Thời phong kiến, phụ nữ có thân phận thấp kém thường không được học hành, thi cử và càng không được làm quan. Tuy vậy, có những người phụ nữ xuất chúng không muốn khuất phục số phận một trong số đó là bà chúa Sao Sa’. Bà giả trai đi thi Trạng, là nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, quá xinh đẹp và tài năng.
Giả trai đỗ Trạng nguyên ngay lần đầu tham dự
Bà Nguyễn Thị Duệ còn có những tên khác như Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn và tên hiệu là Diệu Huyền. Bà sinh 14/3/1574 ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (Hải Dương). Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã bộc lộ tài năng thiên bẩm về chữ nghĩa. Vừa thông minh lại sở hữu nhan sắc xinh đẹp, nên khi mới chỉ hơn 10 tuổi, bà đã được nhiều gia đình quyền quý trong vùng hỏi cưới, định hôn nhưng bà không thuận.
Bà Nguyễn Thị Duệ còn có những tên khác như Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn và tên hiệu là Diệu Huyền.
Những năm cuối thế kỷ 16, cuộc chiến Nam Bắc triều giữa nhà Mạc và Lê - Trịnh đi đến hồi kết thúc. Khi triều Mạc suy thoái, Trịnh Tùng kéo quân ra Bắc, quân Mạc thua to phải chạy. Tướng Mạc Kính Chỉ tập hợp con cháu họ Mạc kéo lên Cao Bằng làm đất dung thân. Ở làng Kiệt Đặc, gia đình bà Nguyễn Thị Duệ cũng phải đi lánh nạn. Nhớ đến những năm tháng yên lành dưới triều vua Mạc, gia đình bà tìm đường lên Cao Bằng.
Mặc dù tài hoa nhưng vì là phận nữ nhi nên bà không được phép đi học, và tại đất Cao Bằng vị tài nữ này đã quyết định giả trai để tiếp tục niềm đam mê đèn sách. Dù đang phân tranh cùng họ Trịnh nhưng lòng dân lúc bấy giờ vẫn theo nhà Mạc rất đông, nhiều danh sĩ cũng lên Cao Bằng để thi thố tài năng mong góp sức cho vương triều. Khi triều đình mở khoa thi cử để tìm kiếm nhân tài giúp nước đã thu hút nhiều sĩ tử, trong đó có cả bà Nguyễn Thị Duệ. Bà lấy tên Nguyễn Ngọc Du, ăn mặc giả trai đăng ký dự thi.
Trong các kỳ thi hương, hội và đình, bà Duệ đều đỗ đầu và trở thành Trạng nguyên (có tài liệu cho rằng đó là khoa thi năm Giáp Ngọ - 1594). Khi ấy, bà chỉ khoảng 17-20 tuổi.
Đắc tội khi quân nhưng vẫn được gọi là ‘bà chúa’
Sách “Những người thầy trong sử Việt” viết khi triều đình mở yến tiệc đãi các tân khoa, Nguyễn Ngọc Du là người đầu tiên đến làm lễ trước bệ rồng. Nhà vua và tất cả văn võ bá quan ngạc nhiên trước vẻ khôi ngô tuấn tú, dáng bước khoan thai của tân Trạng nguyên.
Khi nhà vua ban ngự tửu, Nguyễn Ngọc Du đến nhận lễ. Thấy Trạng nguyên mặt hoa da phấn, thân hình mảnh mai, sóng mắt long lanh, vua mới ngờ vực rồi hỏi và được biết Du thực chất là con gái. Cả triều đình kinh ngạc vì chuyện xưa nay chưa từng có, chưa kể đây là tội khi quân. Thậm chí, có lời đồn cho rằng đó là điềm xấu báo hiệu tận số của vương triều Mạc, tội khó thoát khỏi án chết. Tuy nhiên, vua Mạc đã không trừng phạt mà còn khen ngợi và tỏ ra rất quý trọng tài sắc của bà, cho lấy lại tên cũ, ban cho làm Lễ quan trong cung dạy chữ và lễ nghi cho các cung tần, thị nữ.
Dân gian gọi bà là “bà chúa Sao Sa".
Lâu ngày gặp gỡ, tiếp xúc, Mạc đế càng rung động trước nhan sắc rạng rỡ cùng tài hoa của bà nên đã đưa bà vào hậu cung và tấn phong bà thành Tinh phi - ngụ ý bà xinh đẹp và sáng láng như một vì sao sa. Bởi vậy, dân gian gọi bà là “bà chúa Sao Sa”. Với nhan sắc và tri thức rộng rãi, bà ngày càng được vua Mạc sủng ái, yêu thương và được giao cho công việc tiếp tục dạy bảo lễ nghi, quy tắc cho phi tần.
Tuy vậy, theo thời thế, cuộc sống của bà cũng không được yên ổn. Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Vua Mạc bị bắt đem về Thăng Long. Bà Nguyễn Thị Duệ chạy về ở ẩn tại chùa Sùng Phúc khu vực phía Đông Cao Bằng. Bà vừa trụ trì chùa, vừa dạy học và dạy lễ nghĩa cho con em dân bản. Nhưng rồi trong lúc rối ren chinh chiến, quân Trịnh trong lần truy lùng tàn quân của Mạc Kính Cung đã phát hiện ra nơi bà ẩn náu. Bà bị bắt, giải đến phủ chúa Trịnh. Nhờ tài đối đáp khiêm nhường nhưng thông minh, bà thoát tội chết, được đưa về Thăng Long và đối đãi tử tế.
Vua Lê - Chúa Trịnh biết bà là người có tài lại có sắc, liền trọng dụng. Tại hậu cung vương phủ thời ấy có lục viện gồm: Thượng mục viện (dạy đi đứng); Thượng dung viện (dạy trang điểm); Thượng hòa viện (dạy tính nết); Thượng trinh viện (dạy dáng điệu); Thượng văn viện (dạy học chữ) và Thượng đức viện (dạy lễ nghi) thì Dương Vương Trịnh Tạc đã tiến cử bà Nguyễn Thị Duệ làm Lễ sư, chuyên dạy các phi tần và phong là Chánh Vương Phủ, Nghi ái Quan.
Chúa Trịnh Tạc ban lệnh chỉ: tiền đóng góp về binh lính, tô thuế ruộng công, thuế đò thuế chợ cùng các thứ thuế khác thu ở quê đều để làm bổng lộc cho bà. Từ đó về sau, suốt 20 năm dân làng Kiệt Đặc không chỉ được miễn trừ sưu thuế, phu phen, tạp dịch mà còn được cấp 100 quan tiền và 2 mẫu ruộng tốt là bổng lộc của bà. "Một tấm gương sáng chiếu suốt ba vua" (Lễ sư thông tuệ nhất kính chiếu tam vương). Cảm phục tài đức của nhau, Nghi ái Quan Nguyễn Thị Duệ và Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) trở thành đôi bạn tri âm tri kỷ. Hằng tháng, hai bà cùng đi lễ chùa, vãn cảnh. Qua những cuộc đàm đạo với các sư sãi và những bậc hiền tài, "Bà Chúa Sao sa" Nguyễn Thị Duệ nắm được tình hình đất nước và đời sống của dân chúng, từ đó có được những kế sách hay cố vấn cho triều điều ban bố những cải cách hợp lòng dân.
Tuy ngôi cao lộc hậu nhưng Nghi ái Quan Nguyễn Thị Duệ sống rất thanh đạm, luôn dành sự quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài.
Phần lớn ở các kỳ thi Đình và thi Hội, bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Mỗi tháng 2 kỳ, bà sai người làm cỗ, họp sĩ tử hàng huyện lại cho tập làm văn. Đề bài do bà ra rồi sai người từ kinh đô mang về. Bài làm xong giao cho Hội Tư Văn niêm phong lại đem nộp cho bà. Tự bà chấm bài, đúng hạn trả lại và cho đăng tên những người có bài và điểm lên Văn chỉ. Nhiều người trong số đó đã đỗ Đại khoa, riêng làng Kiệt Đặc quê hương bà đã có 3 người đỗ Tiến sĩ. bà là người đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước nhà, thực hiện dạy học từ xa mà sau 4 thế kỷ chúng ta mới kế thừa, phát huy.
Với mục đích khuyến học thành tài, trong số lộc điền dọc sông Kinh Thày, dân gian quen gọi là "Dải yếm bà Chúa Sao sa". Nghi án Quan Nguyễn Thị Duệ đã trích ra 10 mẫu để thưởng cho những tân Tiến sĩ của quê hương luân phiên cày cấy thu hoa lợi phục vụ việc học hành. Nhân dân rất cảm phục tài năng và đức độ, nên xưng tụng bà là "Nghiêu, Thuấn trong phái nữ, thần tiên ở trên đời".
Đặc biệt, trong kì thi tuyển Tiến sĩ khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631) ở Thăng Long, bà được triều đình Lê - Trịnh mời vào ngôi vị Ban Giám khảo và được hậu thế đúc tượng đồng tại hậu cung Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương).
Sau nhiều thăng trầm, biến cố, năm 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Duệ xin trí sĩ, về quê Chí Linh dựng am Đàm Hoa. Đây vừa là nơi ở, đọc sách, tĩnh tu và được coi như một trường học của làng. Các sĩ tử trong vùng ngày ngày đến am để nghe bà giảng giải kinh nghĩa. Bà cũng được nhà Lê cấp thuế trong làng làm ngụ lộc, nhưng bà chỉ lấy một ít tiền để chi tiêu, còn lại dành hết cho việc công ích, trợ giúp người nghèo.
Bà Nguyễn Thị Duệ mất vào ngày 8/11/1654 , hưởng thọ 81 tuổi, thi hài bà được an táng ở quê nhà. Ngọn tháp xây trên mộ được gọi là “Tinh Phi cổ tháp” khắc mười chữ “Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương” (Lễ Phi là người thông tuệ, một gương soi chiếu ba vua).
Nhớ công ơn của bà, dân làng Kiệt Đặc dựng đền thờ tôn bà làm phúc thần. Trên bức hoành có hai chữ “Hoa Am”, trong có bức tượng bà và đôi câu đối “Giá khoa tiên chiếm Cao Bình bảng/ Đại bút do truyền bát cổ bi”. Tại Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), 637 vị tiến sĩ được thờ, trong đó có bài vị của nữ tiến sĩ duy nhất đề tên “Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ”.
Theo PV/ Arttimes