Lười ở đây không phải bất cần, ỷ lại, chẳng tha thiết thứ gì, mà là một loại thái độ tự tại trong cuộc sống. "Lười một chút” cũng là một loại trí tuệ, một dạng xem nhẹ, cũng là thể hiện của sự tu dưỡng.
"Lười" ở đây không phải là dày ăn mỏng làm mà là một kiểu thái độ sống tích cực.
Lười động não – ít tính toán
Phần lớn phiền não trong cuộc đời đều là do bản thân mỗi người tự tạo ra, đều vì chúng ta đã nghĩ quá nhiều. Tâm hẹp đi, phiền não tự nhiên sẽ nhiều; tâm rộng ra, phiền não tự nhiên sẽ tan biến.
Lười động não không phải là không có đầu óc, không có tầm nhìn mà là để tâm vào những việc lớn thực sự chứ không bận lòng vì những chuyện vặt vãnh cỏn con.
Lười động não, bớt tính toán, tất cả thuận theo tự nhiên, tâm trạng tự nhiên sẽ nhẹ nhõm, thoải mái và dễ chịu.
Làm người hay làm việc, đều cần phải biết lúc chặt chẽ, lúc thả lỏng. Một chiếc cung tên nếu cứ đặt nó ở trạng thái căng nhất sẽ dễ hỏng. Con người cũng vậy, việc gì có thể bỏ qua thì hãy bỏ qua, sống quá tính toán, quá chấp nhặt sẽ chỉ khiến bản thân mình mệt mỏi.
Đại văn hào Tô Đông Pha thời Bắc Tống (Trung Quốc) là người có thái độ sống vô cùng lạc quan. Cho dù trong cuộc đời, gặp phải bất cứ việc gì, có khó khăn giày vò đến đâu, ông cũng đều tìm thấy niềm vui từ trong đó.
Người lạc quan phóng khoáng như vậy là người có phúc khí nhất, khổ nạn nào họ cũng sẽ vượt qua, mọi thách thức trong cuộc sống chỉ khiến họ trở nên kiên cường hơn mà thôi.
Lười động miệng – ít bàn tán thị phi
Cổ nhân dạy rằng: Họa từ miệng mà ra. Mỗi người đều có hai đôi mắt để nhìn, hai cái tai để nghe nhưng chỉ có một cái miệng để nói những gì thực sự nên nói, nói đúng lúc và đúng chỗ.
Chúng ta nên thường xuyên nhắc nhở bản thân không nên lấy chuyện của người khác ra bàn tán thị phi, bởi rất nhiều mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hằng ngày đều bắt nguồn từ việc rảnh rỗi ngồi bàn chuyện thiên hạ.
Cái miệng cần "lười nhác" nhưng đôi mắt, đôi tai cần phải dùng nhiều hơn, quan sát và lắng nghe, để từ đó phân biệt được phải trái trắng đen.
Ngay cả trong việc nói năng, chúng ta cũng cần chú ý đến cách nói, chừng mực, điều gì nên nói điều gì không nên, đừng nói xấu sau lưng người khác, như thể chỉ khiến bản thân tạo khẩu nghiệp, châm ngòi cho mâu thuẫn, xung đột.
Bớt bàn tán thị phi, chúng ta sẽ tránh xa được hận thù, giảm bớt được kẻ thù. Trong cuộc sống, khi những người thù ghét mình ít đi, bạn bè sẽ nhiều lên, gặp việc khó khăn sẽ được mọi người chung tay giúp đỡ, đó là nguồn gốc của phúc khí, cần phải nhân rộng hằng ngày.
Lười động thủ - bớt chỉ huy
Người thích chỉ đạo, điều khiển người khác dễ khiến người khác sinh ghét bỏ. Mỗi người sống trên đời, hãy cứ diễn thật tốt vai diễn của mình, không phải việc của mình không nên xen vào. Sự can dự thái quá của bạn đôi khi sẽ gây họa cho người khác hơn là giúp cho họ.
Chúng ta sống cuộc sống của chúng ta, chẳng ai có thể quyết định thay được, vì thế, cuộc sống của người khác, chúng ta cũng nên để họ tự quyết định, dù họ có là người thân hay bạn bè tốt của ta.
Chỉ đạo tốt có thể chúng ta sẽ ghi điểm, lập công, nhưng một khi có sai xót, xảy ra nhầm lẫn, người đầu tiên bị trách chính là bạn.
Trong gia đình, không nên chỉ tay sai khiến, áp đặt bạn đời hay con cái, hãy để cho nhau có một chút không gian riêng, cuộc sống gia đình sẽ hài hòa êm ấm. Việc gì cũng muốn nhúng tay vào, việc gì cũng hỏi, bạn tự nhiên sẽ bị ghét.
Giữ một khoảng cách vừa phải tự nhiên mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, mối quan hệ cũng sẽ trở nên tốt đẹp. Mỗi người là một cá thể độc lập, chỉ có giữ một khoảng cách nhất định, chúng ta mới tránh được sự va chạm và không bị đau.
Làm người, lười một chút, bớt tính toán, bớt bàn tán, bớt chỉ huy, đó là những thói quen sống tích cực, là một dạng trí tuệ, cho thấy sự khôn ngoan và là cách tích phúc khí cho chính mình.
Theo Thạch Thảo/ Khoevadep