốn có thành công, người làm khoa học sẽ dành rất nhiều thời gian và vượt qua khó khăn, áp lực để làm, thời gian cho bản thân và cho gia đình ít đi rất nhiều. Để làm được khoa học, người phụ nữ buộc phải tìm cách cân bằng giữa đam mê dành cho khoa học và trách nhiệm đối với gia đình. Đó thực sự là một áp lực rất lớn.
Vậy chị đã cân bằng điều đó như thế nào?
Tôi luôn cố gắng hết mức có thể để dành thời gian cho gia đình. Mọi người thường trêu gia đình tôi là “du lịch khoa học”. Mỗi khi đi công tác, nhất là vào cuối tuần, tôi thường đưa cả chồng con đi cùng, để gia đình được gần nhau, cùng nhau trải nghiệm.
Tuy nhiên, điều may mắn nhất của tôi là có được một gia đình tuyệt vời, luôn hỗ trợ tôi. Tôi sống cùng với mẹ ruột, mẹ tôi trước đây cũng là giáo viên, bà luôn động viên, giúp tôi việc gia đình để tôi có thể yên tâm công tác. Đặc biệt, chồng tôi cũng học tiến sỹ cùng lĩnh vực với tôi, đang làm tập đoàn nước ngoài, anh rất tâm lý, hiểu đam mê của vợ, tạo điều kiện hết sức để tôi theo đuổi đam mê của mình.
Tôi nghĩ, nếu không có được sự ủng hộ, động viên, chia sẻ từ phía gia đình thì phụ nữ sẽ rất vất vả và khó khăn khi làm khoa học.
|
Theo TS. Hồ Thị Thanh Vân, nếu không có được sự ủng hộ, động viên, chia sẻ từ phía gia đình thì phụ nữ sẽ rất vất vả và khó khăn khi làm khoa học. Ảnh: NVCC. |
Mong nhà khoa học được toàn tâm toàn ý cho chuyên môn
Được biết, sau khi làm xong tiến sĩ, chị đã được mời ở lại nước ngoài làm việc 2 năm và họ tiếp tục mời chị ở lại sau đó. Vì sao chị chọn quay về Việt Nam, nhất là khi biết rằng môi trường làm khoa học ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vất vả?
Ngay từ khi bước chân sang nước ngoài học tập, tôi đã có suy nghĩ, sau khi học và làm việc ở nước ngoài để tích lũy cho mình các kiến thức, kỹ năng ở các nước có nền khoa học công nghệ phát triển, tôi sẽ quay về Việt Nam. Tôi muốn xây dựng, phát triển các hướng đào tạo và nghiên cứu cho các thế hệ Việt Nam và đóng góp cho nền khoa học công nghệ nước nhà.
Bởi tôi thấy các bạn sinh viên Việt Nam rất giỏi, tư duy tốt và rất chăm chỉ. Nếu được đào tạo, phát triển trong môi trường nghiên cứu tốt, các bạn sẽ rất thành công.
Ngoài ra, tôi thấy nền khoa học Việt Nam cần được phát triển, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội, và từ đó định vị được vị trí Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ của thế giới. Để làm được điều đó, rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học có tâm huyết.
Từ những suy nghĩ như vậy, tôi quyết định trở về Việt Nam làm việc, mặc dù thời điểm quay về còn rất nhiều khó khăn với nghiên cứu khoa học, đặc biệt các hướng nghiên cứu công nghệ cao.
Cho đến thời điểm này, chị thấy môi trường nghiên cứu khoa học đã có gì thay đổi? Cá nhân chị có trăn trở gì về cơ chế, chính sách đối với những người làm khoa học không?
So với cách đây 10 năm, lúc tôi mới về nước, tôi thấy môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, tiến gần với thế giới, mọi người quan tâm tới khoa học công nghệ, nhiều nhà nghiên cứu đã có đóng góp nhất định và định vị được khoa học công nghệ của Việt Nam với thế giới.
Tuy nhiên, so với một số nước phát triển thì mình vẫn ở khoảng cách khá xa, nhất là về trang thiết bị kỹ thuật mới ở mức cơ bản. Có một số thiết bị hiện đại, cả Việt Nam mình chỉ ở một nơi có. Khi thiết bị hư hỏng hay phải bảo trì, không sử dụng được thì nhóm nghiên cứu phải gửi nghiên cứu đi nước ngoài để đo đạc, phân tích với chi phí cao và mất nhiều thời gian.
Một số nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ chưa nhiều so với các nước phát triển, trong khi khoa học công nghệ là cuộc cách mạng thay đổi nền kinh tế.
Ngoài ra, còn một số thủ tục liên quan đến cơ chế, chính sách, quy trình tài chính khi triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Hiện nay, còn mất khá nhiều thời gian cho việc này. Cần có lộ trình cải tiến quy trình đơn giản và hiệu quả hơn, để các nhà khoa học có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu, dồn toàn tâm toàn ý cho chuyên môn, cống hiến tốt hơn.
Và một điều quan trọng nữa, là làm sao để nghiên cứu ra được thị trường, đến với cộng đồng. Điều này một mình nhà khoa học không làm được, cần phải có sự phối hợp, tham gia từ nhiều phía: từ nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, địa phương…Vì nếu những công trình vẫn chỉ là những nghiên cứu, báo cáo, thì sẽ là lãng phí rất lớn cho cả Nhà nước và nhà khoa học.
Niềm vui lớn nhất là đào tạo được thế hệ kế cận
|
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. ẢNh: NVCC. |
Đã có nhiều thành công, nhưng cho đến thời điểm này, đâu là công trình khiến chị thấy tâm đắc nhất?
Năm 2022, tôi và nhóm nghiên cứu cộng sự đã được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2020, lĩnh vực Môi trường cho hai công trình. Trong đó, công trình về công nghệ xử lý nước thải với chi phí thấp, thân thiện môi trường bằng hồ sinh học phủ hệ thực vật thủy sinh mới ứng dụng xử lý nước thải rất hiệu quả cho các khu công nghiệp tại TP.HCM. Đây là công trình tôi rất tâm đắc khi thực hiện được.
Ngoài ra, là công trình nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời. Đây là những dạng năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng thay thế hiện nay và trong tương lai cho các dạng năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và là nguyên nhân gây ra khí nhà kính CO2, biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Các công trình này có tính cấp thiết rất lớn, đặc biệt vừa qua đã diễn ra COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu).
Đồng thời cũng là một giảng viên, chị thấy vai trò của nghiên cứu khoa học đối với giảng viên thế nào?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một giảng viên vừa phải đảm bảo được công việc giảng dạy, vừa phải có nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đã từng có giảng viên hỏi tôi: Cần có nghiên cứu khoa học để làm gì? Bởi vì hiện nay vẫn còn một số các thầy cô giảng viên cũng còn suy nghĩ, chỉ cần đi dạy là đủ.
Theo tôi, giảng viên ở một trường Đại học cần phải thực hiện tốt cả hai vai trò là giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Có được điều đó mới năng cao được chất lượng đào tạo cũng như gắn kết kiến thực lý thuyết vào thực tiễn, nâng cao các kỹ năng về tư duy cho sinh viên. Đồng thời, sẽ truyền cảm hứng được cho sinh viên, và đào tạo được những trò giỏi.
Tuy nhiên, làm nghiên cứu khoa học cần có sự đầu tư kinh phí, chất xám… Sẽ là trở ngại nếu như trường đại học không có cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt và thúc đẩy nghiên cứu cho giảng viên.
Được biết, chị đã tạo được những nhóm nghiên cứu rất mạnh, đào tạo được nhiều sinh viên xuất sắc. Giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chị yêu công việc nào hơn?
Tôi yêu cả hai. Tuy nhiên, việc hướng dẫn sinh viên thực ra là công việc tôi cảm thấy vui nhất, hơn cả những lần đạt được những giải thưởng về khoa học.
|
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân và mẹ tại Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16. Những thành công của chị có sự đóng góp thầm lặng của người mẹ luôn hết lòng thương yêu, ủng hộ, hỗ trợ chị. Ảnh: NVCC. |
Khi đào tạo được một sinh viên, nghiên cứu sinh thành đạt, các bạn nhận được học bổng đi du học toàn phần các nước phát triển hay làm việc ở các Trường, Viện nghiên cứu, các tập đoàn lớn trong và nước, hoặc đạt được thành tích xuất sắc trong khoa học công nghệ, tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Tôi thấy công việc mình làm có ý nghĩa và cũng thực hiện được phần nào trăn trở và mong ước của tôi ngay những ngày đầu tôi sang nước ngoài học tập và làm việc.
Hơn 10 năm qua, từ khi về Việt Nam, tôi luôn tâm huyết, tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn học sinh, sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Tôi xây dựng các thế hệ đào tạo liên tục, từ các bạn học sinh (cấp 2,3) đam mê nghiên cứu khoa học đến các thạc sĩ, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ…
Từ đó là tạo ra những nhóm nghiên cứu rất mạnh cho các bạn tham gia. Và tôi thấy vui và hạnh phúc vì phần nào đã luôn giữ được nhiệt huyết để đào tạo được lớp thế hệ kế cận, đóng góp cho khoa học nước nhà.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chị!
PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân đã được Tạp chí Khoa học Singapore xếp hạng thứ 23/100 Nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020; và là 1 trong 3 Nhà khoa học Nữ Xuất sắc nhất Việt Nam năm 2019 do LOréal - UNESCO bình chọn. Ngày 16/5/2022 tới đây, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân là 1 trong 4 nhà khoa học được nhận bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ cho những đóng góp xuất sắc trong khoa học.
Mới đây, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được đề cử đại diện cho nhà khoa học Việt Nam tham gia giải thưởng L'Oreal - UNESCO For Women in Science International Rising Talent 2022 (Giải thưởng Tài năng trẻ quốc tế năm 2022 do L'Oreal - UNESCO tổ chức).
Mời quý độc giả xem video: Xem video "GS TS Trần Quang Hải trình diễn kỹ thuật đồng song thanh". Nguồn Vietnamnet.
Mai Loan (thực hiện)