Là một Trạng nguyên nổi tiếng thời nhà Lê, danh tiếng của Vũ Duệ vượt ra ngoài biên giới nước Việt và rất được nhà Thanh coi trọng. Sứ giả nhà Thanh là Chu Sán sau chuyến đi sứ vào năm Chính Hòa thứ tư (1683) đã dâng biểu lên triều đình báo với vua Thanh về cái tài Lý học của Vũ Duệ.
Trở về từ cõi chết
Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ hiện tọa giữa làng Trình Xá. Trong đền có tấm biển khắc 4 chữ "Vương thất huân lao" do vua ban. Hàng năm, vào ngày 16/8 âm lịch đều diễn ra lễ tế long trọng nhân ngày mất của ông. Tác phẩm của Vũ Duệ hiện còn bài văn bia soạn năm 1521 cho kỳ thi năm 1514 tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Bia số 6), hai bài thơ chép trên bia đá tại Lam Kinh khu lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bảy bài thơ chữ Hán chép trong "Toàn Việt thi lục".
Vũ Duệ (1468 - 1522) vốn tên là Vũ Công Duệ, Vũ Nghĩa Chi người làng Trình Xá, xã Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Vĩnh Lại, Lâm Thao - Phú Thọ). Ngay từ nhỏ, Vũ Duệ đã nổi tiếng thông minh và được người đương thời gọi là "Thất tuế thần đồng".
Giai thoại dân gian truyền lại rằng, khi Vũ Duệ lên 4 tuổi chẳng may mắc bệnh đậu rồi chết, cha mẹ rất đau xót nhưng vì nhà nghèo nên chỉ có chiếu cói bó xác con đặt ở ngoài hiên. Trong khi gia đình chuẩn bị mang đi chôn thì bỗng dưng không rõ từ đâu có một con chó xuất hiện. Nó chạy đến nằm bên thi thể cậu bé, khi thấy người ra lấy xác đem chôn thì nó sủa inh ỏi rồi đuổi cắn.
|
Văn bia soạn năm 1521 cho kỳ thi năm 1514 tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Bia số 6) do Vũ Duệ soạn.
|
Gia đình và hàng xóm thấy chuyện nên chần chừ, đến tối trời nổi gió đổ cơn mưa to. Khi mưa tạnh, nghe có tiếng trẻ con khóc người nhà bèn chạy ra xem thì thất kinh khi thấy Vũ Duệ sống lại. Chuyện hồi sinh này sau này được nhà bác học Lê Quý Đôn ghi lại khá chi tiết trong "Kiến văn tiểu lục", rằng:
"Trạng nguyên Vũ Duệ người xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, lúc lên 4 tuổi bị bệnh đậu chết cứng, người nhà bó thây bằng chiếu cói, bỏ ở ngoài hè, có con chó nằm bên cạnh để giữ, mỗi khi người nhà muốn ra lấy đem đi chôn liền bị con chó ấy cắn, không ai dám đến gần, họ lấy làm quái lạ, chần chừ đến tối, gặp trận mưa to, ông được sống lại, cất tiếng khóc, người nhà lại đem vào nuôi. Có lẽ bệnh đậu nóng quá, gặp được hơi mưa nên giải được nọc độc".
Dân gian cũng kể rằng, hồi nhỏ Vũ Duệ rất láu lỉnh. Có lần, cha mẹ đi vắng, một người cùng làng đến đòi nợ và hỏi: "Bố mẹ cháu đâu?". Vũ Duệ đáp: "Bố cháu đi chém cây sống, trồng cây chết. Mẹ cháu đi bán gió, mua que".
Người kia thấy lạ, suy nghĩ mãi không hiểu cha mẹ cậu bé đi đâu, gặng hỏi mà cậu bé không trả lời. Cuối cùng, ông ta dỗ dành hứa xóa nợ cho gia đình nếu nói ra đáp án. Vũ Duệ lém lỉnh yêu cầu chủ nợ ấn tay lên cục đất dẻo làm tin rồi bèn giải: "Cha đi nhổ mạ để cấy, còn mẹ đi bán quạt".
Hôm sau, người kia đến lúc cha mẹ Vũ Duệ đang ở nhà. Cậu bé đưa cục đất có in dấu tay chủ nợ và yêu cầu người này thực hiện lời hứa và được chấp nhận xóa nợ.
"Kho tàng về các ông Trạng Việt Nam" cho biết, Vũ Duệ vì nhà nghèo nên không được đi học. Hàng ngày, cậu phải trông em để cha mẹ đi làm. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn không làm sờn ý chí của Vũ Duệ, cậu tận dụng mọi cách để học tập tri thức như đi học lỏm, dùng đom đóm làm đèn đọc sách, lấy sân đình và gạch non thay bút giấy mà tập viết.
Gần nhà có một ông thầy đồ mở lớp học. Sáng nào cậu cũng cõng em đứng ngoài hiên, chăm chú nghe bài giảng. Sau gần một năm, cậu bé vẫn rất mực chuyên cần, ngày ngày tới lớp "học lỏm". Một hôm, thầy đồ nảy ra ý muốn thử tài, nếu thực sự thông minh, thầy sẽ tìm cách giúp đỡ về đường học vấn.
Thầy đồ đặt ra câu hỏi rất hóc búa, cả lớp đều lắc đầu không ai trả lời được. Bấy giờ, thầy mới nhìn về cậu bé đứng ngoài hiên, hỏi liệu có thể trả lời không. Câu trả lời của cậu học trò nghèo khiến thầy rất hài lòng, các trò trong lớp cũng thán phục. Sau khi biết tên cậu là Nghĩa Chi, ông đề nghị đổi sang Duệ, tỏ ý khen ngợi tài năng.
Từ đó, Vũ Nghĩa Chi lấy tên là Vũ Duệ và trở thành học trò chính thức của thầy đồ. Vũ Duệ rất thông minh, chỉ cần đọc sách một lần đã nhớ.
Chết để đền ơn vua
Khoa thi năm Canh Tuất 1490 thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Duệ tham gia dự thi và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ. Sử liệu ghi rằng: (Hạ tuần tháng 4), thi Điện, vua thân ra đầu đề vãn sách. Vua sai Thượng thư Binh bộ Định Công bá Trịnh Công Đán và Thượng thư Hình bộ Lê Năng Nhượng làm Đề điệu; Phó đô ngự sử Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm làm Giám thí; Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung và Thượng thư bộ Lại Nguyễn Bá Ký làm Độc quyển.
Vua xem quyển thi rồi xếp bậc cao thấp, cho Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ. Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, Đình Quát 32 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngày 18 tháng 5, vua ngự ở điện Kính Thiên, truyền loa xướng danh các tân Tiến sĩ. Các quan mặc triều phục chúc mừng, bộ Lễ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 19 ban mũ đai y phục, ngày 20 ban yến cho các tân Tiến sĩ.
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Vũ Duệ được triều đình bổ nhiệm chức Tham chính xứ Hải Dương, rồi dần thăng qua nhiều chức vụ quan trọng, như Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị Kinh diên, hàm Thiếu bảo, tước Trình Khê hầụ, và được ban phong là Trinh ý công thần.
Vũ Duệ tính cương trực thẳng thắn, được vua Lê rất tin dùng, các quan đồng triều ai cũng kính nể. Trong hơn 30 năm làm quan, Vũ Duệ đã phục vụ hơn 6 đời vua Lê: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông.
|
Tượng thờ Trạng nguyên Vũ Duệ.
|
Khi Mạc Đăng Dung thao túng triều đình, lập bè kết đảng có ý nhòm ngó ngôi vua, nhiều kẻ xu nịnh vội ngả theo mong có được địa vị, bổng lộc. Riêng Vũ Duệ vẫn giữ khí tiết của kẻ sĩ, quyết trung thành với với vua Lê Chiêu Tông.
Bấy giờ vua Lê Chiêu Tông lo sợ thế lực của họ Mạc nên đến tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522) bí mật thoát khỏi Thăng Long chạy vào Thanh Hóa. Vũ Duệ cùng một số người theo hộ giá nhưng không kịp. Đến cửa biển Thần Phù không tìm được vua, ông treo ấn Ngự sử vào cổ, quay mặt về Lam Kinh bái lạy lăng miếu các vua Lê rồi tự tử để tỏ lòng trung nghĩa.
Trong mục Nhân vật chí sách "Lịch triều hiến chương loại chí" viết: "Năm Nhâm Ngọ (1522), Chiêu Tông phải vào Thanh Hoa, ông theo vua đến Lam Sơn, mặc áo mũ lạy lăng miếu rồi lui ra tự vẫn chết…".
"Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chép: "Lại bộ Thượng thư Đông các đại học sĩ thị Kinh diên là Vũ Duệ và Lại bộ Thượng thư Ngô Hoán cùng với môn đồ là bọn Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo nhà vua, đến Thanh Hoa, đứt liên lạc, không biết nhà vua ở đâu. Họ đều hướng về lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng, rồi tự vẫn cả".
Người trung nghĩa được phong thần
Sau này, nhà khoa bảng Hà Nhiệm Đại triều Mạc đã làm vịnh ca ngợi ông: Tuổi trẻ đỗ đầu các khoá thi/ Danh nho sự nghiệp thật là kỳ/ Trung, trinh Thiếu Bảo lòng như thép/ Không phụ Thuần Hoàng đoán tự xưa.
Tuy nhiên, các ghi chép về Vũ Duệ tự vẫn lại không đồng nhất. Trong "Ngự chế Việt sử tổng vịnh" của vua Tự Đức ghi rằng, Vũ Duệ dùng dao đâm cổ tự tử. Còn một số nguồn tư liệu lại ghi Vũ Duệ và Nguyễn Mẫn Đốc đều lao đầu vào đá mà chết.
Về sau, khi nhà Lê trung hưng, triều đình cho lập đền thờ và phong Vũ Duệ làm Thượng đẳng phúc thần. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" ghi: "Đời trung hưng lục và khen thưởng người tiết nghĩa, cho ông làm bậc nhất, truy phong phúc thần hạng trên, dựng đền cúng lễ".
Tương truyền, khoảng 60 năm sau nhà Lê đánh đuổi họ Mạc, khôi phục Thăng Long, cho đúc lại ấn Ngự sử. Tuy nhiên, ấn đúc mãi không được mới nhớ đến chuyện Vũ Duệ đeo ấn nhảy xuống biển tự tử, bèn sai người lặn xuống cửa biển Thần Phù để tìm ấn cũ.
Người lặn xuống đã vô cùng kinh ngạc khi thấy Vũ Duệ vẫn mũ áo chỉnh tề, cổ đeo túi ấn, ngồi xếp bằng tròn ở dưới đáy biển như còn sống. Tin báo về triều, vua Lê lấy làm lạ cho rằng khí tinh anh của ông kết lại bèn sai làm lễ cúng bái rồi vớt xác khâm niệm trọng thể, đưa về làng Trịnh Xá an táng.
Đời vua Lê Huyền Tông, triều đình nhà Lê bàn công lao, xếp Vũ Duệ đứng đầu trong số 13 người công thần tử tiết. Vua xuống chiếu cho lập đền thờ và phong Vũ Duệ làm Thượng đẳng phúc thần. Ngôi đền thờ ông được gọi là "Trạng nguyên tiết nghĩa từ".
Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ hiện tọa giữa làng Trình Xá. Trong đền có tấm biển khắc 4 chữ "Vương thất huân lao" do vua ban. Hàng năm, vào ngày 16/8 âm lịch đều diễn ra lễ tế long trọng nhân ngày mất của ông. Tác phẩm của Vũ Duệ hiện còn bài văn bia soạn năm 1521 cho kỳ thi năm 1514 tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Bia số 6), hai bài thơ chép trên bia đá tại Lam Kinh khu lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bảy bài thơ chữ Hán chép trong "Toàn Việt thi lục".
Theo Giáo Dục Thời Đại