Những lưu ý cúng Giao thừa

Google News

Giao thừa là phút giây thiêng liêng, là thời khắc trời đất, vũ trụ, giao hòa nên vô cùng quan trọng với các gia đình. Cúng Giao thừa sao cho nhiều may mắn?

Cúng Giao thừa ngoài trời – lễ nghênh đón Thái tuế
Theo ông Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người), người xưa quan niệm mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới. Đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền (như năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan).
Ảnh minh họa. 
Phút Giao thừa là lúc bàn giao, quan quân mới ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương, nên các gia đình đem xôi gà bánh trái, hoa quả... toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng với lòng thành tiễn quan quân năm cũ, đón người nhà trời năm mới xuống làm nhiệm vụ.
Cúng Giao thừa vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý mở đầu mùng 1 Tết). Lễ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các gia đình để cầu mong sự bình an, may mắn, thịnh vượng năm mới. Theo phong tục, cúng Giao thừa phải làm hai lễ, một lễ cúng Giao thừa trong nhà và một lễ cúng ngoài trời.
Nhiều gia đình băn khoăn việc cúng ngoài trời hay trong nhà trước. Ông Nguyễn Mạnh Cường (nhà nghiên cứu Phật học, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng, nên lễ Giao thừa trong nhà trước, thắp hương trong nhà, lễ bái Phật, thần linh, gia tiên xong rồi mới ra ngoài làm lễ Thái tuế ngoài trời – sao cho lễ Thái tuế đúng lúc Giao thừa. Lễ nghênh Thái tuế không cầu kỳ, có thể là chén rượu, nén hương thành tâm thành ý là được.
Ở miền Bắc, mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời có xôi chè, hoa quả, ít tiền vàng mã… Đặc biệt không thể thiếu con gà luộc trong mâm cỗ mặn. Ở miền Nam, đơn giản hơn với đĩa ngũ quả, hoa vạn thọ, hai cây nến, lư hương, nước, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn.
Đầy đủ và đúng cổ truyền, thì mâm lễ mặn có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè. Đặc biệt kèm thêm bắp cải thảo… bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Nên đặt bàn lễ Thái tuế ở ban công, trên tầng thượng, có mái che, ngoài sân, vỉa hè… là tốt nhất. Đặt bàn lễ ở nơi có mái che, nhưng cần nhìn thấy bầu trời.
Lưu ý:
Cúng Giao thừa ngoài trời là Thái tuế năm nào thì quay mặt phương đó cúng. Ví dụ năm Mậu Tuất 2018, Thái tuế 2018 là Khương Vũ đại tướng quân, ngự tại phương Đông Bắc. Khi đứng lễ mặt quay về phương Đông Bắc lễ. Nếu phương Đông Bắc vướng, có mái che thì không chấp hướng nữa. Hãy đặt lễ hướng ra ngoài và lễ bình thường.
Lễ Thái tuế thường cúng xôi, gà (hoặc chân giò, giò nạc - riêng năm Dậu ngại cúng gà thì cúng thịt tam sinh – 3 loại thịt vật đẻ trứng). Cúng chay thì phải dùng đồ chay hoàn toàn, không được dùng nửa chay nửa mặn. Sau đó thành tâm đốt hương, nến. Vì là lễ thần nên cần thắp 5 nén hương ngoài trời (3 nén trong nhà). Rồi kính cẩn đọc văn khấn, tụng kinh chú, bài nguyện cho trôi chảy.
Cúng Giao thừa trong nhà
Cúng Giao thừa nghênh Thái tuế xong, các gia chủ vào nhà cúng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà.
Theo truyền thống, mâm lễ vật dùng để cúng Giao thừa trong nhà gồm: Ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh dầy, bánh mứt kẹo, mâm cỗ mặn/ cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết. Mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ phúc (Phúc – Lộc – Thọ - Khanh – Ninh), tùy địa phương mà có khác. Mâm cỗ ngọt và chay bày trên bàn thờ gồm: Hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết… Các nhà tâm linh khuyến khích các gia đình bày cỗ ngọt, cỗ chay trên bàn thờ. Mâm cúng mặn tuyệt đối không bày trên bàn thờ. Có thể bày phía dưới, ở bàn khác. Mâm cúng mặn đêm Giao thừa, hoặc mâm cúng ngày mùng Một, dân gian thường cúng một con gà sống hoa, tức con gà đang đến độ trưởng thành (không dùng gà sống thiến), theo quan niệm xưa, dân gian luôn cầu mong chữ “phúc”, tức sự duy trì nòi giống. Vì vậy người ta chọn gà sống hoa - loài có khả năng sinh sản, là biểu tượng gọi mặt trời bừng sáng, là dương khí - tức yếu tố sinh khí mới vào nhà. Gà sống cúng để nguyên con, cố giữ nguyên nội tạng, đặc biệt là hai hòn ngọc. Gà đặt theo hình dáng đang vươn cánh lên, miệng ngậm bông hồng. Mâm cơm cúng có đủ các món xào, món canh… nhưng không cần cầu kỳ, nhất thiết phải sạch và cần ít để bày cho đẹp.
Sau khi cung kính bày lễ, đặt xong mâm cũng thì người lớn nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, súc miệng rượu thơm, đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính lễ Giao thừa trong nhà, khấn Thần linh và mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu.
Ở chung cư cúng Giao thừa ngoài trời như thế nào?
Theo ông Tam Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên, ở chung cư do không gian chật hẹp, không có đất có vườn, lại dễ xảy ra hỏa hoạn, nên việc cúng Giao thừa chỉ cần tập trung ở trong nhà, không nhất thiết phải cúng ngoài trời.
Nếu ở chung cư muốn cúng Giao thừa ngoài trời, người dân nên xuống dưới sân chung cư làm lễ. Nếu nhà có ban công với không gian rộng, không vướng víu thì có thể làm lễ cúng Giao thừa ngoài trời.
Theo Dương Hà/ GĐ&XH