Lời “quỷ cốc tiên sinh” và nấc thang quyền lực
Có người cho rằng, chính vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bà Nguyễn Thị Mai Anh, là người đã đưa ông vào mê cung mê tín dị đoan. Bà Mai Anh là con gái thứ 7 trong một gia đình lương y truyền thống ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Tuy là người theo đạo Công giáo toàn tòng nhưng bà lại chịu ảnh hưởng khá lớn về nề nếp, gia phong của một gia đình phong kiến, mang nặng tư tưởng Khổng giáo.
|
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong lễ nhậm chức. |
Chính vì lớn lên trong gia đình nặng về tín ngưỡng nên bà rất mê tín dị đoan. Người ta đồn rằng chính bà đã “đạo diễn” cho chồng câu chuyện “tứ Tý” khá bí hiểm và nặng dấu ấn tâm linh khi chồng ngấp nghé vào chính trường.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và chuyện trấn yểm long mạch
Hồi ông Nguyễn Văn Thiệu khởi đầu sự nghiệp, bà Mai Anh đã cho mời “Quỷ cốc tiên sinh” Huỳnh Liên đến gặp Thiệu. Thầy Huỳnh Liên phán chắc nịch: “Ông đây cầm tinh Giáp Tý, năm Quý Mão (1963) tất gặp chông gai. Ông phải đích thân đứng ra đẩy bật tảng đá chắn đường mình đi, nếu không thì mạng vận của ông sẽ bị tảng đá này đè nát”. “Tảng đá” đó, không ai khác chính là Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Quỷ cốc tiên sinh còn phán thêm: “Số phần đã vạch, ông chớ có nhị tâm mà rước họa vào thân, chết không toàn mạng”. Nguyễn Văn Thiệu tin sái cổ, líu ríu nghe theo và thề độc sẽ theo phe đảo chính, chính thức ký tên vào danh sách những kẻ sẽ nhúng tay tắm máu anh em Ngô Đình Diệm. Khi ấy, Nguyễn Văn Thiệu đang là tư lệnh Sư đoàn 5 cơ động, đóng quân tại Biên Hòa.
Hứa là làm. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Nguyễn Văn Thiệu kéo binh lính về bao vây, tấn công Dinh Gia Long, buộc anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu phải đầu hàng. Về sau, ai hỏi đến cái chết của anh em Diệm, Nhu, ông Thiệu lấp liếm bảo rằng, ông chỉ ra lệnh nổ súng bắn vào Dinh Gia Long khi biết chắc Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu đã thoát ra ngoài.
Quẻ bói của Quỷ cốc tiên sinh Huỳnh Liên đã linh nghiệm, giúp Nguyễn Văn Thiệu lập công, “đẩy bật tảng đá chắn đường mình đi”, tạo đà cho Thiệu gác việc binh đao, trở thành một chính trị gia. Nhờ lập công lớn, từ cấp hàm đại tá, Thiệu bay vù lên thiếu tướng.
Chỉ hơn một năm sau, năm 1965, Thiệu lại được gắn lon Trung tướng. Nhờ có sự hậu thuẫn của nhóm tướng trẻ, Thiệu đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo Quốc gia, trở thành Quốc trưởng của miền Nam.
Trên cương vị này, ngày 31 tháng 10 năm 1966, Nguyễn Văn Thiệu đã đứng chủ tọa, cắt băng khánh thành Dinh Độc Lập. Ông chính thức đặt những bước chân đầu tiên lên nấc thang quyền lực trong bộ máy chính quyền Sài Gòn đang cảnh rối ren, hỗn loạn “quần ngư tranh thực”.
Thầy địa lý cao tay Hồng Kông và “sự tích” hồ Con Rùa
Năm 1967, dưới sự hậu thuẫn từ phía Mỹ và lực lượng đảng Dân chủ do chính mình thành lập, Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm Tổng thống, tuyên bố thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam với 34,8% số phiếu. Sau khi lên làm tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu càng ngày càng say mê hơn với những lá tử vi, các thuật phong thủy.
Song cũng vì quá tin vào tâm linh nên ông luôn sống trong tâm trạng bất an, lo lắng. Đã hai lần Nguyễn Văn Thiệu tổ chức lễ cầu siêu theo nghi lễ Thiên Chúa giáo cho anh em cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tâm vẫn chưa yên, vào năm 1967, nghe tin có thầy địa lý cao tay ở Hồng Kông, vợ chồng ông Thiệu liền cho người mời sang Việt Nam để trấn yểm Dinh Độc Lập. Sau mấy ngày khảo sát, đo đạc, nghiên cứu kỹ lưỡng, thầy địa lý phán rằng: “Dinh Độc Lập được xây dựng trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng.
|
Ông Thiệu và vợ. |
Đuôi rồng nằm cách đó chừng 1 km, rơi vào vị trí Công trường Chiến sĩ trận vong. Cần phải dùng một con rùa lớn trấn yểm đuôi rồng lại thì sự nghiệp của tổng thống mới mong bền vững”. Vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu tin theo, lập tức cho xây hồ nước theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để trấn yểm của người xưa.
Hồ có 4 đường đi bộ xoắn ốc đều hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội bia đá. Ngoài ra, khu vực trung tâm còn có một cột cao mang hình cánh hoa xòe phía trên. Nó được xem như một chiếc đinh lớn đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại. Năm 1972, Công trường Chiến sĩ trận vong được đổi thành Công trường quốc tế nhưng người dân Sài Gòn vẫn thường gọi là hồ Con Rùa.
Năm 1971, Việt Nam Cộng hòa tổ chức bầu cử Tổng thống một lần nữa. Sau cố gắng bất thành của Nguyễn Văn Thiệu trong kỳ bầu cử trước kia nhằm gạt hẳn Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi cuộc đua, trong kỳ này, Dương Văn Minh rút lui không tham gia tranh cử và Nguyễn Cao Kỳ cũng từ chối ra tranh cử nên cuộc bầu cử chỉ có duy nhất một ứng cử viên là chính Nguyễn Văn Thiệu.
Bất chấp sự phản đối, tẩy chay mạnh mẽ của sinh viên, học sinh và đa số nhân dân miền Nam, cưỡng bức và gian lận, ngày 6 tháng 3 năm 1971, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tái đắc cử ghế Tổng thống với tỉ lệ 94,36% số phiếu. Kết quả này được hợp thức hóa bởi sự công nhận của Tối cao Pháp viện Sài Gòn vào ngày 22 tháng 10 năm 1971, chính thức đưa Nguyễn Văn Thiệu, lần thứ hai, ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Ngay sau khi tự tuyên bố đắc cử, thực hiện theo nghi thức truyền thống Khổng học, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân, bà Nguyễn Thị Mai Anh, đã đưa gia đình về thăm quê, làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận để kính báo tổ tiên.
Ông chuyển hết mồ mả tổ tiên vào đặt ở đảo Ninh Chữ, gần Phan Rang, nơi được cho là có phong thủy rất tốt và lệnh cho tỉnh trưởng Ninh Thuận phải thường xuyên cắt hai lính bảo an ôm súng đứng gác. Ông cũng cho sửa sang lại ngôi chùa cổ Trùng Sơn tự trên đỉnh núi Đá Chồng, một ngọn núi linh thiêng nổi tiếng nằm giữa hai xã Khánh Hải và Văn Hải, và cho trùng tu lại Văn Thánh miếu, nơi thờ Thánh Khổng Tử ở lưng chừng núi.
Trùng Sơn tự là nơi mẹ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chọn làm nơi quy y cửa Phật lúc tuổi xế chiều. Còn Văn Thánh miếu là nơi thờ tự, lễ lạt của những thành viên Hội Khổng học Ninh Thuận. Ông Thiệu muốn chứng tỏ cho thiên hạ biết rằng, dù đã cải sang đạo Thiên Chúa, mang tên Thánh Martino Nguyễn Văn Thiệu, ông vẫn chưa hề quên truyền thống Nho học của gia đình. (Năm 1951, Nguyễn Văn Thiệu cưới vợ, bà Nguyễn Thị Mai Anh, con gái một gia đình Công giáo toàn tòng ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Do đó, năm 1957, Nguyễn Văn Thiệu được rửa tội và trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo).
Tảng đá sinh mệnh
Vùng quê Ninh Hải có ngọn núi tên Đá Chồng. Trên núi có ba tảng đá lớn chồng lên nhau có hình thù rất dữ tợn đặt tên là núi Mặt Quỷ. Cách núi Mặt Quỷ khoảng 1 cây số, ở chóp Bắc núi Đá Chồng, có một tảng đá lớn hình tam giác nhọn, màu đất sét, chiều ngang cỡ 6 m, cao 3m nhìn giống như con dao, nên được gọi tên là hòn Đá Dao.
Các thầy phán hòn Đá Dao chính là “yểm mệnh” của Nguyễn Văn Thiệu. Dân xứ này có câu: “Mặt Quỷ kỵ Đá Dao”. Sở dĩ Nguyễn Văn Thiệu thăng quan, tiến chức, phát quang lộ mặc dù nhà gần chân núi Mặt Quỷ là nhờ hòn Đá Dao. Bởi thế, trong đoàn người “vinh quy bái tổ”, Tổng thống mới tái đắc cử Nguyễn Văn Thiệu cũng không quên mang theo cả một thầy địa lý, tử vi thuộc hàng cao thủ để chấm, trấn, yểm long mạch trên núi Đá Chồng, nhằm bảo vệ sự vững bền cho ngôi vị Tổng thống.
|
Núi Mặt Quỷ. |
Nhìn Hòn Đá Dao, thầy phán: “Khi nào tảng Đá Dao đổ thì ngôi Tổng thống của ngài mới có thể đổ”. Ngọn Đá Dao đứng chênh vênh nhìn về phía đông bắc, hướng thôn Tri Thủy, quê ông Thiệu. Ngay trước mặt nó còn có 3 tảng đá lớn chồng lên nhau, dân gian gọi là tảng đá Mặt Quỷ nằm ở thôn Tân An, xã Tri Hải. Thầy lại phán thêm: “Tổng thống cầm tinh Giáp Tý. Nếu vượt qua được năm kị Ất Mão 1975 thì mệnh đế vương sẽ vững như bàn thạch núi Đá Chồng”.
Nghe lời thầy, Nguyễn Văn Thiệu đã tìm cách “ém” long mạch ngay phía trước mặt hai tảng Đá Dao và Mặt Quỷ. Ông ra lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận điều một trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo hình chữ Công, án chóp phía Bắc núi Đá Chồng, sau đó làm gấp một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu.
Công trình hoàn tất, một trung đội biệt động quân đã được điều về để ngày đêm bảo vệ Văn Thánh miếu và ngọn Đá Dao, bởi ông Thiệu luôn nơm nớp lo sợ quân Giải phóng ở núi Cà Đú và các rặng núi lân cận sẽ tràn về phá tan núi Đá Chồng – nơi có “lá bùa hộ mệnh”. Tiếp đó, một sân bay dã chiến dành để đáp trực thăng và cầu cảng Ninh Chử cũng được gấp rút xây dựng, nằm cách núi Đá Chồng chỉ non 1 km.
Âm dương bài bố đầy đủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh yên tâm ngủ ngon và tin tưởng đến mức gửi trọn tiền đồ quốc gia cho những lời phán truyền sấp ngửa. Đầu xuân năm 1972, theo lệnh của Nguyễn Văn Thiệu, Đại tá Trần Văn Lâm, Giám đốc Việt Tấn xã đã long trọng mời 3 ông thầy Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn lên đài truyền hình nói trước dân chúng về vận mạng quốc gia.
Cả 3 thầy đều thao thao bất tuyệt nói về “một nền hòa bình vĩnh cửu đang đến rất gần”, về “quốc gia may mắn có một vị tổng thống anh minh và sáng suốt, có chân mạng đế vương tất sẽ lãnh đạo binh sĩ và dân chúng giành thắng lợi tuyệt đối trước Cộng sản”. Nhưng người tính không bằng trời tính. Từ cổ chí kim, nhân mệnh rất khó thắng thiên.
Năm 1974, vào một buổi chiều không mưa, trời quang mây tạnh, từ lưng chừng núi Đá Chồng, tảng Đá Dao – linh vật trấn yểm giữ vận mạng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỗng dưng bị vỡ đôi, trôi lăn lông lốc xuống, đánh vỡ tan ba hòn đá Mặt Quỷ rồi lăn xuống chân núi khiến mọi người vô cùng kinh hãi. Chưa dừng lại. Vào dịp Tiết Kinh trập (sâu nở) mùa xuân năm 1975, toàn vùng Văn Sơn, Bình Sơn, Khánh Hải, Ninh Chữ đột nhiên xảy ra một trận thiên địch lớn chưa từng thấy.
Hàng triệu con sâu bọ, côn trùng các loại, nhất là sâu róm, sâu gai, xuất hiện dày đặc. Chúng kết thành từng đàn, từng đàn. Quét hết đợt này, đợt khác lại xuất hiện, tràn qua đường lộ và cầu Lăng Ông. Chúng tàn phá tan hoang các loại hoa màu, ruộng lúa khiến nhiều gia đình quá kinh hãi phải chạy di tản. Tiếp đó là hàng ngàn con bươm bướm bay rợp trời. Chưa hết. Tại núi Đá Chồng, trong các hốc đá của hòn Đá Dao bị vỡ, sâu và bọ hung cũng xuất hiện lũ lượt. Chúng túa ra, bò hàng đàn qua lộ, ra phía biển. Trước những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ chưa từng thấy, dân chúng đồn rầm rĩ: vận ông Thiệu đã hết. Đá Mặt Quỷ, hòn Đá Dao đổ đồng nghĩa với “mệnh trời” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng ngã theo.
Báo ứng
Quả đúng như vậy. Đầu năm 1975, Quân Giải phóng đã đánh chiếm Phước Long. “Giáp Tý kỵ Ất Mão” như lời thầy tử vi phán về đời Thiệu bắt đầu. Nhưng trên mặt báo vẫn còn có những kẻ xu nịnh ca tụng “quý số” và tài năng của ông Thiệu hết lời, đại loại như: “Người lãnh tụ phải biết trị quốc.
Ông Ngô Đình Diệm cầm quyền 9 năm bị 2 lần đảo chánh, vậy không biết trị quốc và quá tin người nên chết thảm. Đại tướng Dương Văn Minh cầm quyền 3 tháng bị 1 lần đảo chánh, vì không biết trị quốc nên thân bại danh liệt. Nguyễn Khánh cầm quyền 13 tháng, Phan Huy Quát 5 tháng, Nguyễn Cao Kỳ 2 năm. Tất cả đều bị lật đổ. Vậy không biết trị quốc nên sự nghiệp tiêu tùng. Riêng ông Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền 10 năm không một lần đảo chánh. Vậy là người biết trị quốc – xứng danh là lãnh tụ”.
Ca tụng làm vậy nhưng cái gì phải đến tất sẽ đến. Cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thắng lợi vang dội từ khắp các chiến trường Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung. Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Nha Trang giải phóng. Các sắc lính Việt Nam cộng hòa cuống cuồng kéo nhau theo Quốc lộ 1 chạy về phía Phan Rang. Theo đề xuất của tướng Feredrich C.Weyand – Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu quyết định lập phòng tuyến Phan Rang để chặn bước tiến của Quân Giải phóng.
Thiệu ra lệnh sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận của Quân khu 2 vào Quân khu 3, lập Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3, cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh, đại bản doanh đặt tại Sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Trên khắp mặt trận mới mở thuộc hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Thiệu đã ném vào canh bạc cuối cùng hơn 75.000 quân các loại.
Nhưng chỉ hai tuần sau đó, sức tiến công vũ bão của Quân Giải phóng đã đập nát tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống 1.665 binh sĩ Việt Nam cộng hòa, 11 xe tăng, thiết giáp và 51 máy bay nguyên vẹn. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, tại xóm Dừa, phường Đô Vinh (Tháp Chàm), Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 3 Việt Nam cộng hòa gồm Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và toàn bộ sĩ quan tùy tùng đã bị bắt gọn trên 3 chiếc xe bọc thép.
Trước đó, ngày 13 tháng 4 năm 1975, trung đội lính bảo vệ núi Đá Chồng đã bắn chết người cai quản Văn Thánh miếu, rồi xô vào đập nát các bệ thờ, cạy cả mái ngói để “tìm vàng ông Thiệu giấu”. Đau đớn hơn, ở đảo Ninh Chữ, nơi chôn cất mồ mả của gia tộc Nguyễn Văn Thiệu, chính những người lính hàng ngày canh gác đã nổi loạn, dùng máy ủi san phẳng các ngôi mộ.
Trong cuốn sách “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ”, tác giả Alan Dawson đã mô tả sự việc này khá chi tiết: “Khi biết tỉnh Phan Rang đã sắp thuộc quyền kiểm soát của quân Giải phóng, một binh nhì tên Đức đã kêu gọi đồng đội nổi loạn để quay về nhà. Ba lính thuỷ quân lục chiến đã bẻ khóa công tắc máy ủi, một người lính ngồi ghế lái, binh nhì tên Đức và những người khác ngồi trên nóc, ở phía sau.
Trong vòng 5 phút, các bia đá bị lưỡi gạt nghiến nát và mặt đất bị xới tung lên, chẳng còn cách nào để nhận ra những ai đã được chôn ở đấy. Nhóm lính sau đó bỏ đi, Trung tá Bảo (chỉ huy nhóm bảo vệ) không ngăn cản được nên chỉ gọi điện về báo cáo cho tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, rồi sau đó cũng bỏ trốn. Nguyễn Văn Thiệu mặt mày trở nên trắng bệch khi nghe báo cáo về điều đó”.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải ngậm ngùi lên đài đọc lời từ chức, thú nhận sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chính bản thân ông, để rồi sau đó chạy ra nước ngoài sống hết những năm còn lại trong kiếp lưu vong.
Thế là cuối cùng, ước nguyện và lá số “làm vua vĩnh cửu” của Nguyễn Văn Thiệu đã không linh nghiệm, dù vị Tổng thống Việt Nam cộng hòa đã cố sức để sắp đặt ở cả hai cõi âm dương. Điều duy nhất Nguyễn Văn Thiệu để lại được trên quê hương Ninh Thuận của ông chỉ là một “huyền thoại” về núi Đá Chồng, “huyền thoại” về sự sụp đổ.
Theo Hoàng Anh Sướng /Tuổi trẻ & Đời sống